Theo dõi Báo Hànộimới trên

Buồn vui điện nông thôn

Thanh Mai| 13/03/2015 10:09

Chưa thấy ở đâu ghi rõ Châu Đốc có từ tháng, năm nào, nhưng nhiều quyển sách nói về người Việt đi khẩn hoang đất phương Nam đều chứng minh Châu Đốc có hơn hai thế kỷ. Ngay khi có vùng đất Nam bộ xưa chỉ mới là một đơn vị hành chính rộng lớn gọi là trấn Vĩnh Thanh thì mọi hoạt động thực sự tập trung ở Châu Đốc.


Chẳng biết “Châu Đốc tân cương” ngày xưa gồm những đâu? Còn bây giờ, Châu Đốc là một thành phố biên giới Tây Nam thuộc tỉnh An Giang. Điều không giống với bất cứ thành phố nào ở vùng ĐBSCL là Châu Đốc có “tiền tam giang, hậu thất lĩnh”- tựa vào núi để nhìn ngã ba sông.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)


Tôi trở lại Châu Đốc lần này đang mùa vía bà Chúa xứ ở núi Sam. Người dân tứ phương đổ về Châu Đốc. Nghe nói, năm nào cũng vậy, cứ sau Tết Nguyên đán, người đổ về Châu Đốc cứ đông dần, đông dần cho đến tận cuối tháng 3 âm lịch. Dường như chuyện đi vía bà của khách thập phương bây giờ không chỉ đơn thuần là vì tín ngưỡng mà còn mang ý nghĩa du lịch, tham quan.

Nghe kể lại, khoảng đầu thế kỷ 19 về trước, vùng Châu Đốc chỉ là đồng sâu 3m-4m nước vào mùa lụt và mặt đất mênh mông khô cứng vào mùa hạn. Năm 1817, theo lệnh triều đình, Nguyễn Văn Thoại (tức Thoại Ngọc Hầu) đốc suất đào kênh núi Sập thông ra cảng Rạch Giá. Sau đó hai năm, con kênh thứ hai ở phía Bắc Châu Đốc cũng được đào ròng rã trong năm năm. Tất cả hai con kênh đều dẫn nước lụt ra biển, tạo điều kiện cho dân khai khẩn hai bên bờ. Để thưởng công người đốc suất, triều đình cho lấy tên Nguyễn Văn Thoại đặt cho con kênh thứ nhất (Thoại Hà) và tên vợ ông đặt tên cho con kênh thứ hai (Vĩnh Tế) . Khi hoàn thành con kênh Vĩnh Tế, rất nhiều dân phu chết vì ăn uống thiếu thốn, ốm đau giữa đồng không mông quạnh và chết vì cá sấu ăn thịt. Triều đình ra lệnh cải tang, chôn tập trung bên sườn núi Sam, lập đàn cúng tế. Năm 1828, Thoại Ngọc Hầu tiếp tục cho đắp con đường dài 5k nối liền chợ Châu Đốc đến núi Sam. Từ đó, dân không phải chèo đò từ núi Sam ra chợ Châu Đốc. Bây giờ con đường núi Sam-Châu Đốc đã được mở hai chiều rộng rãi.

Trong nhiều năm sau giải phóng, mặc dù là thị xã nhưng bộ mặt đô thị của Châu Đốc gần như không thay đổi. Nghe nói, hết mùa vía bà thì Châu Đốc buồn thiu. Bây giờ đã khác xa, thị xã biên giới Tây Nam đã lên thành phố. Điện, nước yên tâm hoàn toàn. Không còn tình trạng “đoạt hai cúp quốc gia là cúp điện và cúp nước” như trước đây nữa. Đường ven ô cũng đang được cải tạo mở rộng, tuy nhiên, tốc độ xây dựng ở đây rất chậm, nhất là cơ sở hạ tầng.
Khi nói về thế mạnh của An Giang, là nói về nông nghịệp với sản lượng lương thực 4 triệu tấn/năm, nằm trong số tỉnh đứng đầu cả nước, không những đóng góp rất lớn vào phát triển kinh tế của tỉnh, mà còn góp phần giữ ổn định an ninh lương thực quốc gia. Vì vậy, mà ngành điện luôn quan tâm đầu tư phát triển, đảm bảo cung cấp điện ổn định cho các trạm bơm phục vụ nông nghiệp.

