(HNM) - Thời gian qua, tình trạng buôn bán, sử dụng thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón... tràn lan đã gây ảnh hưởng tới sản xuất của người dân và sức khỏe con người.
Mặc dù các ngành chức năng đã tiến hành kiểm tra và xử lý vi phạm nhưng chỉ như "muối bỏ biển" vì mức độ vi phạm đang tăng lên vì lợi nhuận... Đây là những nội dung được thảo luận trong hội nghị trực tuyến về quản lý vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản do Bộ NN&PTNT vừa tổ chức.
Tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tràn lan gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.Ảnh: Lê Tuấn |
Kiểm tra là ra vi phạm
Theo Cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản (Bộ NN& PTNT), trong 6 tháng đầu năm 2014, các tỉnh, thành phố đã tổ chức đánh giá các cơ sở sản xuất vật tư nông nghiệp và kinh doanh nông, lâm, thủy sản theo Thông tư số 14/2011/TT-BNNPTNT. Qua kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh thuốc thú y cho thấy, tỷ lệ được kiểm tra, đánh giá phân loại lần đầu và định kỳ xếp C vẫn chiếm 34,7%. Số cơ sở sản xuất kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) xếp loại C vẫn chiếm 48,6%. Đặc biệt, sau tái kiểm, vẫn có 64 cơ sở sản xuất kinh doanh phân bón xếp loại C (chiếm 70,3%).
Theo ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản thì số cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp xếp loại C được tái kiểm còn thấp, tỷ lệ cơ sở tiến bộ được nâng lên hạng A, B cũng rất ít. Hầu hết các tỉnh chưa có biện pháp xử lý các cơ sở bị xếp loại C sau 2 lần kiểm tra, chưa công khai việc xếp loại trên các phương tiện thông tin đại chúng. Hệ thống pháp luật đặc biệt là tiêu chuẩn, quy chuẩn cho quản lý vật tư nông nghiệp chậm được hoàn thiện nên xảy ra nhiều vi phạm. Do đó, khi các ngành chức năng tổ chức thanh tra, kiểm tra diện rộng và đột xuất về các loại vật tư nông nghiệp đã xử phạt 7 trường hợp vi phạm hành chính về lĩnh vực phân bón, thức ăn chăn nuôi; 22 cơ sở sản xuất thuốc BVTV xử lý nhãn thuốc sai về cỡ chữ và ghi trên nhãn không đúng nơi sản xuất; 26 sản phẩm phân bón lá và bón rễ ghi không đúng công dụng của phân bón bị xử lý… Tiến hành kiểm tra 1.939 cửa hàng, đại lý thuốc BVTV đã phát hiện 318 cửa hàng, đại lý vi phạm (chiếm 16,4%) và phạt tiền 123 trường hợp; 47 mẫu thuốc BVTV được lấy để kiểm tra chất lượng thì có 6,38% số mẫu không đạt chất lượng.
Thanh tra Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, trong 6 tháng đầu năm, các đơn vị của ngành nông nghiệp tổ chức thanh tra, kiểm tra 212 tổ chức, cá nhân kinh doanh vật tư nông nghiệp và an toàn vệ sinh thực phẩm và lập biên bản, xử lý vi phạm hành chính 75 trường hợp. Ngoài ra, đã phát hiện một đơn vị sản xuất phân bón có chất lượng kém và quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 80 triệu đồng, tịch thu phương tiện tang vật, buộc tiêu hủy toàn bộ 12.000kg phân bón chất lượng kém. Các hành vi vi phạm trong lĩnh vực vật tư nông nghiệp chủ yếu là vi phạm nhãn hàng hóa, kinh doanh, bảo quản không bảo đảm quy định; sản xuất thức ăn chăn nuôi không có trong danh mục, thuốc thú y không bảo đảm chất lượng; sang chai, đóng gói thuốc BVTV không đạt tiêu chuẩn chất lượng, không có chứng chỉ hành nghề và tẩy xóa, sửa chữa thời hạn sử dụng...
Xử phạt chưa đủ răn đe
Thời gian tới, để từng bước chấn chỉnh hoạt động kinh doanh vật tư nông nghiệp, quản lý chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm nông, lâm, thủy sản, các đơn vị của Bộ NN&PTNT cần phối hợp chặt chẽ với địa phương tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra trên diện rộng một số vật tư nông nghiệp như: Thức ăn chăn nuôi, chế phẩm sinh học, thuốc thú y, thuốc BVTV, phân bón… đặc biệt chất cấm trong thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, hình thức xử phạt cần tăng nặng để đủ sức răn đe, không để các đối tượng vì lợi nhuận bất chấp mọi thủ đoạn kinh doanh hàng kém chất lượng để kiếm lợi. Hướng dẫn các địa phương về tăng cường kiểm tra, thanh tra chuyên ngành và xử lý vi phạm hành chính. Đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành kiểm tra, phân loại 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông, lâm, thủy sản chủ lực theo Thông tư số 14/2011/TT-BNNPTNT ngày 29-3-2011; công khai kết quả phân loại, có giải pháp xử lý dứt điểm đối với cơ sở tái xếp loại C.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát chỉ đạo các địa phương cần quan tâm đúng mức công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản. Bên cạnh các hình thức xử lý vi phạm cần kiên quyết công khai cơ sở sản xuất kinh doanh xếp loại C và sản phẩm phát hiện vi phạm. Cần thiết có thể rút giấy phép kinh doanh và công khai thông tin. Nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm 2014, các đơn vị của ngành nông nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trung ương và địa phương tập trung triệt phá hàng lậu, hàng kém chất lượng, đặc biệt là thuốc BVTV giả đang trôi nổi trên thị trường.
Hiện nay, Bộ NN&PTNT đang xây dựng các mô hình thí điểm triển khai hiệu quả đề án "Quản lý sử dụng thuốc BVTV tại các vùng sản xuất rau phục vụ nhu cầu của các thành phố lớn", đề án "Tổ chức dịch vụ BVTV" và đề án "Bảo đảm an toàn thực phẩm trong vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm giai đoạn 2014-2020". Đây sẽ là cơ sở để cho các địa phương thực hiện, tuyên truyền cho người dân biết nhằm hạn chế vi phạm. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.