(HNM) - Kết quả sơ bộ cuộc bầu cử Quốc hội Ba Lan cho thấy, đảng đối lập Luật pháp và Công lý (PiS) của cựu Thủ tướng Jaroslaw Kaczynski (em trai song sinh của cố Tổng thống Lech Kaczynski) đã giành chiến thắng trong cuộc đua quyết liệt này.
Chiến thắng của đảng PiS đã đánh dấu bước ngoặt mới trên chính trường Ba Lan, bởi đây là lần đầu tiên kể từ khi kết thúc Chiến tranh lạnh năm 1989, các đảng cánh tả trong Quốc hội Ba Lan bị thất bại nặng nề. Đây cũng là lần đầu tiên từ năm 1989 đến nay, một đảng giành được đa số ghế tại Quốc hội để tự đứng ra thành lập chính phủ.
Ông J.Kaczynski (trái) cùng ứng viên Thủ tướng, bà B.Szydlo mừng chiến thắng. |
Tham gia cuộc đua này có 8 chính đảng, với 7.899 ứng cử viên đại diện tranh 460 ghế nghị sĩ ở cả hai viện, trong đó có 100 ghế tại Thượng viện. Các nghị sĩ Hạ viện được bầu theo tỷ lệ phổ thông đầu phiếu, trong khi các nghị sĩ Thượng viện được bầu theo khu vực bầu cử. Trong số các chính đảng tham gia tranh cử lần này đáng chú ý là đảng PiS đối lập của cựu Thủ tướng J.Kaczynski và Tổng thống Andrzej Duda - người vừa nhậm chức đầu tháng 8 vừa qua sau cuộc bầu cử tổng thống hai vòng diễn ra hồi tháng 5 - và đảng Cương lĩnh Công dân (PO) của đương kim Thủ tướng Eva Kopacz. Theo kết quả kiểm phiếu sơ bộ, đảng PiS giành được 39,1% số phiếu, tương đương 242 ghế trong tổng số 460 ghế tại Hạ viện, trong khi đảng PO chỉ giành được 23,4% số phiếu (133 ghế)… Kết quả sơ bộ cũng cho thấy, chỉ 5 trong tổng số 8 chính đảng tham gia tranh cử trong cuộc đua này có đại diện tại Hạ viện.
Đạt mức tăng trưởng kinh tế gần như không bị gián đoạn trong 25 năm qua, Ba Lan là nước thành viên Liên minh Châu Âu (EU) duy nhất tránh được suy thoái kinh tế sau cuộc khủng hoảng tài chính. Dự kiến trong năm nay và năm tới, nền kinh tế hơn 38 triệu dân này sẽ tăng trưởng ở mức 3,5%, trong khi tình trạng thất nghiệp gần đây đã giảm xuống dưới 10%. Thế nhưng, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, người dân Ba Lan không hài lòng với chính sách an sinh xã hội và bảo vệ quyền lợi quốc gia của chính phủ đương nhiệm. Đây là lý do khiến nhiều cử tri nói không với đảng PO cầm quyền trong cuộc bầu cử này.
Trong khi đó, đảng PiS lại chiếm được sự ủng hộ của cử tri Ba Lan, đặc biệt ở khu vực nông thôn. Trong chiến lược tranh cử, bà Beata Szydlo - người sẽ được cựu Thủ tướng J.Kaczynski đề cử làm Thủ tướng trong chính phủ mới sắp tới đã đưa ra nhiều cam kết đáp ứng sự mong đợi của nhiều tầng lớp khác nhau trong xã hội, từ lớp trẻ cho tới người về hưu và người già. Với chủ trương bảo thủ, đảng PiS có quan điểm hoài nghi EU. Không những thế, đảng này còn phản đối việc Ba Lan gia nhập Khu vực sử dụng đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) trong tương lai gần, đồng thời cam kết tăng phúc lợi xã hội cho người nghèo và đánh mức thuế mới với các ngân hàng. Đảng PiS cũng phản đối việc tái phân bổ người di cư từ Trung Đông vào Ba Lan, động thái có nguy cơ gây căng thẳng với EU trong vấn đề này.
Sự kiện đảng PiS giành được đa số trong Hạ viện được quyền đứng ra thành lập chính phủ mới mà không cần liên minh với các chính đảng khác là điều bất ngờ nhất của kỳ bầu cử Quốc hội này. Bởi các cuộc thăm dò dư luận trước bầu cử cũng như nhận định của các chuyên gia phân tích đều cho rằng, không một đảng nào có thể giành được trên 50% số phiếu để có được đa số ghế trong Quốc hội và có quyền thành lập chính phủ. Song, việc đảng PiS giành thắng lợi trước PO cầm quyền là điều đã được dự báo, đặc biệt kể từ khi ứng cử viên của đảng này A.Duda giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 5 vừa qua. Sự kiện này đánh dấu chiến thắng bầu cử lớn nhất của phe bảo thủ trong gần một thập kỷ qua ở Ba Lan.
Phát biểu sau khi công bố kết quả bầu cử sơ bộ, cựu Thủ tướng J.Kaczynski - thủ lĩnh PiS - nhấn mạnh chiến thắng của PiS là thắng lợi đặc biệt đối với nền dân chủ Ba Lan. Song, ông cũng thừa nhận trước mắt sẽ là thời kỳ "làm việc cật lực". Thủ tướng E.Kopacz chúc mừng chiến thắng của đảng PiS, đồng thời thừa nhận đảng PO sau 8 năm cầm quyền đã không giữ được thành quả khi đánh mất niềm tin của người dân Ba Lan đang mong muốn có sự thay đổi. Tuy nhiên, do việc xa rời với EU trong nhiều vấn đề, có nhiều ý kiến lo ngại rằng đảng PiS có thể đảo ngược quyết định của Thủ tướng sắp mãn nhiệm E.Kopacz và theo đó Ba Lan có thể sẽ không nhận người nhập cư theo kế hoạch hạn ngạch của EU.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.