Tổng Công ty Điện lực Miền Nam (EVN SPC) cho biết, mặc dù, địa phương và ngành điện đã ưu tiên rất lớn cho việc đầu tư các trạm bơm nông nghiệp, nhưng tính đến cuối năm 2007, toàn tỉnh cũng mới chỉ có 554 trạm bơm điện/công suất 52.965 kVA, phục vụ tưới hơn 45.788 ha (chiếm 20,81% diện tích SXNN toàn tỉnh) và phục vụ tiêu úng cho hơn 47.450 ha (chiếm 21,57%). Còn lại khoảng 79% diện tích vẫn đang sử dụng bơm dầu để tưới và 78% diện tích sử dụng bơm dầu để tiêu. Việc sử dụng bơm dầu làm chi phí bơm cao hơn nhiều so với bơm điện, giá nhiên liệu lại luôn biến động; qui mô trạm bơm nhỏ lẻ nên phải xây dựng nhiều hệ thống cống bọng dưới đê, ảnh hưởng đến việc gia cố, bảo vệ hệ thống đê bao kiểm soát lũ....

Năm 2008, UBND tỉnh An Giang đã phê duyệt “Đề án phát triển hệ thống trạm bơm điện vùng đồng bằng tỉnh An Giang giai đoạn 2008 – 2012”. Một trong các nội dung quan trọng nhất của đề án là đầu tư hệ thống đường dây trung thế và trạm biến áp cấp điện cho các trạm bơm với khối lượng gồm xây dựng 236,53km đường dây 22kV, 693 trạm biến áp phân phối/ 62.413kVA, có tổng mức đầu tư 211,5 tỷ đồng. Trong bối cảnh địa phương đang rất cần đầu tư trạm bơm nông nghiệp, ngành điện lại gặp khó khăn về vốn đầu tư lưới điện..., lãnh đạo UBND tỉnh đã trực tiếp gặp gỡ, làm việc, trao đổi thống nhất với Công ty Điện lực 2 (nay là EVN SPC) về chủ trương đầu tư lưới điện theo Đề án phát triển trạm bơm điện nói trên, trên tinh thần cùng nhau chia sẻ khó khăn, trách nhiệm;

Chủ trương này được cụ thể bằng Hợp đồng trách nhiệm đầu tư xây dựng lưới điện cấp điện cho các trạm bơm phục vụ sản xuất nông nghiệp tỉnh An Giang giai đoạn 2008-2012, theo phương thức “EVN SPC vay vốn Ngân hàng để đầu tư dự án và UBND tỉnh chịu trách nhiệm hoàn trả vốn và lãi theo tiến độ của hợp đồng vay vốn”. Căn cứ Hợp đồng, Công ty Điện lực An Giang (PCAG) đã thực hiện trong 5 năm (từ 2008-2012), hoàn thành khối lượng đầu tư gồm: Xây dựng /cải tạo 371km đường dây 22kV, lắp mới 936 trạm biến áp phân phối với dung lượng 90.493KVA phục vụ cho 164.598 ha với tổng vốn đầu tư 171,7 tỷ đồng. Năm 2013, sau khi rà soát lại nhu cầu, tỉnh đã quyết định giao cho PCAG tiếp tục thực hiện dự án cấp điện cho trạm bơm nông nghiệp với khối lượng 30,5km đường dây 22kV, 45 trạm/5497,5kVA, vốn đầu tư 11,54 tỷ đồng, phục vụ cho 7600ha.

Như vậy hiện nay, tỉnh An Giang có 1.535 trạm bơm điện phục vụ tưới tiêu cho khoảng 218.000ha/255.000ha đất sản xuất nông nghiệp. Theo số liệu tính toán từ “Đề án phát triển hệ thống trạm bơm điện vùng đồng bằng tỉnh An Giang giai đoạn 2008 – 2012” thì chỉ riêng các trạm bơm điện thực hiện theo Đề án 2208-2012 đã mang lại hiệu quả kinh tế cho địa phương là 209,32 tỷ đồng/năm. Theo đánh giá của địa phương thì hiệu quả còn lớn hơn rất nhiều. Chỉ với 936 trạm bơm đầu tư giai đoạn 2008-2012 đã làm cho diện tích vụ Thu Đông tăng thêm 92.600 ha, sản lượng lương thực từ 3,14 triệu tấn năm 2007 tăng lên 3,8 triệu tấn năm 2011 và lên 3,92 triệu tấn năm 2012... Kết quả này đã góp phần xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập cho nông dân, đảm bảo an ninh lương thực cho quốc gia.

Xuất phát từ thực tế mô hình quản lý và kinh doanh điện nông thôn của những tổ chức ngoài hệ thống ngành điện có nhiều bất cập, đặc biệt là giá bán điện không thống nhất, tình trạng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và chất lượng điện năng yếu kém ở khu vực họ quản lý. Nhiều năm trước đây có một thực trạng bất hợp lý về giá điện sinh hoạt giữa các hộ dùng điện ở nông thôn. Những hộ mua điện trực tiếp từ ngành điện chỉ trả giá điện sinh hoạt theo biểu giá quy định của Chính phủ. Trong khi đó tại các nơi ngành điện không quản lý, người dân nông thôn phải trả giá cao, cá biệt có nơi giá điện cao hơn giá quy định 5 đến 6 lần.

