Theo dõi Báo Hànộimới trên

Buông lỏng quản lý an toàn thực phẩm

Linh Nguyên| 22/11/2010 07:43

(HNM) - Những chiếc xe máy chở lợn đã được giết mổ hằng ngày ra vào chợ không che chắn, để mặc bụi bặm, ruồi nhặng bâu kín... và lực lượng quản lý chợ cũng như thú y viên cơ sở dường như "ngủ quên", khiến cho thị trường thịt lợn trở lên hỗn độn, tiềm ẩn nguy cơ gây dịch bệnh. Đó là cảnh tượng xảy ra tại chợ đầu mối gia súc trên địa bàn huyện Hoài Đức.

"Ảnh" xấu ở chợ Sấu

Hơn 1h sáng, trong vai người đi mua thịt, chúng tôi có mặt tại chợ Sấu - một trong những chợ đầu mối về gia súc của thành phố Hà Nội, nằm trên địa bàn xã Dương Liễu (Hoài Đức). Không khí rất nhộn nhịp kẻ bán, người mua khá tấp nập cho thấy ở đây dường như không có sự giới hạn về mặt thời gian. Chưa kịp định hình, chúng tôi đã bị giật mình bởi những lời chào mời mua hàng của các chủ hộ kinh doanh chuyên bán thịt lợn sống trong chợ. Chị Oanh là chủ hộ kinh doanh đã hơn chục năm nay bộc bạch: Chợ này chuyên bán buôn, bán lẻ thịt lợn sau khi giết mổ; giá bán lẻ thịt nạc thăn từ 57-62 ngàn đồng/kg, thịt mông từ 53-56 nghìn đồng/kg…; còn giá bán buôn thấp hơn một vài giá, nếu mua cả con lợn mổ rồi, không có thủ loại 60-70 kg/con giá khoảng 48 ngàn đồng/kg, đặc biệt ở đây, giá cả luôn có sự biến động theo từng ngày. Sau khi biết khách tìm đầu mối nhập hàng cho một số tiểu thương ở khu vực chợ nội thành, chị Oanh đon đả: "Chẳng giấu gì em, thời gian gần đây mặc dù hàng khan hiếm, giá cả thường xuyên biến động, nhưng nhà chị có nguồn hàng ổn định, nếu lấy số lượng lớn sẽ có hợp đồng hẳn hoi". Trước vẻ ái ngại của khách về chuyện dấu kiểm dịch thú y, chị Oanh "động viên": "Không phải lo, em cần giấy tờ gì chị cũng lo được hết. Thịt của chị là yên tâm, bảo đảm sạch 100%" (?!).

Tại khu vực chợ Sấu có khoảng 70 bàn bày bán thịt lợn mổ sẵn các loại, nhiều hộ kinh doanh còn để cả thịt thương phẩm xuống đất, chỉ cách nền chợ luôn ẩm ướt đúng tấm gỗ hoặc mảnh nilon. Ngay bên cạnh, những dòng nước đen kịt đọng thành từng vũng nhỏ không lối thoát, khiến môi trường nơi đây bị ô nhiễm nghiêm trọng, ruồi nhặng bâu đầy. Không những thế, do không có nước sạch để tẩy, rửa bàn sau mỗi lần bán hàng, các hộ kinh doanh đã dùng dao cạo lớp bẩn, sau đó lau chùi qua loa, rồi lại băm chặt thịt lợn bán cho khách, không bảo đảm vệ sinh thực phẩm.

