Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bước chuyển từ nhận thức tới hành vi

Thống Nhất| 26/12/2010 06:50

(HNM) - Xếp loại xuất sắc với điểm số 9,7 tại hội nghị nghiệm thu cấp TP ngày 25-12 do Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu làm Chủ tịch Hội đồng, bộ tài liệu


Mỗi học sinh mỗi ngày làm được một việc tốt, nhân lên hàng triệu học sinh thì xã hội sẽ tốt đẹp lên rất nhiều. Đó là mong muốn của nhiều người yêu Hà Nội. Ảnh: Viết Thành


Như vậy là sau hơn một năm triển khai, bộ tài liệu "Giáo dục nếp sống thanh lịch - văn minh" cho HS Hà Nội do Sở GD-ĐT và Nhà Xuất bản Hà Nội xây dựng đề án đã hoàn thành. Ra đời vào đúng thời điểm xã hội đang có nhiều vấn đề liên quan đến đạo đức học đường từng khiến dư luận bức xúc, nhiều phụ huynh đau đầu, bộ tài liệu đã nhận được sự hưởng ứng, đồng thuận từ nhiều phía. Như khẳng định của Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Thị Thanh Hằng, bộ tài liệu là sản phẩm của tập thể những người yêu Hà Nội, yêu thế hệ trẻ Hà Nội, mong muốn góp sức gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống cho những chủ nhân tương lai.

Để đạt mục đích ấy, sau khi hoàn thành biên soạn, tổ chức thẩm định tài liệu ở từng cấp học, trong 2 tháng qua, việc dạy thí điểm tài liệu đã được triển khai ở 18 trường tiểu học, THPT trên địa bàn TP. Kết quả thí điểm và tổng hợp khảo sát càng nhân thêm quyết tâm, niềm tin tưởng vào hiệu quả triển khai của tập thể tác giả khi 100% ý kiến của cán bộ quản lý, giáo viên và hơn 90% ý kiến của phụ huynh HS đồng tình cho rằng đây là tài liệu cần thiết cho HS hiện nay; 92% giáo viên cho biết nội dung tài liệu dễ dạy, hiệu quả đạt được sau giờ dạy chiếm gần 90%... Đáng chú ý, có tới 97% số HS cho biết nội dung tài liệu có tác dụng tốt với bản thân.

Là người được giao nhiệm vụ dạy thí điểm, cô giáo Bùi Thị Hiệp, Trường THCS Quất Động (Thường Tín) cho rằng, với cách truyền tải kiến thức qua kênh chữ, kênh hình sinh động, dễ hiểu, định hướng rõ những hành vi đúng, đẹp, những điều nên làm, tài liệu đã tạo sức hút với HS, khiến HS học hứng thú hơn. Còn với em Nguyễn Hoài Trung, Trường Tiểu học Đoàn Kết (Hai Bà Trưng), thì hiệu quả sau mỗi tiết học là thấy nhiều bạn trong lớp không nói tục nữa, còn bản thân thì cũng ý thức, tự giác hơn.

Không chỉ huy động sự tham gia của giáo viên, HS, tài liệu còn nhận được sự quan tâm của nhiều phụ huynh. Như chia sẻ của anh Nguyễn Lương Hùng, phụ huynh HS Trường Tiểu học Tiền Phong (Gia Lâm), thì chính anh cũng nhận thấy cần điều chỉnh trong nhiều chuyện. Đơn cử như không chỉ quan tâm tới điểm số của con, mà hằng ngày, khi đưa - đón con đi học về, anh đều gợi ý để con kể lại chuyện trên lớp, cùng con xử lý những tình huống xảy ra, nhất là trong cách cư xử, giao tiếp với bạn bè, thầy cô giáo… Những điều ấy là minh chứng cho tính cần thiết của việc triển khai giảng dạy đại trà tài liệu, vì không chỉ cần cho việc học, giáo dục HS mà còn có tác dụng với toàn xã hội trong việc xây dựng nếp sống có văn hóa.