Nhận thức được các lợi ích và hiệu quả to lớn mang lại từ việc tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn để bán điện trực tiếp tận hộ sử dụng điện, người dân ở khu vực nông thôn không chỉ được hưởng sự công bằng với người dân thành thị về giá bán điện, mà còn được được đảm bảo về mặt an toàn điện, chất lượng điện áp, chất lượng phục vụ được nâng cao và không phải đóng tiền để duy tu bảo dưỡng lưới điện…

Nhà ông Nguyễn Văn Bền ở ấp Mỹ An, huyện Vĩnh Châu, TP Châu Đốc, tỉnh An Giang có điện được hai cái Tết. Trước đây khu vực gia đình ông ở rất thưa dân cư. Chỉ những gia đình nào khó khăn mới ra cánh đồng xén một góc nhỏ đất sản xuất làm nhà ở. Không phải là đất định cư nên việc cấp điện cấp nước rất khó khăn do suất đầu tư cao. Đã nhiều lần ông Bền làm đơn xin gửi Công ty điện nước Châu Đốc (thuộc Công ty điện nước An Giang do Tỉnh An Giang quản lý) để xin cấp điện nhưng chưa được đáp ứng. Theo như ông Bền nói, thì trước Tết Nguyên đán năm kia (năm 2013), người của Điện lực Châu Đốc đã đến gia đình ông đề nghị kê khai một số thông tin và chỉ trong thời gian rất ngắn, gia đình ông được cấp điện tới tận nhà mà chỉ phải trả chi phí vài mét dây điện lắp đặt sau công tơ điện.

EVN SPC cho biết, từ 2000 - 2013, Tổng Công ty cùng các Công ty Điện lực đã phối hợp tốt với chính quyền địa phương các cấp và các chủ sở hữu các công trình điện để tổ chức tiếp nhận hoàn tất các công trình điện hạ áp trên địa bàn 876 xã, tiếp nhận 17.261 km lưới điện hạ áp, xóa được 19.499 công tơ tổng/cụm để bán điện trực tiếp cho 1.234.542 hộ dân (chưa tính các hộ sử dụng điện được phát triển thêm sau tiếp nhận), với tổng chi phí thực hiện là 857 tỷ đồng.

Hiện nay, Tổng Công ty Miền Nam đang bán điện trực tiếp đến 4,345 triệu hộ dân nông thôn - chiếm tỉ lệ 87,88% tổng số hộ nông thôn, 12,12% số hộ dân nông thôn còn lại (559.350 hộ) do các tổ chức điện nông thôn mua buôn điện của ngành điện và bán lẻ đến các hộ dân phía sau công tơ bán buôn của ngành điện, trong đó tập trung phần lớn tại 03 tỉnh An Giang, Bình Thuận, Trà Vinh.

Tuy nhiên, giá bán buôn điện tại khu vực nông thôn còn nhiều bất cập do chênh lệch giá mua buôn – bán lẻ. Trước nay, cơ cấu giá mua và bán điện của các tổ chức điện nông thôn theo các Thông tư về giá bán điện của Chính phủ trước nay vẫn tăng ổn định khoảng 05%, nhưng xét về giá trị tuyệt đối thì mức chênh lệch này ngày càng lớn, điều này dẫn đến lợi nhuận của các tổ chức điện nông thôn ngày càng tăng cao. Cụ thể, mức chênh lệch tăng giữa giá mua buôn và bán lẻ qua các lần đổi giá điện trước đây, như sau: Thông tư 42 (năm 2011) là 355,43đ/kWh; Thông tư 17 (2012) là 375,29đ/kWh; Thông tư 38 ( 2012) là 394,28đ/kWh và Thông tư 19 (2013) là 412,43đ/kWh.

Trong khi đó, EVN SPC phải đầu tư vốn rất lớn để xây dựng lưới điện cao áp từ 220kV/110kV xuống đến hạ áp 0,4kV, đồng thời chịu phần tổn hao điện năng trên lưới điện (khoảng 05%) để bán điện cho các tổ chức điện nông thôn với giá bán bình quân thấp hơn giá mua điện của EVN (chưa tính chi phí quản lý và truyền tải điện...). Các chi phí này sẽ ích lợi hơn cho nhà nước và cho xã hội nếu ngành điện bán điện trực tiếp và sử dụng khoản chênh lệch (giữa bán buôn và bán trực tiếp) này để đầu tư phát triển hệ thống điện trên địa bàn nông thôn.

