Trước thông tin nước C2 có chì, nhiều người tiêu dùng là tín đồ của sản phẩm này tỏ ra lo lắng, thậm chí có nhiều người đã lên tiếng hỏi về cách thải chì.
Nước giải khát C2 và rồng đỏ nhiễm chì người uống nguy hiểm như thế nào? |
Lo lắng vì trót uống C2
Anh Cao Văn Phúc trú tại Hạ Long, Quảng Ninh thành thật cho rằng cả gia đình anh lo lắng vì trước đó mọi người rất hay uống C2. So với các loại nước giải khát khác, anh Phúc thích C2 vì dễ uống và con anh cũng thế. Chai vừa đủ mỗi lần bóc ra nên nhà anh thường mua cả thùng về bỏ tủ lạnh uống dần.
Nhìn những chai C2 vứt lăn lóc ở nhà cách đó vài ngày còn là thứ đồ uống quen thuộc của cả gia đình, anh Phúc khẳng định từ nay sẽ nói không với các loại nước ngọt đóng chai.
Cùng suy nghĩ đó, trên diễn đàn webtretho, nhiều người tỏ ra lo lắng vì đã sử dụng sản phẩm này nhiều năm. Họ lo lắng không biết làm thế nào để có thể thải chì ra được nếu lỡ uống phải những chai C 2 nhiễm chì.
Theo PGS Trần Hồng Côn – Giảng viên khoa Hóa học trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội, chì là kim loại độc ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Nếu hít phải không khí có chì ở dạng oxy hóa có thể gây tử vong.
Bình thường chì là kim loại mềm, màu xám nhạt, có trong thiên nhiên dưới dạng quặng như sunfua chì (galen). Chì nóng chảy ở 327 độ C, sôi ở 1.515 độ C, nhưng ở khoảng 550-600 độ C, chì đã bay hơi và khi tiếp xúc với không khí hơi biến thành oxit chì, rất độc. Chì và các hợp chất của chúng đều rất độc, càng dễ hòa tan bao nhiêu, càng độc bấy nhiêu. Chì khó thải loại, khi vào cơ thể nó theo máu đến các cơ quan: gan, thận, não, tủy xương, dây thần kinh, cơ…Mức độ tùy thuộc vào nồng độ của chì.
Nếu chì ở trong nước uống khi vào cơ thể có thể gây tổn hại cho hệ thần kinh, đặc biệt là ở trẻ em và có thể gây ra các chứng rối loạn não và máu.
Tại Trung tâm Chống độc bệnh viện Bạch Mai, các bác sĩ thường xuyên tiếp nhận trẻ ngộ độc chì. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ em ngộ độc chì như tiếp xúc với môi trường ô nhiễm ở các làng nghề tái chế chì từ ắc quy, khai thác quặng chì, sử dụng đồ chơi có sơn chì, đạn chì. Các loại thuốc nam được dân gian gọi là thuốc “cam” dạng bột hoặc viên (đặc biệt lại có màu vàng, cam, đỏ, hồng) cũng là nguyên nhân hàng đầu gây ra nhiều trường hợp ngộ độc chì.
Biểu hiện của ngộ độc chì như thay đổi hành vi, co giật, hôn mê, phù gai thị, liệt dây thần kinh sọ, tăng áp lực nội sọ. Bệnh nhân nôn kéo dài có biểu hiện thiếu máu, có thể kết hợp thiếu sắt.
Ngộ độc chì cực nguy hiểm với trẻ nhỏ
Bình thường, nguy cơ ngộ độc chì có thể xảy ra do: ăn các thực phẩm đóng hộp hàn bằng thiếc lẫn chì; uống nước dẫn qua đường ống pha chì; hít phải bụi chì và các hợp chất của nó trong các nhà máy sản xuất sơn, làm acquy, mạ kim loại, khai thác chì và đúc chữ in bằng chì; nhân viên tiếp xúc với xăng dầu chứa chì hữu cơ. Chỉ cần hít thở không khí có nồng độ 5m/lít chì hữu cơ đã có thể tử vong.
Nếu nồng độ chì máu > 70 µg/dL thường gây hội chứng não cấp ở trẻ nhỏ. Hội chứng não cấp dễ gây tử vong hoặc di chứng thần kinh, tâm thần nặng nề: tỷ lệ tử vong là 65% khi chưa có thuốc gắp chì và giảm xuống dưới 5% khi có các thuốc gắp chì có hiệu quả, 25-30% trẻ sẽ bị di chứng vĩnh viễn bao gồm chậm phát triển trí tuệ (mất khả năng học tập và tự phục vụ), co giật, mù, liệt.
Phần lớn các trẻ có chì máu tăng nhưng không có triệu chứng rõ vẫn có nguy cơ chậm phát triển trí tuệ và thể chất, cần phải điều trị. Ngoài ra, theo nghiên cứu của các chuyên gia thì có mối liên quan tỷ lệ nghịch giữa chỉ số IQ của trẻ em và nồng độ chì máu, ngay cả khi nồng độ chì máu thấp.
Theo phác đồ của Bộ Y tế, khi xác định ngộ độc chì thì người ta phải ngừng phơi nhiễm. Sau đó sẽ phải rửa dạ dày nếu nuốt chì dạng viên thuốc, bột trong vòng 6 giờ. Rửa ruột toàn bộ nếu chụp Xquang có hình ảnh kim loại chì ở vị trí ruột. Dùng dung dịch polyethulene glycol và điện giải.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.