Theo dõi Báo Hànộimới trên

Buồn vui ''mùa ảnh''

Lê Huyền| 15/12/2020 11:34

(HNNN) - Khoảng từ tháng 9 - 12 hằng năm, khi những vườn hoa vào độ rực rỡ sắc màu, cũng là lúc những người thợ ảnh bận rộn vào “vụ mới”. Khoảng thời gian này được gọi là “vụ mùa” bởi đó là lúc “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, nhưng để có “thu hoạch”, ai cũng phải trải qua không ít nhọc nhằn.

Mùa “hốt bạc” của thợ ảnh

“Vụ mùa” khởi động vào tháng 9, khi các cặp đôi vào mùa cưới. Bắt đầu từ tháng 10, hoạt động chụp ảnh rộn ràng hơn. Hoa lá khoe sắc. Thiếu nữ xúng xính váy áo đến các vườn hoa để ghi lại khoảnh khắc đẹp nhất của những tháng cuối năm. Đây cũng là thời gian sinh viên năm cuối rục rịch chuẩn bị chụp kỷ yếu. Chính vì thế, khách hàng của thợ ảnh vào khoảng thời gian này đa dạng hơn ngày thường. Từ người lớn đến trẻ nhỏ, từ sinh viên đến những cựu sinh viên đã ra trường hàng chục năm, ai ai cũng háo hức với việc chụp ảnh.

Những địa điểm chụp ảnh được nhiều người ghé thăm là Thảo nguyên hoa Long Biên, Thung lũng hoa Hồ Tây, Vườn thực vật Học viện Nông nghiệp Việt Nam... ở đó có muôn vàn sắc hoa và góc máy đẹp cho khách hàng và các thợ ảnh thỏa sức sáng tạo. Ngoài ra, cũng không thể thiếu những địa điểm chụp ảnh kỷ yếu quen thuộc như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, hồ Hoàn Kiếm, Công viên Yên Sở...

Do lượng khách nhiều và đa dạng nên sổ ghi chép công việc của thợ ảnh thời điểm này thường dày đặc. Chia sẻ về lịch trình chụp ảnh sắp tới của mình, Lê Anh, một thợ ảnh thế hệ 10x cho biết: “Đã vào mùa cưới, mùa hoa và mùa kỷ yếu nên khách đặt lịch dày lắm. Có những ngày mình phải chạy tới 4 địa điểm. Sáng nay mình chụp ảnh kỷ yếu cho khách ở Đại học Sư phạm Hà Nội, chiều có hẹn với khách ở Thảo nguyên hoa Long Biên, ngày mai có lịch chụp Giáng sinh ở phố Hàng Mã. Thông thường, khách tập trung chủ yếu vào hai ngày cuối tuần, những ngày trong tuần thì thưa hơn. Nhiều lúc mệt lắm nhưng cũng phải tranh thủ vì đây là thời điểm tốt nhất trong năm để có thêm thu nhập”.

Nhiều thợ chụp ảnh cho biết, khoảng thời gian này chính là mùa hốt bạc của họ cùng những dịch vụ ăn theo như cho thuê trang phục và make up. Một gói chụp ảnh kỷ yếu dành cho một lớp sinh viên ở Hà Nội với việc di chuyển qua 2 - 3 điểm trong nội thành có giá từ 3 - 5 triệu đồng. Nếu sinh viên muốn chụp thêm tại các địa điểm ở ngoại thành cùng ê kíp chuyên nghiệp thì giá có thể lên tới vài chục triệu đồng. Đối với những thợ ảnh tự do thì thu nhập trong khoảng thời gian này cũng không hề nhỏ.

Binh Lam, một người yêu thích việc chụp ảnh chia sẻ: “Mình chỉ nhận chụp vào lúc rảnh rỗi hoặc ngày cuối tuần khi có người quen nhờ thôi, ngày thường mình đi làm ở công ty. Trung bình mỗi tháng cũng kiếm thêm dăm ba triệu đồng nhờ việc chụp ảnh. Mình chỉ là một người yêu thích chụp ảnh, chưa có nhiều kinh nghiệm cũng không phải thợ ảnh chuyên nghiệp nên chuyện giá cả đối với mình không mấy quan trọng, vì hầu hết là chụp cho người quen nên mình lấy giá phải chăng thôi. Những thợ ảnh chuyên nghiệp, dành toàn thời gian đi chụp và có kinh nghiệm lâu năm thì đắt show hơn và thu nhập cũng cao hơn nhiều, có khi lên đến hàng chục triệu đồng mỗi tháng”.

Tâm sự nghề “phó nháy”

Vào “mùa ảnh”, nhiều thợ ảnh “đắt sô” có nhiều khách hàng đủ mọi lứa tuổi và có nhu cầu chụp phong phú. Ảnh: Viết Mạnh

Là nghề có thu nhập khá cao, được rất nhiều bạn trẻ yêu thích nhưng để trở thành một thợ ảnh thì không dễ dàng. Ngoài việc đầu tư một chiếc máy ảnh đủ tốt, bạn cần có tư duy nhạy bén về hình ảnh, màu sắc, bố cục. Thợ ảnh cũng là một công việc nặng nhọc, để có được bức ảnh đẹp thì không quản nắng mưa. Nguyễn Huy Dương, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ: “Mỗi lần chụp ngoại cảnh cho khách, mình chỉ mong trời nắng thôi. Trời nắng thì có thể đội mũ, mặc áo chống nắng chứ trời mưa thì chẳng thể vừa che ô vừa chụp hình được. Chụp dưới mưa nhiều, máy ngấm nước, xót lắm”.

