Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) vừa được ký kết và chính thức có hiệu lực từ 23h ngày 31-12-2020, đã đánh dấu bước khởi đầu mới trong quan hệ đối tác chiến lược được hai nước thiết lập 10 năm nay.
UKVFTA chẳng những đóng vai trò bảo đảm thương mại giữa Việt Nam và Vương quốc Anh không bị gián đoạn tại thời điểm kết thúc giai đoạn chuyển tiếp Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu - EU), mà còn được kỳ vọng sẽ trở thành động lực thúc đẩy quan hệ hai nước một cách toàn diện và sâu rộng hơn, là cơ sở vững chắc để duy trì và củng cố quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Vương quốc Anh trong tương lai. Thỏa thuận này cũng là cơ sở để hai bên thúc đẩy các khuôn khổ hợp tác khu vực và đa phương khác.
Có thể nói UKVFTA là thành quả của những bước phát triển vượt bậc trong quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Vương quốc Anh sau 47 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, cũng như sau 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược. Trong giai đoạn từ 2011-2019, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu song phương tăng trung bình 12,1%/năm. Các sản phẩm xuất khẩu chính của Việt Nam sang Vương quốc Anh là điện thoại - linh kiện, hàng dệt may, giày dép, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ, máy vi tính - linh kiện, hạt điều, cà phê, hạt tiêu. Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu các loại máy móc, thiết bị, dược phẩm, sắt thép, hóa chất. Mặt hàng xuất nhập khẩu giữa hai quốc gia mang tính bổ sung thay vì cạnh tranh.
Anh hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam tại châu Âu, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước năm ngoái đạt hơn 6,6 tỷ USD (tăng 9,5%). Trong khi đó, Anh coi Việt Nam là một đối tác thương mại rất quan trọng tại Đông Nam Á. Với tốc độ tăng trưởng GDP cao hàng đầu khu vực và thế giới trong suốt 3 thập niên qua, đặc biệt là sớm kiềm chế thành công Covid-19, duy trì đà tăng trưởng kinh tế, Việt Nam đang ngày càng thu hút sự quan tâm và là điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư Anh.
Việc đạt được UKVFTA vào thời điểm này có ý nghĩa hết sức quan trọng và thiết thực đối với cả 2 nước, đặc biệt khi các quốc gia trên thế giới đều đang mong muốn thúc đẩy hợp tác thương mại - đầu tư để nhanh chóng phục hồi nền kinh tế đang chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Việc hoàn tất đàm phán UKVFTA cũng cho thấy tầm quan trọng của thị trường và vị thế quốc tế của Việt Nam đối với Vương quốc Anh.
Ý nghĩa đầu tiên của UKVFTA là bảo đảm hoạt động thương mại song phương giữa Việt Nam và Vương quốc Anh không gián đoạn khi Anh kết thúc giai đoạn chuyển tiếp Brexit vào ngày 31-12-2020. Sau thời điểm đó, do Anh không còn là thành viên của thị trường chung EU và tham gia Liên minh Hải quan EU, các ưu đãi mang lại từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), vốn có hiệu lực từ ngày 1-8 vừa qua, sẽ không được áp dụng tại thị trường Anh. Bởi vậy, việc ký kết thỏa thuận song phương giữa Việt Nam và Vương quốc Anh sẽ bảo đảm hoạt động giao thương hàng hóa hai nước được suôn sẻ sau thời điểm ngày 31-12-2020, nhất là những hàng hóa thiết yếu trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động đến các lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Ý nghĩa quan trọng thứ hai là UKVFTA sẽ góp phần gia tăng đáng kể hàng hóa hai nước vào thị trường của nhau, tạo thêm sự gắn kết và đan xen về kinh tế giữa hai đối tác chiến lược. UKVFTA sẽ tạo điều kiện cho hoạt động cải cách, mở cửa thị trường, thuận lợi hóa thương mại ở hai quốc gia trên cơ sở kế thừa các kết quả đàm phán tương đối tích cực ở EVFTA.
Một trong những bằng chứng cho việc UKVFTA góp phần gia tăng đáng kể hàng hóa hai nước vào thị trường của nhau là chỉ 2 ngày sau khi được ký kết, tức là từ ngày 1-1-2021, UKVFTA sẽ tác động tích cực ngay cho các doanh nghiệp của Việt Nam và Anh với việc cắt giảm thuế quan đáng kể cho hơn 70% hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang Anh và ở chiều ngược lại là 65%, trong đó, nhiều hàng hóa sẽ được hưởng thuế suất 0%. Và sau 6 năm, trên 99% hàng hóa hai nước sẽ có mức thuế 0%. Với tính chất tương hỗ cao của hai nền kinh tế, UKVFTA sẽ giúp kim ngạch thương mại song phương tăng trưởng mạnh mẽ thời gian tới theo tinh thần “cùng thắng”.
Như vậy, UKVFTA sẽ bảo đảm để 3.000 doanh nghiệp của Anh tiếp tục xuất khẩu sang Việt Nam, đồng thời, như nhận định của ông Paul Smith, Phó Chủ tịch Việt Nam - UK Network tại Anh, một người có hơn 20 năm kinh nghiệm kinh doanh tại Việt Nam: "UKVFTA sẽ mở cửa, thu hút thêm nhiều doanh nghiệp Anh cân nhắc, lựa chọn Việt Nam là điểm đến". Điều đó tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Anh mở rộng hoạt động tại Việt Nam, bởi dù là nước xuất khẩu lớn thứ năm thế giới trong năm 2019, nhưng hàng hóa của Anh hiện chiếm chưa tới 3% thị phần nhập khẩu của Việt Nam. Những lĩnh vực được hưởng lợi nhiều sẽ là dược phẩm, máy móc, thiết bị, hóa chất, ô tô, ngân hàng, bảo hiểm.
