Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bước ra ánh sáng bằng tri thức

Thiện Mỹ| 16/11/2015 06:13

(HNM) - Người phụ nữ khiếm thị mà tôi biết thành thạo hai ngoại ngữ, từng sang Nhật Bản học kỹ năng lãnh đạo. Nghị lực phi thường của em thôi thúc tôi phải gặp và viết gì đó.


Trên bàn làm việc là chiếc máy tính xách tay màu bạc với rất nhiều cuốn sách chữ nổi. Sau em, một giá sách nữa và cạnh đó lỉnh kỉnh vài hòm sách khác. Hình ảnh em say mê làm việc cùng chiếc máy tính khiến tôi cảm nhận em thật gần gũi. Đỗ Thúy Hà, Chủ tịch Hội Người mù quận Đống Đa đã đi vào lòng tôi như thế!

Hành trình tìm tri thức

Có lẽ, thứ xa xỉ nhất với Hà trong cuộc sống này chính là ánh sáng. Bởi ánh sáng tồn tại với em trong thời gian quá ngắn ngủi. Khoảng 3, 4 tuổi, người thân quan sát thấy phản ứng của Hà chậm hơn bình thường nên đã đưa em đến bệnh viện kiểm tra và phát hiện em bị bệnh "thoái hóa võng mạc bẩm sinh". Thương Hà, cha mẹ đã đưa em đến nhiều nơi, chữa nhiều thuốc… nhưng không khả quan. Đến tuổi đi học, Hà cũng như bao bạn hồ hởi cắp sách đến trường. Nhưng mỗi ngày qua đi, Hà càng như rơi xuống vực tối vì không nhìn được cô giáo viết gì trên bảng. Giờ ra chơi, cô giáo tranh thủ đưa Hà lên bảng, viết chữ thật to cho em nhìn… Nhưng mọi cố gắng đều không làm đôi mắt Hà thay đổi. Cuối cùng, mẹ đành phải cho Hà nghỉ học vì không nhìn được chữ. Không được đến trường, Hà thơ ngây hỏi mẹ: "Sao con không được đến trường?". Hà đâu biết, trong lòng mẹ đang đứt từng khúc ruột vì thương con biết nhường nào!

Đỗ Thúy Hà miệt mài làm việc.


Thời gian cứ trôi, Hà vẫn ở nhà thơ thẩn cùng bóng tối. Qua báo chí, cha mẹ Hà biết có Trường Nguyễn Đình Chiểu là trường học dành cho người khiếm thị. Nhưng trường cách nhà đến 4 cây số, cha mẹ phải đi làm, làm sao Hà có thể tự đến trường? Sau nhiều đắn đo, suy nghĩ, cha mẹ bàn nhau phải cho Hà đi học. Sự nghèo khó về cái ăn, cái mặc không sợ bằng nghèo về kiến thức đã khiến bà Nguyễn Thị Thúy Anh quyết định nghỉ làm, ở hẳn nhà để đưa, đón con. Vậy là 9 tuổi, Hà lại được cắp sách đến trường.

Nghĩ về những ngày thơ bé, Hà nói như con trẻ: "Đi học vui lắm chị ạ. Lại càng vui hơn khi ở đó cũng có nhiều bạn đồng cảnh với mình". Thấm thoắt, rồi cũng đến ngày Hà học hết cấp I và II. Ước mơ được tiếp tục đi học của Hà tưởng như đi vào ngõ cụt, vì lúc đó không có trường cấp III nào (trung học phổ thông hiện nay) nhận học sinh khiếm thị. Nhưng may mắn vào đúng thời điểm đó, thầy giáo Nguyễn Như Thạch - một trong những người sáng lập Trường Nguyễn Đình Chiểu tiếp tục mở Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu. Hà trân trọng: "Em biết ơn và quý trọng thầy. Thầy là người tâm huyết, luôn theo sát mỗi bước trưởng thành của những học trò khiếm thị. Thầy luôn gắn bó, sống và làm việc hết mình vì những học sinh khiếm thị. Với em, thầy như người cha thứ hai của mình!".

Càng học lên cao, điều kiện học càng khó hơn. Thứ đắt đỏ nhất với Hà có lẽ là sách giáo khoa vì khi đó không có bộ sách giáo khoa nào dành cho học sinh khiếm thị. Thiếu thốn ấy càng khiến Hà suy nghĩ nhiều hơn. Cô nữ sinh bắt đầu nghĩ làm nghề gì để nuôi sống bản thân, làm gì để tự lập...? Tri thức là thứ ánh sáng duy nhất soi rọi, dẫn dắt mình đi trong cuộc đời. Suy nghĩ ấy đã khiến Hà không ngừng nỗ lực, nỗ lực ở mọi lúc, mọi nơi. Những ngày cuối của cấp học THPT, Hà ao ước được làm cô giáo dạy tiếng Anh. Khát vọng trong sáng, cháy bỏng ấy khiến Hà càng lao vào học. Nhưng, ước mơ ấy như phụt tắt bởi Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội không nhận học sinh khiếm thị như Hà vào khoa ngoại ngữ mà chỉ nhận học sinh khiếm thị học Ban C. Hẫng hụt và thất vọng. Lại một năm ở nhà ngẫm nghĩ. Niềm đam mê tiếng Anh thôi thúc Hà tìm hiểu và Hà đã thi vào khoa ngoại ngữ, Viện Đại học Mở Hà Nội. Đỗ đại học, cô sinh viên năm thứ nhất tự tin đến giảng đường với hành trang chỉ là kiến thức và đích đến là tìm kiến thức. Với những sinh viên bình thường, việc học không quá khó khăn, nhưng với Hà quả là một thách thức lớn. Giáo trình không có, Hà phải tập trung cao độ trong giờ học. Mục tiêu của Hà phải nắm được 70 đến 80% kiến thức sau mỗi giờ lên lớp. Phần bài học chưa tiếp cận được, Hà nhờ người thân, bạn bè đọc lại để chép thêm bài. Hà học và tìm tài liệu hoàn toàn trên máy tính bằng một phần mềm đặc biệt dành cho người khiếm thị. Máy tính là người bạn không thể thiếu, là công cụ đắc lực giúp Hà vượt qua nhiều khó khăn. Cũng nhờ máy tính, Hà đã có bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời.

