(HNM) - Trong kháng chiến chống Pháp, bà con Buôn Ma Thuột luôn một lòng giúp đỡ cách mạng, trong chiến tranh chống Mỹ lại giúp bộ đội giải phóng…
Ông Y Sứ Knu, Buôn trưởng buôn Kao đang xây chòi canh cá và canh lúa. |
Thú thật tôi không tin người đang nói chuyện với mình lại là Trưởng thôn, áo sơ mi bỏ trong quần là nếp, đi giày da và cặp kính trắng đúng mốt trên khuôn mặt tự tin. Trông ông Ma Minh như một giáo sư đại học. Gia đình ông có xe hơi, hai ngôi nhà mái bằng. Ông sinh năm 1953, tại xã Ea Tam. Ma Minh học tiểu học và trung học tại thị xã Buôn Ma Thuột, năm 1971 ông xuống Sài Gòn học đại học luật, nói rành tiếng Anh và tiếng Pháp. Là dân gốc nên rành rẽ mảnh đất này trước giải phóng. Ma Minh kể trước 1975 người dân Ê Đê ở đây nghèo khổ bởi chỉ tỉa lúa, trồng ngô theo lối truyền thống lạc hậu, no đói hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên. Nhà ông thuộc hàng khá giả nhất vùng vì trước giải phóng cha ông đã trồng cà phê, năng suất tuy không cao nhưng thu nhập lại gấp nhiều lần tỉa lúa, trồng ngô. 40 năm đã qua nhưng ông vẫn còn nhớ đêm 10-3-1975 dân Ea Tam nghe tiếng súng nổ từ thị xã vọng lại, hôm sau có các anh giải phóng dẫn dân làng đến nơi an toàn. Không quân Việt Nam cộng hòa nghi ngờ Ea Tam có bộ đội giải phóng đã ném bom dữ dội. Khi bộ đội dẫn bà con trở lại buôn thì nhiều nhà vẫn còn đang cháy, mùi hạt lúa, hạt ngô cháy khét lẹt, dân làng lâm vào cảnh thiếu ăn.
Không chỉ chiến tranh, cái nghèo của Buôn Ma Thuột còn có lý do khác. Ông Trương Vĩnh Mai quê ở Phú Yên lên Buôn Ma Thuột từ năm 1988, 27 năm sống ở Tây Nguyên từng công tác tại Mặt trận tổ quốc tỉnh và hiện là Trưởng phòng Dân tộc thành phố Buôn Ma Thuột nên ông hiểu rất rõ chuyện cái đói, cái nghèo ở mảnh đất này. Bà con dân tộc nghèo do phương thức canh tác lạc hậu, ngại chuyển đổi vật nuôi sang giống mới, họ nghèo vì thật thà tốt bụng, ai mời đi nhậu rồi tỉ tê là sẵn sàng cho không cả sào đất (1 sào ở Tây Nguyên là 1.000m2). Có khi nghe nịnh nọt cũng bán cả rẫy nên thiếu đất sản xuất. Lại thêm phong tục phải đẻ nhiều con lấy người làm rẫy khiến rất nhiều hộ túng bấn. Gặp vợ chồng H'Ner Niê ở buôn Cư Mblim xã Ea Kao, tôi thấy họ già hơn rất nhiều so với tuổi ngoài 40. Lấy nhau từ năm 1990, được bố mẹ chia cho 2 sào cà phê nhưng do không có tiền mua phân bón, tưới nước đều đặn nên mỗi năm chỉ thu được khoảng 2 tạ, bán chả được bao nhiêu. Vườn cà phê cằn cỗi như vườn hoang, vợ chồng đành phá bỏ chuyển sang trồng sắn. Đất canh tác ít, lại không có việc làm ổn định vì thế ai thuê gì anh Y Luet BKrông cũng làm để mưu sinh. Anh chị có tới 9 đứa con mà đất thì không sinh thêm nên cái nghèo cứ bám lấy gia đình. Chính quyền có hỗ trợ nhưng để thoát nghèo không dễ. Ông Y Sứ Knu, Buôn trưởng buôn Kao xã Ea Kao làm tôi ngạc nhiên dù mới gần 60 tuổi. Y Sứ Knu lắc đầu: "Mình có 8 đứa con, vất vả lắm, mình biết đẻ nhiều là khổ nhưng bây giờ muộn rồi".