Buông lỏng quản lý

Mặc dù Ban quản lý chợ Sấu nằm ngay đầu cổng ra vào khu bày bán thịt lợn sống, luôn có hai cán bộ túc trực trong giờ cao điểm (chợ bắt đầu từ 0h30' đến khoảng 5-6h sáng), nhưng các xe chở thịt lợn ra vào đều không được kiểm soát. Sau vài câu chào hỏi xã giao, chúng tôi bắt đầu câu chuyện bằng cách đặt vấn đề tìm đầu mối nhập hàng làm ăn lâu dài với cán bộ của Ban quản lý chợ, đồng thời nhờ vả "bảo lãnh" tìm nguồn giúp. Chỉ đợi có vậy, một cán bộ tên Hồng cho biết: "Ở đâu không dám, chứ ở khu vực chợ Sấu chú yên tâm, cứ ngồi uống nước đợi tôi ra chỗ đứa cháu trong họ hàng hỏi giúp. Chưa đầy 5 phút sau, vị cán bộ tên Hồng quay lại thông báo đứa cháu đang bận bán hàng, nên không thể vào làm việc trực tiếp, trước khi đến các anh cứ điện thoại trao đổi giá cả, số lượng trước". Vị cán bộ này còn nhấn mạnh: Mới vào nghề cần phải biết phân biệt bằng cảm quan đâu là lợn ốm, lợn bị dịch. Đại loại lợn bị dịch sẽ có mùi hôi, lợn bị ốm có mùi tanh… Tuy nhiên để kiểm tra chất lượng thật ra sao chỉ có làm xét nghiệm mới biết chính xác, còn lợn đã qua giết mổ người tiêu dùng thông thường rất khó phân biệt giữa lợn thường với lợn bị bệnh được. Đề cập tới vấn đề kiểm soát thú y, cán bộ Ban quản lý chợ khẳng định: Mọi giấy tờ liên quan đến thú y thì khỏi lo, vừa nói vị này vừa lôi trong ví ra một tập giấy chứng nhận kiểm dịch thú y có đóng dấu đỏ của Trạm thú y Hoài Đức, trong đó có ghi rõ tháng và bỏ trống ngày để khi cần người kinh doanh có thể điền vào để đối phó với lực lượng chức năng khi bị kiểm tra đột xuất. Để chứng minh cho lời nói, vị cán bộ thú y cúi xuống gầm tủ lôi hộp dấu kiểm dịch thú y (loại dấu đóng trực tiếp trên mỗi con lợn khi kiểm tra, chứng nhận về lợn không bị bệnh, bảo đảm an toàn) đưa lên trước mặt và nhấn mạnh: Cứ yên tâm nhập hàng, còn mọi thứ liên quan sẽ được bên bán lo đầy đủ thủ tục.

Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Kim Anh, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Hoài Đức lý giải: Đến thời điểm hiện tại trên địa bàn huyện không có dịch lợn tai xanh. Đối với một số bệnh thông thường, dễ gặp ở đàn lợn như: tụ huyết trùng, phó thương hàn, tiêu chảy, ho thở, tiêu chảy vẫn hay xảy ra, nếu người chăn nuôi không tiêm vắcxin theo quy định. Qua kiểm tra tại một số địa bàn có hiện tượng lợn bị sốt đỏ, với triệu chứng: sốt, bỏ ăn, đờ đẫn… nằm rải rác ở một số xã Cát Quế, Dương Liễu, Đức Giang. Những triệu chứng như vậy, gần giống với biểu hiện của dịch lợn tai xanh, khiến cho người dân hoang mang, chứ thực ra đây là những bệnh thường gặp khi thay đổi thời tiết, môi trường bị ô nhiễm.

Bà Nguyễn Thị Kim Anh cũng lý giải thêm: Tại khu vực chợ Sấu có một cán bộ thú y thường trực từ 3h đến 5h sáng để tiến hành kiểm tra sơ bộ về lâm sàng. Tuy nhiên do các hộ kinh doanh đông, thời kỳ cao điểm lên tới gần 120 hộ, với khối lượng thịt lên tới hàng chục tấn mỗi ngày, trong khi đó lực lượng thú y phối hợp với Ban quản lý chợ chỉ thu vệ sinh thú y được có 27 hộ, số còn lại đòi hỏi sự tự giác và sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền địa phương mới có thể giám sát, ngăn ngừa các sản phẩm không an toàn được bày bán, tuồn ra thị trường.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Buông lỏng quản lý an toàn thực phẩm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.