Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bước đột phá mới

Thu Trang| 29/10/2010 07:04

(HNM) - Tổng cục Du lịch vừa công bố bản dự thảo chiến lược phát triển du lịch giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn 2030 với nhiều quan điểm mới. Để khắc phục những thiếu sót của 10 năm thực hiện chiến lược du lịch giai đoạn 2001-2010, mục tiêu của chiến lược mới là xây dựng một nền du lịch xanh, bền vững và có trách nhiệm.

Đi vào chiều sâu

Nhìn lại chặng đường 10 năm thực hiện chiến lược du lịch 2001-2010 có thể thấy rằng, ngành du lịch đã trải qua một quá trình phát triển với nhiều hạn chế và thiếu sót. Ông Hà Văn Siêu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Du lịch Việt Nam dẫn chứng, đầu tiên là sự thiếu đồng bộ về cơ sở vật chất, quy mô đầu tư manh mún, quy hoạch chồng chéo, nguồn nhân lực yếu kém, sự thiếu ý thức của người dân trong vấn đề bảo vệ môi trường. Cùng với đó là sự liên kết lỏng lẻo, sản phẩm du lịch thiếu đặc thù, không đáp ứng được yêu cầu… “Chiến lược du lịch giai đoạn mới sẽ bảo đảm cho sự phát triển bền vững của hiện tại và tương lai, hạn chế tối đa tình trạng bề nổi của 10 năm thực hiện chiến lược cũ”, ông Hà Văn Siêu khẳng định.

Khách du lịch tham quan khu Vinpearland (Nha Trang). Ảnh: Linh Tâm

Sau giai đoạn phát triển nhanh theo chiều rộng, muốn đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và tạo nguồn thu ngoại tệ lớn cho đất nước, hướng đi mới của du lịch Việt Nam là cần tập trung phát triển theo chiều sâu. Trước mắt, các khu du lịch trọng điểm sẽ được tăng cường hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, bảo đảm các điều kiện kỹ thuật tối thiểu, góp phần tạo thuận lợi cho du khách. Đặc biệt, chiến lược mới sẽ chú trọng phát triển du lịch gắn với các chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế, xã hội vùng sâu, vùng xa và xóa đói giảm nghèo. Thông qua việc mở các trường đào tạo về nghiệp vụ du lịch nhằm cung cấp các kiến thức về bảo vệ môi trường, cung cách ứng xử của người dân bản địa với du khách, ngành du lịch sẽ tiến tới cải thiện diện mạo các khu, điểm du lịch ở nông thôn.

Không chỉ tập trung xây dựng những sản phẩm, dịch vụ du lịch có chất lượng, giai đoạn phát triển mới của ngành du lịch sẽ chú trọng tăng tốc về doanh thu. Thay vì khai thác thị trường khách đại trà, ngành du lịch sẽ tập trung, có đầu tư, nghiên cứu kỹ để khai thác những thị trường trọng tâm. Đặc biệt, ưu tiên đầu tư khai thác các thị trường khách có khả năng chi trả cao, lưu trú dài ngày, đồng thời duy trì thị trường truyền thống có nguồn khách lớn. Bên cạnh những thị trường gần và truyền thống như: Đông Nam Á, Đông

Bắc Á, Tây Âu, Bắc Mỹ, Australia, Bắc Âu... Tổng cục Du lịch sẽ nghiên cứu khả năng thu hút các thị trường tiềm năng, sử dụng các sản phẩm du lịch cao cấp như: Ấn Độ, Mỹ La tinh, Trung Đông... Để từ đó thực hiện mục tiêu thu hút 8 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2015 và 12 triệu lượt trong năm 2020, đồng thời phục vụ 28 triệu lượt khách nội địa năm 2015 và 35 triệu lượt vào năm 2020.

Tạo dựng thương hiệu du lịch biển

Xuyên suốt toàn bộ chiến lược phát triển du lịch giai đoạn mới, việc tạo dựng thương hiệu du lịch biển được nhìn nhận như “đòn bẩy” quan trọng giúp khai thác tiềm năng biển và đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, thân thiện hàng đầu khu vực.

Lý giải cho sự chọn lựa này, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng, Việt Nam nằm trong nhóm nước có nhiều vịnh và bãi biển đẹp nhất thế giới. Thêm vào đó, các sản phẩm du lịch biển hiện cũng đã thu hút lượng khách lớn và mang lại doanh thu cao nhất. Tuy nhiên, thực tế đáng buồn hiện nay là chúng ta chủ yếu khai thác “mỏ vàng” thiên nhiên ban tặng, việc đầu tư quá khiêm tốn, thậm chí chưa theo đuổi các mục tiêu phát triển bền vững.

Nếu xét về tài nguyên thiên nhiên, những tuyến điểm du lịch biển như: Phú Quốc, Bà Rịa - Vũng Tàu, Phan Thiết, Nha Trang, Hạ Long... của Việt Nam không thua kém, thậm chí hấp dẫn hơn nhiều so với những điểm du lịch biển nổi tiếng của các quốc gia trong khu vực. Tuy nhiên, do tính thương mại hóa cao nên không ít địa phương đã nóng vội đưa ra những sản phẩm trùng lặp, thiếu sự đầu tư, trong khi đáng lẽ phải tìm ra sự khác biệt, bản sắc văn hóa riêng cho từng sản phẩm nhằm tạo ra được phần “hồn” của du lịch biển… Chính vì chưa có được phần “hồn” đó nên hiệu quả mang lại từ du lịch biển của nước ta còn hạn chế so với tiềm năng.

Thấy rõ được tầm quan trọng cũng như thế mạnh về hệ thống bãi biển của Việt Nam, trong giai đoạn mới, Tổng cục Du lịch sẽ tập trung nâng cấp, xây dựng và hoàn thiện các dòng sản phẩm du lịch biển (gồm: nghỉ dưỡng biển, tham quan thắng cảnh biển, thể thao biển và sinh thái biển). Mặt khác, để thu hút khách hạng sang, ngành du lịch sẽ nghiên cứu xây dựng mô hình làng du lịch nghỉ dưỡng biển theo tiêu chí đẳng cấp, sang trọng có khả năng cạnh tranh trong khu vực và trên thế giới. “Song hành với việc phát triển các sản phẩm du lịch biển đặc thù, có chất lượng, du lịch Việt Nam phấn đấu xây dựng những thương hiệu du lịch biển mang tầm quốc tế”, ông Nguyễn Mạnh Cường nhấn mạnh.

Việc xây dựng chiến lược mới nhằm tạo ra những sản phẩm du lịch biển, du lịch xanh bền vững hy vọng sẽ tạo nên một bước đột phá mới trong thời gian tới cho ngành du lịch Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bước đột phá mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.