(HNMO) - Hội chợ việc làm cho thanh niên khuyết tật do Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội phối hợp Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội tổ chức từ ngày 8 đến 9-9-2022 tại số 215 phố Trung Kính, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội. Tính đến ngày 26-10, sau khoảng 1,5 tháng tổ chức, nhiều bước chuyển tích cực đã được ghi nhận từ hoạt động hội chợ nhiều ý nghĩa thực tiễn này.
Thay đổi nhận thức về việc làm cho người khuyết tật
Hội chợ việc làm cho thanh niên khuyết tật là một trong các hoạt động ý nghĩa trong khuôn khổ thực hiện dự án “Tư vấn cầu nối tới tương lai: Hội chợ việc làm cho thanh niên trong khối ASEAN tại Việt Nam” do Quỹ Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN Foundation) tài trợ và được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt thực hiện tại Quyết định số 2879/QĐ-UBND ngày 15-8-2022.
Ngay tại hội chợ, đã có 41 doanh nghiệp tham gia với tổng số 1.107 chỉ tiêu, trong đó, có 25 doanh nghiệp tuyển dụng, tuyển sinh lao động là người khuyết tật với 889 chỉ tiêu.
Thông qua hội chợ, những thông tin về nhu cầu tuyển dụng, tuyển sinh, thông tin về các doanh nghiệp sẵn sàng sử dụng lao động người khuyết tật và có vị trí việc làm phù hợp với người khuyết tật có thể đến với những người có nhu cầu việc làm một cách dễ dàng thông qua hệ thống thông tin “phủ sóng” khắp các sàn giao dịch việc làm của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Giám đốc Trung tâm Đào tạo cung ứng nhân lực Hàng không Tống Quang Hải chia sẻ: “Một trong những yếu tố khiến cho Hội chợ việc làm cho thanh niên khuyết tật mang ý nghĩa lâu dài, thiết thực, đó là không chỉ cung cấp hàng nghìn cơ hội việc làm, hội chợ đã góp phần vào sự thay đổi nhận thức về việc làm cho người khuyết tật. Đơn cử như việc làm cho ngành Hàng không, thông thường mọi người sẽ nghĩ đây là ngành rất khắt khe trong chọn người làm, nên cơ hội việc làm cho người khuyết tật hầu như không có".
Nhưng khi người khuyết tật đến với bàn tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh, tuyển dụng, họ đã hiểu ra người khuyết tật có rất nhiều tiềm năng công việc với ngành Hàng không. Tất cả thanh niên bị khiếm khuyết về chức năng vận động, nếu thực sự muốn làm việc, thông minh, mắt tinh, tai thính, có khả năng sử dụng máy vi tính, có giọng nói truyền cảm... đều có thể chọn lựa được công việc phù hợp năng lực, đơn cử như tham gia nghề tư vấn, tuyển sinh; làm nghề phát thanh viên, trực tổng đài tại sân bay; hoặc ngồi bán vé máy bay giờ chót, xử lý tình huống thất lạc đồ đạc tại sân bay.
"Họ cũng có thể được đào tạo để trở thành giáo viên dạy và hướng dẫn cho tiếp viên hỗ trợ hành khách là người khuyết tật đi máy bay, có hành động thay lời nói để tiếp viên hiểu người khuyết tật cần gì. Và đương nhiên, họ cũng có thể học tập để tham gia tuyển sinh ngành Hàng không, hoặc trở thành tiếp viên bán vé máy bay, làm đại lý bán vé máy bay online cho các hãng…”, ông Tống Quang Hải nói.
Hỗ trợ người khuyết tật tự tin
Theo thống kê của Ủy ban Quốc gia người khuyết tật Việt Nam, trong số hơn 6,4 triệu người khuyết tật hiện nay, chỉ có 31,7% nằm trong lực lượng lao động. Trong bối cảnh ấy, những sự kiện như Hội chợ việc làm dành cho thanh niên khuyết tật càng thêm ý nghĩa, bởi hơn cả những con số, chỉ tiêu tuyển dụng, các hoạt động tương tác, tư vấn, hội thảo tại hội chợ đã giúp người khuyết tật tự tin tìm kiếm cơ hội việc làm để hòa nhập cộng đồng.
Anh Văn Ngọc Tuyền (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi bị khiếm thị từ nhỏ. Gia đình không yêu cầu tôi đi làm, nhưng bản thân tôi rất muốn được học thêm các nghề mới, có thể làm việc có thêm thu nhập để cuộc sống vui và ý nghĩa hơn. Trước đây, tôi từng bán mồi câu, cần câu cá ở chợ, nhưng đã dừng bán khi đợt dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Ở nhà, tôi cũng làm vườn, trồng cây ăn quả, nhưng do mắt kém, việc làm vườn dễ bị va đập khiến mắt bị đau hơn, nên tôi mong muốn tìm một công việc mới, giúp phát triển bản thân nhiều hơn. Đến với hội chợ việc làm, tôi được lắng nghe, học hỏi từ các anh, chị cùng cảnh ngộ nhưng đã tìm được các công việc phù hợp, được tư vấn về đào tạo, về thị trường việc làm, thực sự thấy rất nhiều cơ hội đang mở ra cho mình”.
Còn chị Đinh Thị Cúc (xã Tuy Lai, Mỹ Đức) cho biết: “Tôi bị khiếm thính, có con còn nhỏ nên khó đi làm xa nhà. Đến với hội chợ, qua tư vấn của các nhà tuyển dụng, tôi dự định học nghề may, bởi đây là công việc có thể phát huy tư duy, kỹ năng, cũng như sự thuần thục của đôi tay, từ đó có thêm nguồn thu nhập cho gia đình”.
Có thể nói, thông qua sự hợp tác chặt chẽ giữa Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội và Hội Người khuyết tật Hà Nội, sự kết nối giữa các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh với lao động là người khuyết tật ngày càng được tăng cường, gắn bó.
Ông Võ Quang Vũ, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Hàng không Đà Nẵng chia sẻ: “Hội chợ được tổ chức đúng dịp tôi có chuyến công tác tại Hà Nội. Đến hội chợ, gặp gỡ, trao đổi với bạn bè, đối tác, người lao động, có thể thấy, đây thực sự là một sự kiện ý nghĩa, tạo cơ hội, công ăn việc làm cho những bạn không may mắn. Từ việc tham gia hội chợ lần này, tôi nung nấu mở rộng đối tượng tuyển dụng, ưu tiên những thanh niên khuyết tật có khả năng sử dụng tốt điện thoại, máy vi tính vào hoạt động bán vé máy bay online, có khả năng tham gia giảng dạy, tuyển sinh, tư vấn online.
Lắng nghe chia sẻ của người khuyết tật, tôi thấy rằng, nếu họ có được sự đồng cảm, thương yêu, với nghị lực của bản thân và được đào tạo bài bản, chắc chắn họ có thể đóng góp nhiều hơn cho xã hội. Tôi vui vì được góp sức tạo việc làm cho mọi người nói chung, người khuyết tật nói riêng, giúp họ có thêm nguồn thu nhập chính đáng”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.