Ngoài thời tiết thì máy móc cũng là một nỗi ám ảnh đối với bất cứ thợ ảnh nào. Anh Nguyễn Minh Đức, một thợ chụp ảnh chuyên nghiệp chia sẻ: “Không có gì khổ hơn khi đang chụp ảnh mà máy móc gặp sự cố như ống kính bị bụi, thẻ bị lỗi... Kinh khủng nhất là chụp xong xuôi thì mất toàn bộ dữ liệu, muối mặt với khách, không biết làm gì hơn ngoài việc xin lỗi”. Việc chuẩn bị cho một buổi chụp cũng không đơn giản. Tất cả mọi thứ, từ máy ảnh, dụng cụ hắt sáng, đánh đèn... đều phải được kiểm tra kỹ lưỡng trước khi bước vào buổi chụp.

Ngoài những khó khăn chung của nghề “phó nháy” thì với mỗi đối tượng khách hàng, thợ ảnh lại phải đối mặt với những vấn đề riêng. Đỗ Đình Đạt, phụ trách một team chuyên chụp ảnh kỷ yếu cho biết: “Cận kề ngày chụp, mình và các bạn trong team phải chuẩn bị đồ dùng cần thiết cho đúng với số lượng thành viên mà các lớp đăng ký, phân công người chụp và tìm góc chụp độc đáo để mỗi bộ kỷ yếu đều để lại ấn tượng riêng”. Theo quan điểm của Đạt, việc chụp ảnh kỷ yếu khó hơn chụp đơn, chụp nhóm rất nhiều vì phải làm việc với nhiều người. Ngoài việc chuẩn bị đồ, chỉnh dáng cho các bạn học sinh, sinh viên thì thợ ảnh còn phải biết cách thuyết phục khách hàng nghe theo sự chỉ dẫn của mình.

Công việc khó khăn này những tưởng chỉ dành cho đấng mày râu, nhưng đâu đó vẫn có sự xuất hiện của những bóng hồng. Tâm sự về nghề này, bạn Nguyễn Hồng Nhung, một “phó nháy” nữ cho biết: “Thực chất công việc chụp ảnh đối với phụ nữ không khó khăn như mọi người vẫn tưởng. Có thể mình bị hạn chế về chiều cao hay tốc độ di chuyển nhưng bù lại, mình có lợi thế về việc tạo dáng cho khách hàng nữ. Cùng là con gái nên mình có thể hướng dẫn các bạn tạo dáng linh hoạt hơn, nữ tính hơn, việc giao tiếp với các bạn ấy cũng dễ dàng hơn, nhờ vậy mà mình có thể hiểu và chiều lòng khách”.

Nghề nào cũng có chuyện buồn, chuyện vui, thợ ảnh cũng vậy. Hồng Nhung chia sẻ thêm: “Làm nghề chụp ảnh đôi khi mình cũng gặp tình huống không vui. Ngoài chụp ảnh thì mình còn nhận thêm combo make up và trang phục. Nhiều khi khách thay trang phục không cẩn thận làm lem son ra váy của mình, vậy mà không có lấy một lời xin lỗi. Hay có những ngày nhiều khách đặt trùng lịch, mình chỉ có thể ưu tiên một bạn thôi. Vậy mà cận kề giờ chụp bạn ấy lại đột nhiên hủy lịch, thế là hôm ấy mình từ kín lịch, không biết chọn khách nào thành ế khách luôn”.

Dẫu đôi khi gặp phải tình huống không biết nên khóc hay nên cười nhưng đối với nhiều thợ ảnh, chỉ cần được làm công việc mà mình yêu thích đã là một hạnh phúc. Trịnh Thông, một người chụp ảnh giàu kinh nghiệm tâm sự: “Với mình, mỗi ngày còn được cầm máy là đã hạnh phúc rồi, vất vả một chút cũng không sao. Nhiều khi mình gặp được khách hàng đáng yêu lắm, các bạn rất lễ phép và chịu nghe hướng dẫn. Mỗi ngày về nhà, mở máy lên thấy những tấm hình đẹp, mình thấy vui và có một chút tự hào về bản thân, đặc biệt là khi được khách khen thì còn hạnh phúc hơn nữa. Nghề nào cũng vất vả, nhưng mình đã chọn rồi thì phải biết tìm niềm vui trong đó”.

Cùng chung suy nghĩ với Trịnh Thông, Việt Anh - một “phó nháy” với vẻ ngoài phong trần, tâm hồn nghệ sĩ, chia sẻ: “Có lẽ điều khiến mình vui nhất khi cầm máy đó là vào một khoảnh khắc nào đó được gặp một vị khách như thể nàng thơ của đời mình, một ánh mắt xuất thần, một cách tạo dáng mềm mại, vừa tự nhiên vừa như được sắp đặt trước. Mỗi lần gặp được vị khách như thế, tâm trạng mình vui cả ngày, thậm chí mình có thể chỉnh ảnh thâu đêm mà không biết mệt. Nhưng hiếm khi gặp được người như thế, nên có duyên gặp thì mình cũng muốn khai thác, lắng nghe câu chuyện của họ để nếu có thể thì sẽ trở thành bạn, xa hơn nữa thì là tri kỷ của nhau”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Buồn vui ''mùa ảnh''

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.