Đối với Việt Nam, việc loại bỏ thuế quan sẽ đem lại nhiều lợi ích cho các ngành xuất khẩu thế mạnh như điện thoại thông minh và các sản phẩm điện tử, dệt may, giày dép; nông sản như, gạo, cà phê, cao su; thủy sản; đồ gỗ, hàng gốm sứ... Lợi thế do UKVFTA đem lại sẽ tạo cơ hội rất lớn để hàng hóa Việt Nam thâm nhập thị trường Anh đầy tiềm năng với quy mô kinh tế 2.800 tỷ USD năm 2019.
Phát biểu sau lễ ký thỏa thuận này ngày 29-12, Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Anh Trần Ngọc An gọi đây là sự kiện lịch sử, có ý nghĩa quan trọng trong quan hệ giữa hai nước. Ở tầm chiến lược, việc hoàn tất UKVFTA còn làm sâu sắc thêm và nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược Việt - Anh, như mong muốn và quyết tâm chính trị của hai nước thể hiện trong Tuyên bố chung được hai bộ trưởng ngoại giao ký dịp hai nước kỷ niệm 10 năm đối tác chiến lược vào tháng 9-2020.
Trong khi đó, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam Gareth Ward đánh giá việc đạt được UKVFTA là bước ngoặt, là sự kiện đánh dấu mốc quan trọng trong quan hệ giữa Vương quốc Anh và Việt Nam nhân dịp hai nước kỷ niệm 10 năm quan hệ đối tác chiến lược. Đặc biệt, ông Gareth Ward nhận định đây là cơ hội lớn cho Vương quốc Anh, bởi trong bối cảnh đại dịch Covid-19 kéo kinh tế thế giới vào một cuộc khủng hoảng lớn nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai, kinh tế Việt Nam được dự báo vẫn đạt tăng trưởng trên 2,9% trong năm 2020 và là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới. UKVFTA sẽ bảo đảm thương mại song phương tiếp tục tăng tốc khi Anh càng chú trọng hơn tới các mối quan hệ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Thông qua UKVFTA, Việt Nam sẽ trở thành thị trường cửa ngõ để các doanh nghiệp Anh có thể tiếp cận thị trường khu vực rộng lớn. Bộ trưởng Thương mại quốc tế Vương quốc Anh Liz Truss, trong chuyến thăm Việt Nam tháng 11 vừa qua và tham gia ký kết thỏa thuận hoàn tất đàm phán UKVFTA, từng thừa nhận rằng, Vương quốc Anh và Việt Nam có chung cam kết chiến lược đối với thương mại toàn cầu cũng như tự do hóa giao dịch vốn và đầu tư. Vì vậy, UKVFTA là một bước tiến quan trọng trong bối cảnh Anh sẽ chính thức xin gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vào đầu năm 2021.
Chia sẻ ý kiến này, Đại sứ Trần Ngọc An cho rằng, việc ký kết UKVFTA chắc chắn sẽ đưa Vương quốc Anh tiến gần hơn tới mong muốn “nước Anh toàn cầu” trở thành bên đối thoại của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và thành viên của CPTPP trong tương lai không xa do Việt Nam là thành viên tích cực của ASEAN và là một thành viên sáng lập của CPTPP. Với việc gia nhập CPTPP, không chỉ quan hệ Vương quốc Anh với Việt Nam ngày càng được thắt chặt, mối quan hệ với 11 nền kinh tế năng động trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cũng được mở rộng, mang lại nhiều lợi ích hơn cho nền kinh tế cũng như người dân Anh.
Sau khi UKVFTA có hiệu lực, dự báo luồng hàng hóa, dịch vụ từ Anh vào Việt Nam sẽ gia tăng mạnh, cùng với đó là làn sóng mới về đầu tư trực tiếp và gián tiếp từ Anh, nhất là trong những lĩnh vực Anh có thế mạnh như năng lượng tái tạo, công nghệ môi trường… Về phía Việt Nam, lợi thế cạnh tranh nhờ UKVFTA chắc chắn sẽ giúp nhiều doanh nghiệp Việt Nam mở rộng sản xuất và gia tăng xuất khẩu sang Anh, trong khi các sản phẩm Việt Nam đã có chỗ đứng trên thị trường Anh có thể tăng mạnh thị phần tại thị trường lớn thứ hai tại châu Âu với gần 70 triệu người tiêu dùng (chưa kể khách du lịch), có GDP bình quân đầu người gần 44.000 USD (số liệu năm 2019).
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Anh, để vào được thị trường cao cấp này, hàng hóa Việt Nam cũng cần đáp ứng tiêu chuẩn cao về chất lượng, thẩm mỹ, vệ sinh, môi trường. Anh là thị trường có độ mở cao nên đây sẽ là sân chơi của nhiều nước, do vậy, cùng với việc bảo đảm chất lượng, hàng hóa Việt Nam phải có giá cả cạnh tranh. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành, đồng thời cần tăng cường công tác tiếp thị, thông tin quảng bá sản phẩm. Chữ tín cũng là điều kiện tiên quyết để hàng hóa Việt Nam có chỗ đứng lâu dài tại thị trường Anh.
Có thể nói với UKVFTA, cánh cửa lớn cho hợp tác kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Vương quốc Anh đã rộng mở. Thỏa thuận này cũng góp phần tạo nền tảng vững chắc để thúc đẩy hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước lên tầm cao mới trong tương lai, đáp ứng lợi ích của cả Việt Nam và Vương quốc Anh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.