Trong số 10 Công dân Thủ đô ưu tú năm 2023, ông Nguyễn Hữu Phúc (tức Lê Đức Vân), Trưởng ban liên lạc Đoàn Thanh niên cứu quốc Thành Hoàng Diệu cao tuổi nhất.
Sinh năm 1928, người gốc Hà Nội, ông đã trải qua nhiều cương vị công tác, từng được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất và vừa mới đây, vinh dự được thành phố trao danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú”.
Cậu học sinh kiên gan, giàu lòng yêu nước
Một ngày đầu tháng 10-2023, tôi tìm đến nhà ông Lê Đức Vân, nơi ông vừa mới chuyển đến ở 2 tuần, trong ngõ 105 phố Bạch Mai (quận Hai Bà Trưng). Ở tuổi 95, mắt đã mờ, chân đã chậm, song khi được hỏi về quá trình hoạt động cách mạng, ông trả lời vẫn rành rọt, minh mẫn.
Những hoạt động của các học sinh Trường Bưởi (Hà Nội) thời đó (giai đoạn 1939-1943), trong đó có ông, lần lượt được tái hiện qua lời kể. Khi đó, Nguyễn Hữu Phúc đang là học sinh nhưng đã sớm giác ngộ cách mạng và giàu lòng yêu nước.
Ông vẫn nhớ như in người thầy giáo dạy môn lịch sử tên là Trần Văn Khang (được học trò yêu mến gọi là "ba Khang"), dù giảng dạy trong ngôi trường của Pháp nhưng khi dạy về lịch sử, ba Khang vẫn khéo khơi dậy trong mỗi học sinh lòng yêu nước, yêu dân tộc Việt. Các bài giảng của thầy đã thôi thúc nhiều cô cậu học trò âm thầm hoạt động cho cách mạng. Bản thân cậu học trò Nguyễn Hữu Phúc cũng rất tích cực tham gia.
Tháng 8-1940, ông tham gia đội Ngô Quyền, một tổ chức học sinh yêu nước cách mạng ra đời tại Trường Bưởi (Hà Nội) - nay là Trường THPT Chu Văn An. Rồi sau đó, ông được gặp ông Vũ Quý, cán bộ cách mạng của Việt Minh.
Theo sự giới thiệu của ông Vũ Quý, năm 1943, Nguyễn Hữu Phúc tham gia Thanh niên cứu quốc Hà Nội và năm 1944 tham gia Đoàn Thanh niên cứu quốc Thành Hoàng Diệu. Và trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, ông lấy tên bí danh là Lê Đức Vân, cho đến sau này, mọi người vẫn quen gọi ông bằng bí danh.
Ông kể lại: “Dù biết nếu bị phát hiện, sẽ bị bắt, bị tra tấn, thậm chí mất mạng, song chúng tôi vẫn kiên gan giúp đỡ cách mạng bằng cách nhờ in các tờ truyền đơn nhỏ bằng nửa bàn tay với các nội dung “Đánh đuổi Nhật, Pháp”, “Ủng hộ Việt Minh”…, rồi chia cho các thành viên bí mật đặt truyền đơn vào trong các ngăn bàn học, trong giày của học sinh, các giám thị, có lúc lại đặt trên nóc ô tô để khi ô di chuyển thì truyền đơn bay khắp phố. Cách rải truyền đơn khéo léo đó đã mang lại hiệu quả là nhiều người đọc được các thông điệp cách mạng, và cũng không bị lộ nên hạn chế được sự bắt bớ”.
Ông Lê Đức Vân còn được giao nhiệm vụ phụ trách tờ báo Hồn nước - một tờ báo của thanh niên được thành lập năm 1943. Khi đó tờ báo này được in bằng kỹ thuật thô sơ, đặc biệt là việc in cũng phải thực hiện trong điều kiện tuyệt đối bí mật. Tinh thần dũng cảm và sự mưu trí của các thành viên trong Đoàn Thanh niên cứu quốc Thành Hoàng Diệu đã góp phần quan trọng làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Sau năm 1945, ông tiếp tục tham gia cách mạng, xây dựng Thủ đô và giữ các cương vị: Bí thư Đảng đoàn thanh niên Hà Nội, Hiệu trưởng Trường Múa Việt Nam, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Hà Nội, Vụ phó Vụ Tổ chức, Bộ Văn hóa.
