Ngày 5 tháng 3 năm 1975, thực hiện nghi binh, lừa địch. Sư đoàn 968 đã nổ súng tiến công phía tây Plây Cu. Từ ngày 6 đến ngày 8 tháng 3, Sư đoàn 320 lần lượt tiêu diệt cứ điểm Chư Sê và nam ngã ba Thuần Mẫn, mở toang một đoạn đường để chuẩn bị đánh viện.
Rạng sáng ngày 9 tháng 3, Sư đoàn 10 đánh Đức Lập. Ngay buổi sáng hôm đó, Sư đoàn 10 đã hoàn thành nhiệm vụ. Lúc này, như đã bàn trước với anh Đinh Đức Thiện, Bộ Tư lệnh 559 điều ngay 100 xe chở lực lượng chủ yếu của Sư đoàn 10 đến Buôn Ma Thuột làm lực lượng dự bị.
Quân ta tiến công giải phóng Buôn Ma Thuột, mở đầu chiến dịch Tây Nguyên. |
Rạng sáng ngày 10 tháng 3, Sư đoàn 316, được tăng cường Trung đoàn 95B, các trung đoàn, tiểu đoàn binh chủng, kỹ thuật như đặc công, công binh, pháo binh, xe tăng của Mặt trận Tây Nguyên nổ súng tấn công Buôn Ma Thuột. Đến trưa Ngày 11 tháng 3, quân ta đã chiếm được sở chỉ huy sư đoàn 23 và sở chỉ huy phân khu quân sự tỉnh Đắc Lắc. Từ lúc này cho đến ngày 17, ngày 18 tháng 3 ta phải xử lý đồng thời ba tình huống trên chiến trường. Một là, phải giải quyết cho triệt để thắng lợi giải phóng Buôn Ma Thuột, vì sau ngày 11 tháng 3 vẫn còn căn cứ trung đoàn 53 ngụy ở sân bay Hoà Bình, mãi đến ngày 17 ta mới giải quyết xong. Hai là, diệt viện binh của địch hòng chiếm lại thị xã Buôn Ma Thuột. Ba là, diệt quân rút lui khỏi Tây Nguyên theo lệnh của Nguyễn Văn Thiệu.
Lần đầu tiên Nguyễn Văn Thiệu phải tự quyết định việc xử lý chiến lược trên chiến trường, y cũng muốn co lực lượng theo bài bản của Mỹ, rút quân về trấn giữ ba đèo lớn là An Khê trên đường 19 từ Plây Cu về Quy Nhơn, đèo Tanu trên đường 7 từ Plây Cu về Tuy Hòa, đèo Phượng Hoàng từ Tây Nguyên về Ninh Hoà, Phan Rang. Việc phát hiện được địch rút lui để đánh ngay chúng trên đường rút có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong chiến dịch Tây Nguyên. Nếu không đánh kịp thời, quân địch trấn giữ được cả ba ngọn đèo nói trên thì sẽ gây khó khăn lớn cho quân ta trong việc triển khai thế tiến công của chiến dịch, có khi ta phải dừng lại để chuẩn bị mở chiến dịch mới trong khi mùa mưa đã tới, vì vậy mà chiến tranh có thể kéo dài. Tình hình chiến dịch Tây Nguyên sau khi cơ bản giải phóng xong thị xã Buôn Ma Thuột hết sức khẩn trương. Mặc dù lúc đó, có những thông tin sai lạc, nhấn mạnh việc địch tăng viện hòng chiếm lại Buôn Ma Thuột, nhưng trong nhạy cảm của chúng tôi ở Sở chỉ huy phía trước, từ dự đoán đến hiện thực quân địch đang phải rút lui chiến lược ngày càng rõ ra. Ngay tối 16 tháng 3, không liên lạc được với Bộ chỉ huy chiến dịch Tây Nguyên, anh Văn Tiến Dũng và tôi trực tiếp gọi điện thoại xuống Sư đoàn 320 ra lệnh nhanh chóng chuyển đội hình đang sẵn sàng đánh địch tăng viện hòng phản kích chiếm lại Buôn Ma