Mang ánh sáng cho đời

Năm thứ hai học đại học, qua tra cứu tài liệu, Hà vô tình biết được thông tin về chương trình đào tạo kỹ năng lãnh đạo cho người khuyết tật của các nước Châu Á - Thái Bình Dương. Hà quyết tâm nộp hồ sơ để thử sức mình.

Hà kể: Thời điểm nộp hồ sơ, Việt Nam có 4 bạn, trong đó 3 bạn ở TP Hồ Chí Minh, chỉ mình em ở Hà Nội. Qua phỏng vấn và kiểm tra bài viết bằng chữ nổi tiếng Anh, chỉ mình em đạt kết quả và được sang Nhật Bản học. Bỡ ngỡ với một đất nước phát triển hàng đầu thế giới, trong 3 tháng đầu, Hà vùi đầu vào học tiếng Nhật bằng tiếng Anh. Sau 3 tháng, Hà đã được tham gia các khóa học và lĩnh hội được rất nhiều điều hay. Suốt 2 năm ở Nhật Bản, Hà học tập, sống độc lập và vững vàng vượt qua mọi khó khăn, hòa nhập cùng bạn bè và chu du khắp xứ Hoa anh đào.

Nhớ lại những ngày sống, học tập trên đất nước bạn, Hà vui vẻ: Có 3 thứ không thể rời xa em: Máy tính trên lưng, gậy trong tay và điện thoại trong túi. Thời gian sống và học ở Nhật Bản đã cho em chiêm nghiệm nhiều điều, mở rộng vốn kiến thức và sáng lên trong em nhiều mơ ước. Chính vì vậy, khi về nước và tốt nghiệp đại học năm 2009, em đã được nhận tấm bằng loại giỏi. Không phải nói gì thêm, đây là một kết quả học tập cực kỳ ấn tượng và có lẽ ngoài sức tưởng tượng của nhiều người!

Khi về nước, những chính sách ưu đãi của Nhật Bản dành cho người khiếm thị tác động mạnh đến Hà. Với suy nghĩ, người Nhật Bản đã tạo nguồn học bổng giúp mình được học tập, thì mình cũng phải biết giúp người đồng cảnh… Từ suy nghĩ ấy, Hà đã tìm cách liên hệ với những người Nhật Bản đang sinh sống tại Hà Nội. Hà đã cùng họ giúp đỡ những học sinh khiếm thị có hoàn cảnh khó khăn được đến trường. Hà vui vẻ tính: "Từ năm 2008 đến nay, những người bạn Nhật Bản đã giúp được khoảng 20 em nhỏ nghèo được đến trường. Cũng từ năm đó đến nay, em mở lớp dạy chữ nổi tiếng Việt cho người Nhật để những người bạn Nhật Bản này làm sách giáo khoa cho học sinh khiếm thị ở Việt Nam. Năm nào, em và các bạn cũng tặng sách chữ nổi cho học sinh khiếm thị ở Hà Nội, Hải Dương, Vĩnh Phúc. Hà còn kết nối được với Tổ chức phi chính phủ ACCV của Australia, giúp hội viên Hội Người mù quận Đống Đa được học tiếng Anh miễn phí. Lớp được tổ chức 2 buổi/tuần với giáo viên người Việt Nam và giáo viên người nước ngoài; hiện lớp đang có 10 hội viên theo học…

Nói về thành quả sau những năm kiên trì cố gắng, Hà xúc động: Mẹ là người giúp em đạt được hoài bão của mình. Còn nhớ, ngày mới học tiếng Anh, do không có sách, mẹ lại chẳng biết chữ tiếng Anh nào. Vậy mà mẹ đọc từng chữ i, t… để em viết lại. Tình yêu thương bao la, vô bờ bến của mẹ là động lực giúp em thắp sáng ước mơ. Còn cha em, bao năm là trụ cột trong gia đình, mọi khó khăn trong cuộc sống cha là người gánh vác. Vậy mà cha vẫn luôn vui, tự hào "con gái cha là Nick Vujicic thứ hai". Từ niềm kiêu hãnh ấy, ông đã tham gia cuộc thi viết về những tấm gương nghị lực phi thường do Đài Truyền hình Việt Nam, Báo Thanh niên và Tập đoàn Tôn Hoa Sen tổ chức. Bài viết của ông đoạt giải Khuyến khích và Hà là một trong 21 tấm gương đạt giải Nhân vật có nghị lực phi thường của cuộc thi ấy.

Người phụ nữ trẻ hiện đang có một gia đình đầm ấm với một người chồng công tác trong lĩnh vực công nghệ thông tin và một cậu con trai đáng yêu 4 tuổi. Tôi hiểu, "hai ngọn nến" ấy là tổ ấm, là nguồn động viên, an ủi lớn nhất trong cuộc đời Hà. Với bản lĩnh, trí tuệ, sự nỗ lực bền bỉ, người phụ nữ khiếm thị này đã bước ra ánh sáng cuộc đời bằng tri thức và xứng đáng với niềm tin yêu trong tâm khảm nhiều người.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bước ra ánh sáng bằng tri thức

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.