Gợi mở nhiều vấn đề thực tiễn

Sự thành công của bộ tài liệu còn gợi mở một ý nghĩa khác. Đó là cách triển khai vấn đề để đưa vào làm một nội dung giáo dục trong các nhà trường hiện nay. Cụ thể như vấn đề giáo dục đạo đức, Hà Nội đã chọn riêng phần giáo dục nếp sống, trong đó đưa ra những kiến thức cụ thể, gần gũi để định hướng hành vi cho các em như cách chào hỏi, ăn trong gia đình, ăn bán trú ở trường, cách đi, đứng, trang phục ở nhà, trang phục tới trường, các hành vi đúng, đẹp khi tham gia giao thông, giao tiếp với mọi người… Vì thế nên dễ gây hứng thú với HS, giúp các em không chỉ tiếp nhận kiến thức, mà còn mong muốn, cố gắng làm theo những điều đã được học. Với cách truyền đạt kiến thức không chỉ bằng kênh chữ, mà còn qua kênh hình, các tài liệu bổ trợ… bộ tài liệu đã gợi mở cho những người quản lý ngành phương án triển khai những vấn đề giáo dục đang được quan tâm hiện nay, như giáo dục kỹ năng sống, bảo vệ môi trường, an toàn giao thông, phòng chống bạo lực học đường…

Cách triển khai vấn đề đơn giản, nhẹ nhàng mà cụ thể, đi vào những vấn đề rất đời thường đã khiến bộ tài liệu nhận được sự đánh giá tích cực của nhiều nhà quản lý giáo dục. Ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT) đánh giá, đây là cách làm rất sáng tạo của Sở GD-ĐT Hà Nội với thành quả là bộ tài liệu không chỉ mang ý nghĩa khoa học, mà còn gắn với yêu cầu của thực tế dạy học. Đó là khơi dậy sự chủ động, tạo điều kiện để giáo viên sáng tạo, khích lệ việc đổi mới phương pháp trong mỗi bài giảng khi tìm tòi, đưa thêm những tình huống, câu chuyện để tổ chức cho HS thảo luận, đánh giá. Với việc không làm quá tải chương trình, không trùng lặp với nội dung đã có trong các sách giáo khoa, tài liệu còn khắc phục được nhược điểm phổ biến hiện nay là hạn chế yếu tố lý luận, hàn lâm. Kiến thức truyền đạt cho HS được thể hiện một cách có hệ thống theo nguyên tắc đồng tâm - tiên tiến, phù hợp với lứa tuổi HS từ tiểu học, THCS đến THPT. Hình thức này còn gợi ra cho giáo viên cách thức kiểm tra, đánh giá HS không chỉ dựa vào kiến thức thu nhận qua một bài học cụ thể, mà còn kiểm tra được cả quá trình nỗ lực của HS khi chuyển từ nhận thức đến hành vi.

Với những ưu điểm được khẳng định, nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc cùng các ý kiến tại hội nghị thống nhất việc nên triển khai đại trà càng sớm càng tốt, vừa dạy vừa rút kinh nghiệm trong phương pháp, bổ sung nội dung. Theo đó, mỗi HS có thể được đề nghị có một cuốn sổ nhỏ ghi một việc tốt của mình trong ngày, để hằng ngày, ở các trường học, từng HS đều phấn đấu làm được ít nhất một việc tốt. Mỗi năm, mỗi HS làm được 365 việc tốt, nhân lên hàng triệu HS hiện nay thì xã hội sẽ tốt đẹp hơn rất nhiều.

Chắc chắn, đó còn là mong muốn của nhiều người yêu Hà Nội...

- 5 nội dung chính của bộ tài liệu:
+ Khái niệm thanh lịch, văn minh
+ Phong cách thanh lịch, văn minh
+ Giao tiếp thanh lịch, văn minh
+ Ứng xử thanh lịch, văn minh nơi công cộng
+ Ứng xử thanh lịch, văn minh với thiên nhiên môi trường
- Bộ tài liệu được biên soạn cho các lớp khối phổ thông (trừ lớp 12). Dung lượng ở tiểu học là 40 tiết, THCS 18 tiết và THPT 18 tiết trong một năm.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bước chuyển từ nhận thức tới hành vi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.