Các tổ chức điện nông thôn có lợi nhuận cao từ chênh lệch giá điện giữa mua buôn và bán lẻ; lợi nhuận họ hưởng lại chính là phần bù lỗ tại khu vực nông thôn mà ngành điện phải gánh chịu; trong khi đó người dân nông thôn không được hưởng lợi gì từ cơ chế giá bán buôn điện nông thôn của Chính phủ.

Đa phần các tổ chức điện nông thôn không đầu tư xây dựng mới lưới điện hoặc cải tạo lưới điện nông thôn để đáp ứng cho những dự án cung cấp điện phục vụ nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp ở khu vực có mật độ dân cư thấp, khu vực người dân nông thôn còn nhiều khó khăn và sử dụng điện với mức độ thấp, do ngại vốn đầu tư lớn và không có khả năng sinh lời: cụ thể như những họat động đầu tư trạm bơm nước tưới tiêu phục vụ nông nghiệp hoặc điện khí hóa khu vực ánh sáng sinh họat mật độ dân cư thấp, cấp điện cho vùng sâu vùng xa...

Hiện nay, hầu hết các khu vực nông thôn chưa có điện trên địa bàn EVN SPC quản lý đều ở những khu vực vùng sâu vùng xa, có mật độ dân cư thưa thớt, sống không tập trung theo quy hoạch và chưa có đường giao thông chính, nên việc đầu tư xây dựng lưới điện gặp rất nhiều trở ngại, cụ thể: Công tác đầu tư cấp điện gặp rất nhiều khó khăn do phải kéo đường dây dài, trạm phân phối non tải nên suất đầu tư cấp điện cho các hộ dân này quá lớn (ước khoảng từ 20 - 50 triệu đồng/hộ); người dân sinh sống không theo quy hoạch, nên việc xây cất nhà ở khá phức tạp làm ảnh hưởng đến việc xây dựng lưới điện, hướng tuyến đường dây cong, quẹo do phải tránh nhà làm phát sinh thêm chiều dài và tăng giá thành đầu tư; công tác quản lý sửa chữa lưới điện rất khó khăn do không có đường giao thông, lưới điện vận hành thường ở chế độ non tải gây tổn thất điện năng lớn, công tác thu tiền điện gặp nhiều khó hăn, có nơi chi phí cho việc thu tiền điện nhiều hơn doanh thu bán điện…

Do nguồn vốn ngân sách của đa số các địa phương đều có hạn, nên hầu hết các địa phương đều từ chối bố trí, cân đối ngân sách địa phương để thực hiện một phần tiêu chí điện nông thôn. Địa phương chỉ hứa hỗ trợ kịp thời và hiệu quả của các cấp chính quyền trong công tác quy hoạch sử dụng quỹ đất cho xây dựng lưới điện, giải quyết nhanh chóng các thủ tục về cấp đất, đền bù, giải phóng mặt bằng…

Khối lượng đầu tư lưới điện cho khu vực nông thôn là rất lớn và không hiệu quả, trong khi nguồn vốn đầu tư xây dựng của ngành điện nói chung và của EVN SPC là rất hạn hẹp, do đó việc sắp xếp bố trí vốn cho khu vực nông thôn gặp rất nhiều khó khăn.

Tôi về An Giang để tìm câu trả lời cho câu hỏi về điện nông thôn với những thông tin khách hàng sử dụng điện của Công ty Điện nước An Giang không được hưởng những dịch vụ như khách hàng của Công ty Điện lực An Giang, như việc thay công tơ định kỳ, chi phí lắp đặt công tơ…thì lại gặp những khách hàng gần như bằng lòng với hiện tại, họ không đòi hỏi nhiều về công tác dịch vụ, như ông Nguyễn Văn Thạch ở Vĩnh Châu- Châu Đốc- khách hàng của Công ty Điện nước An Giang nói: Tính từ thời gian nộp đơn cho đến khi được lắp đặt cũng nhanh thôi mà, chỉ khoảng 1 tháng cho công tơ cấp điện sinh hoạt (Quy trình của ngành điện chỉ từ 3 đến 7 ngày).

Không hiểu sao, dư âm câu nói của ông Thạch cứ vương vấn trong tôi. Nhưng ngẫm nghĩ rồi tôi cũng hiểu ra. Bao nhiêu năm nay, những khách hàng của Công ty Điện nước An Giang như ông Thạch chỉ biết có điện dùng là tốt rồi, họ đâu biết đến các chỉ số độ tin cậy cấp điện ”SAIDI, SAIFI, MAIFI ” …Có thể tôi nói lan man theo suy nghĩ của mình, nhưng dẫu sao cũng là những điều tôi nhận thấy bây giờ ở An Giang./

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Buồn vui điện nông thôn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.