Trước những khó khăn của bà con các dân tộc Tây Nguyên, tại Hội nghị lần thứ 7, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX đã ban hành nghị quyết về công tác dân tộc và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Rồi Nhà nước ban hành các chính sách cụ thể như: Chương trình 134 cấp đất ở cho dân, Chương trình 135 cấp đất canh tác, Chương trình 132 cấp đất trồng rừng và kèm với đó là có Chương trình 39 hỗ trợ tạo điều kiện cho những người nghèo thoát nghèo. Từ các chính sách của Nhà nước, thành phố Buôn Ma Thuột đã xây dựng nhiều đề án, đặc biệt là đề án ổn định và phát triển kinh tế - xã hội các buôn đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ đó từ năm 2011 đến 2014, các hộ nghèo, cận nghèo được tạo điều kiện cho vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế với tổng dư nợ trên 242 tỷ đồng. Hơn 12.000 lao động nông thôn được đào tạo nghề miễn phí, hàng nghìn lượt hộ nghèo được hỗ trợ về y tế, giáo dục. Bên cạnh đó, các hộ nghèo còn được các cấp, ngành tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn cách làm ăn, xây dựng nhiều mô hình giảm nghèo phù hợp với điều kiện địa phương như: Nuôi gà thả vườn, chăn nuôi dê, bò, trồng nấm, ghép cải tạo cà phê, ủ thức ăn gia súc… Các buôn đồng bào dân tộc thiểu số còn được hưởng lợi từ các chương trình, nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với chính quyền, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể cũng triển khai nhiều hoạt động thiết thực chia sẻ khó khăn với người nghèo như: Xây dựng quỹ "Xóa đói giảm nghèo", tổ, nhóm tín dụng tiết kiệm, hũ gạo tình thương, giúp nhau vốn, ngày công, cây, con giống; hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở, khám chữa bệnh; tư vấn, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề ngắn hạn… là "đòn bẩy" trợ giúp người nghèo vươn lên.
Đến hết năm 2014, Buôn Ma Thuột cứng hóa được gần 200 đường liên buôn và nội buôn. Hôm tôi đến nhà Ma Minh, dù con đường ngoằn ngoèo nhưng nhựa trải phẳng lỳ thênh thênh "sướng lốp xe" như anh lái taxi nói. 100% buôn có điện sinh hoạt, nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà trẻ, lớp mẫu giáo. Cùng với điện đường, trường trạm, các công trình thủy lợi, kênh mương được nâng cấp, sửa chữa. Một nét chuyển biến tích cực ở khắp 33 buôn là sự khởi sắc của lĩnh vực nông nghiệp khi đội ngũ kỹ sư nông nghiệp tích cực hỗ trợ, giúp đỡ địa phương áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào cấy lúa nước, trồng ngô giống mới. Chính quyền thành phố còn chi trên 7 tỷ đồng triển khai 1.800 lớp tập huấn chăn nuôi, trồng trọt, xây dựng 650 mô hình chuyển giao công nghệ khoa học kỹ thuật. Đặc biệt, xây dựng cánh đồng mẫu cà phê tại xã Hòa Thuận và 16 cánh đồng sản xuất lúa nước ICP đưa năng suất và sản lượng tăng gấp 2 lần.
Sau 4 năm triển khai chương trình mục tiêu giảm nghèo, số hộ nghèo trên địa bàn Buôn Ma Thuột giảm từ 3.671 hộ (chiếm tỷ lệ 5%) năm 2011, xuống còn 1.135 hộ (chiếm 1,49%) năm 2014. Số hộ cận nghèo cũng giảm từ 4.231 hộ (chiếm 5,8%), xuống còn 2.139 hộ (chiếm 2,81%). Và đặc biệt tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số hiện chỉ còn 479 hộ, giảm hàng chục lần so với 5 năm trước. Ông Chu Văn Việt, Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH cho biết: "Thành phố Buôn Ma Thuột đặt mục tiêu phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2011-2015 bình quân 1,2%/năm, đến cuối năm 2015 tỷ lệ này còn dưới 1%".
Xác nhận những đổi thay trong xóa đói giảm nghèo, Trưởng buôn Ma Minh khẳng định: "So với 10 năm trước thì cuộc sống bây giờ ở buôn MTúc khá hơn trước rất nhiều". Lang thang quanh xã Ea Kao, tôi trở ra Ea Tam, mục sở thị nhiều nhà có máy cày, phương tiện sinh hoạt như: Xe máy, ti vi... Tuy nhiên tôi không khỏi băn khoăn khi nhà dài truyền thống Ê Đê ngày càng ít đi cho dù nguyên nhân chính là không còn cỏ tranh để lợp mái, không thể phá rừng lấy gỗ làm cột. Với những cặp vợ chồng trẻ, họ cũng không mấy mặn mà với nhà dài.
Không phải gia đình nào cũng khá giả như Trưởng buôn Ma Minh nhưng so với thời kỳ Pháp cai trị rồi cả người Mỹ sau này cuộc sống của bà con dân tộc ở Buôn Ma Thuột đã khác trước rất nhiều sau ngày giải phóng. Tuy hiện tại và phía trước vẫn còn thách thức song bên cạnh họ luôn có Nhà nước và địa phương với chính sách cụ thể sẽ giúp bà con vượt qua.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.