Thuột sang hành quân gấp lên hướng bắc, tiến công quân địch trên đường lút lui. Chiều tôi ngày 17 tháng 3, Sư đoàn 320 mới đưa được tiểu đoàn 9, Trung đoàn 64 vào đánh địch rút lui ở phía đông nam Cheo Reo. Đêm 17 đến sáng 18 tháng 3, lần lượt cả Trung đoàn 64 và Trung đoàn 48, Sư đoàn 320 mới đánh thẳng được vào đội hình chủ yếu của chúng. Trước khi ta nổ súng tiến công, đài quan sát của ta báo về cho tôi biết: “Đầu đội hình của địch thì đi vào phố Cheo Reo bảy, tám xe một hàng. Toàn bộ thị xã Cheo Reo tràn ngập ô tô quân sự và dân sự. Đuôi của đội hình xe địch thì ở tít tận chân trời phía Plây Cu, không thể trông thấy hết”. Nghe được tin này, tôi vô cùng mừng. Như thế là trúng rồi, ta đã đánh rồi, mệnh lệnh phát đi là chính xác. Đội hình hành quân rút lui của địch kéo dài hàng trăm cây số đã bị quân ta đánh tan tác. Chúng bỏ xe pháo và các loại phương tiện chiến tranh khác, tháo chạy theo đường mòn xuyên rừng. Sư đoàn 320 (gồm hai Trung đoàn 48 và 64) đã phát triển tiến công truy kích địch dọc theo đường số 7 về tới Tuy Hoà, diệt một số, bắt toàn bộ lực lượng chủ yếu bộ binh, binh quân chủng kỹ thuật Quân đoàn kiêm Quân khu 2 của địch.
Chiến thắng ngày 17, 18 tháng 3 năm 1975 trên Tây Nguyên đánh dấu một bước ngoặt quyết định thực hiện vượt yêu cầu mục đích ban đầu của chiến dịch, nâng mức diệt từ sư đoàn lên quân đoàn, quân khu, giải phóng nhiều tỉnh và quan trọng hơn nữa là đã chia cắt chiến lược chiến trường miền Nam. Điều tôi muốn nói rõ là: giải quyết những vấn đề hệ trọng trong kế hoạch chiến lược, chiến dịch và triển khai tổ chức thực hiện, ví dụ như vấn đề lựa chọn chiến trường, xác định hướng và mục tiêu tiến công chủ yếu của chiến dịch để dự trữ hậu cần, kỹ thuật và tập trung lực lượng đánh đòn quyết định... là những công trình nghiên cứu tập thể, trải qua nhiều cuộc trao đổi, bàn luận ở cả cấp chiến lược và cấp chiến dịch mới có thể đạt chuẩn xác cao, khả thi, đã đánh là đúng, đánh trúng, đánh bại được địch.
Chiến dịch Tây Nguyên, chiến dịch cấp Bộ nằm trong kế hoạch chiến lược phấn đấu thực hiện trong hai năm 1975, 1976 giành toàn thắng, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ, thống nhất đất nước. Chiến dịch đã được thực hiện giành thắng lợi giòn giã. Chiến thắng có ý nghĩa chiến lược của chiến dịch đã tạo thiên tạo thời, tạo các điều kiện thực hiện để Bộ Chính trị - Quân uỷ Trung ương ra quyết định ngày 15 tháng 3 năm 1975: “Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đã bắt đầu” và chỉ trong năm mươi lăm ngày đêm, quân ta đã diệt và đánh tan rã hơn một triệu quân địch và toàn thể bộ máy chiến tranh của chúng, giành toàn thắng.
Thượng tướng LÊ NGỌC HIỂN kể
LÊ NGUYÊN VĨNH ghi
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.