(HNM) - Từ làng lên phố, xã lên phường không chỉ là việc ban hành một quyết định, thay một con dấu là xong.
Cũng như nhiều nơi khác, xã Trung Sơn Trầm (thị xã Sơn Tây) được "đôn" thành phường cách đây 5 năm nhưng dấu ấn làng quê vẫn in đậm trong từng ngôi nhà, con ngõ nơi đây. Và câu chuyện từ xã lên phường của Trung Sơn Trầm để lại nhiều suy ngẫm...
Dạo một vòng quanh các thôn Đồi Tường, Đồi Dền, Đồi Chè, Trung Hậu 1, Trung Hậu 2… nay đã được đổi tên thành tổ dân phố từ 1 đến 8 vẫn thấy thấp thoáng của những ngôi nhà ngói 3 gian, có cây mít với đụn rơm vàng óng. Xen lẫn vào đó, một số khu du lịch nghỉ dưỡng đã và đang được hình thành, với đường sá, chợ búa, những con phố tấp nập người qua lại, tạo ra diện mạo mới của Trung Sơn Trầm hôm nay.
Người dân phường Trung Sơn Trầm vẫn sống dựa vào sản xuất nông nghiệp là chính. |
Đem câu chuyện từ làng lên phố trao đổi với Phó Chủ tịch UBND phường Trung Sơn Trầm Phùng Văn Phúc, ông chia sẻ: Là một trong 3 phường mới của thị xã Sơn Tây nên đời sống nhân dân cũng như hạ tầng cơ sở còn nhiều khó khăn. Song ở Trung Sơn Trầm, khi làng thành tổ dân phố, xã lên phường không có chuyện người dân thi nhau bán đất, san lấp đất thổ canh để bán, kiện tụng, tranh giành đất, đua nhau xây nhà, làm nhà trái phép... Những ngày mới lên phường, đời sống bà con vẫn là sản xuất nông nghiệp, dịch vụ, chợ búa nhỏ lẻ với mớ rau, con cá. Cuộc sống của người dân, cơ sở hạ tầng hay nếp suy nghĩ cũng đã chuyển biến dần, không phải cứ lên phường thì đổi thay ngay lập tức. Từ xã lên phường, bà con cũng có nhiều cái được hưởng, lớn nhất là các công trình chiếu sáng công cộng được đầu tư, công tác thu gom xử lý rác thải cũng được quan tâm hơn. Cả 8 tổ dân phố được đầu tư nhà văn hóa với 150 chỗ, đầy đủ trang thiết bị sinh hoạt; trường mầm non cũng được đầu tư đạt chuẩn quốc gia... Nếu như trước khi lên phường, các hộ xây dựng nhà cửa đều tự ý làm nhà, xin cấp phép xây dựng là việc hết sức mơ hồ thì nay đã vào nền nếp; lực lượng bảo vệ tổ dân phố hoạt động cũng quy củ hơn xưa. Điều quan trọng là đời sống của bà con vẫn phụ thuộc chính vào sản xuất nông nghiệp, buôn bán nhỏ, làm thợ xây... Phường có hơn 7.000 dân, 1.857 hộ và số hộ sống dựa vào nông nghiệp vẫn chiếm hơn 70% nhưng việc đầu tư chiều sâu cho phát triển sản xuất nông nghiệp luôn là bài toán nan giải với chính quyền và nhân dân nơi đây. Phường hiện còn 200ha đất nông nghiệp, cơ bản được bà con trồng 2 vụ lúa. Những khu vực ven đồi nếu điều kiện tưới tiêu thuận lợi bà con trồng mía, ngô, còn không thì trồng sắn. Trước đây, xã đã đầu tư cứng hóa được 7km kênh mương, giao thông nội đồng; nhưng đến nay phường vẫn còn 4km ở các xứ đồng xa chưa được cứng hóa, khiến việc tưới tiêu gặp nhiều khó khăn; nhiều thửa ruộng cách xa đường 200-300m, để vận chuyển vật tư nông nghiệp cũng như việc thu hoạch đều phải gánh. Chi phí sản xuất cao cộng với việc tưới tiêu không thuận lợi, năng suất chỉ đạt khoảng 1,8 tạ/sào, nên không ít gia đình bỏ ruộng.
Do đời sống của người dân chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp, việc huy động đóng góp kiến thiết đường làng, ngõ xóm cũng hết sức vất vả. Cả phường còn 4,5km đường giao thông nông thôn là đường đất nhưng vì là khu vực đô thị nên không được hưởng các ưu đãi từ Quyết định 16 của thành phố Hà Nội về hỗ trợ vật tư cho việc cứng hóa đường làng, ngõ xóm. "Nếu được hỗ trợ vật tư, bà con bỏ ngày công đóng góp thì nhân dân ở các tổ dân phố thuần nông phấn khởi bắt tay vào cuộc ngay" - Tổ trưởng tổ dân phố 1 Khuất Văn Sơn khẳng định.
Dẫu biết rằng, dấu ấn của làng ngày xưa không dễ gì phôi pha trong phường mới, song để phát triển theo hướng văn minh, tiến bộ người dân Trung Sơn Trầm vẫn rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của thành phố, nhằm giảm bớt đi việc phải một nắng hai sương trên đồng ruộng, sớm hôm vất vả mưu sinh với mớ rau, con cá ở chợ làng...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.