Dù ở cương vị công tác nào, ông cũng tích cực phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, đóng góp quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô và đất nước. Sau khi nghỉ hưu, ông tiếp tục tích cực tuyên truyền, vận động gia đình và quần chúng nhân dân thực hiện đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ông cũng luôn nhiệt tình, trách nhiệm trong các hoạt động của Chi hội Cựu chiến binh, Chi hội Người cao tuổi... Năm 2022, ông vinh dự được Thành ủy Hà Nội trao tặng Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng.
Người đảng viên mẫu mực
Một trong những niềm đam mê của ông Lê Đức Vân là sưu tập tem. Ông chính là một trong 3 người đầu tiên thành lập Hội Tem Việt Nam, đồng thời là Chủ tịch Hội Tem Hà Nội trong 14 năm trước khi nghỉ hưu.
Với vốn kiến thức, sự say mê và kiên trì của mình, ông đã sưu tập được nhiều bộ tem quý. Với ông, tem là lịch sử, là văn hóa, là nghệ thuật…, nên ông dành nhiều thời gian, công sức và cả tiền của để sưu tập nhiều bộ tem quý về Bác Hồ, về quê hương, đất nước, đặc biệt là không thể thiếu các bộ tem về Thủ đô - nơi ông sinh ra và lớn lên.
Ông sở hữu 7 bộ tem về sự kiện Giải phóng Thủ đô, cùng nhiều bộ tem về quá trình xây dựng, bảo vệ đất nước và Thủ đô qua các giai đoạn. Nhiều bộ tem ông ghi rõ mốc thời gian, rõ tên, số lượng, số tiền, lại có cả những con tem còn dán trên phong bì thư cùng những con dấu ghi “Ngày nhân dân thế giới đoàn kết ủng hộ cuộc đấu tranh thống nhất của Việt Nam”, “Kỷ niệm lần thứ 600 năm sinh Nguyễn Trãi 1380-1980”…
Lật giở các bộ tem một cách nâng niu, ông nhớ rành rọt từng bộ tem nào gồm bao nhiêu cái. Trên mỗi trang, ông đều viết ngắn gọn giới thiệu mốc thời gian cùng nội dung chính của bộ tem.
Cách lưu trữ đáng quý đó được ông duy trì đến tận bây giờ. Ông có thói quen đọc Báo Hànộimới hằng ngày và luôn cắt những bài báo hay, những thông tin hữu ích rồi lưu lại.
Chứng kiến Hà Nội qua gần một thế kỷ xây dựng và phát triển, ông Lê Đức Vân chia sẻ: “Hà Nội trước đây nhỏ và yên tĩnh, nay rộng lớn hơn nhiều và có sự phát triển mạnh mẽ. Tôi cảm thấy rất vui, tự hào vì dưới sự lãnh đạo của Đảng, mình đã có đóng góp được phần nào công sức trong việc gìn giữ, phát triển các phong trào của Hà Nội. Hơn nữa, tôi là người con của Thủ đô, sinh ra và lớn lên tại phố cổ Hà Nội nên được góp sức xây dựng Thủ đô, tôi rất phấn khởi”.
Ở tuổi đại thọ, ông Lê Đức Vân vui vầy trong đại gia đình 4 thế hệ với con, cháu, chắt. Trong nhà, các kỷ vật gắn bó với ông đều được cả gia đình gìn giữ một cách trân trọng. Đó là các Huân chương, Huy hiệu, danh hiệu, các bức ảnh, đặc biệt là cuốn sách “Đoàn Thanh niên cứu quốc Hoàng Diệu”…
Chị Nguyễn Khánh Linh - cháu nội ông Lê Đức Vân cho biết: “Khi được biết ông là 1 trong 10 người được vinh danh Công dân Thủ đô ưu tú năm 2023, em và gia đình rất tự hào và xúc động. Ông là cây đại thụ của gia đình, rất mực yêu thương con cháu. là niềm tự hào để chúng em noi theo”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.