Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bước chuyển ở một làng quê ven đô

Minh Huệ| 30/11/2013 08:57

(HNMO)- Tiệc mừng lễ thành hôn của đôi bạn trẻ tuy vẫn còn tổ chức tiệc mặn nhưng đã bó hẹp trong phạm vi họ hàng và người thân thích. Đây được coi là thành công bước đầu...

Mời dự đám cưới trên loa truyền thanh...

Người xưa có câu “lời chào cao hơn mâm cỗ”. Đây là một nét đẹp, thể hiện văn hóa trong cách cư xử hàng ngày của người Việt Nam. Bởi thế, đối với việc cưới hỏi- một việc hệ trọng của cả đời người, nhất là ở các làng quê, thì việc đi mời anh em họ hàng, làng xóm, bạn bè đến chia vui rất được gia chủ chú trọng, không thể xem nhẹ. Song, xoay quanh việc đi mời đám cưới ở làng xóm cũng xảy ra nhiều chuyện rích rắc.

Giống như nhiều làng quê khác, ở làng Nhân Hòa, bất kỳ đám cưới nào, buổi chiều ngày “bắc rạp” (chuẩn bị cho hôm sau là ngày lễ thành hôn), quan họ và gia đình phải phân công từng nhóm các con, các cháu đi mời dân làng buổi tối đến ăn trầu, uống nước và mừng cho gia chủ. Nghe thì đơn giản, nhưng việc đi mời cũng tốn khá nhiều thời gian và công sức, hơn thế đôi khi người đi mời không đến nơi đến chốn còn bị dân làng chê trách.

Để bớt đi công đoạn này mà vẫn tròn vẹn “tình làng, nghĩa xóm”, khoảng 7 năm trước, các cụ cao tuổi trong làng Nhân Hòa đã có “sáng kiến” và họp bàn cùng dân làng, rồi đi đến thống nhất: Bất kỳ đám cưới nào trong làng, thay vì phải cắt cử con cháu chiều hôm bắc rạp đi mời từng gia đình trong làng, trong xóm để buổi tối dân làng đến uống nước, chia vui cùng gia chủ, thì trong ngày bắc rạp nội dung mời sẽ được truyền tải đến dân làng qua hệ thống loa truyền thanh của thôn. Nội dung lời mời trên loa truyền thanh bảo đảm đầy đủ và rất trang trọng: “Mời đám cưới. Gia đình ông, bà... tổ chức lễ thành hôn cho con trai (gái): chú rể là cháu..., cô dâu là cháu... Tiệc chính được tổ chức vào...giờ ngày mai ngày... Gia đình trân trọng kính mời các cụ, dân làng, họ hàng nội ngoại, tối ngày hôm nay tới nhà ông, bà... ở ngõ, thôn Nhân Hòa ăn trầu, uống nước, mừng vui cùng gia đình và hạnh phúc của hai cháu. Thay mặt gia đình ông..., bà...; chú rể (hoặc cô dâu)...”. Lời mời này được phát trên loa truyền thành vào buổi sáng, buổi trưa và buổi chiều (đọc 3 lần/buổi) trong ngày bắc rạp vì thế nhân dân trong làng ai cũng biết.

Tối hôm bắc rạp tại một đám cưới ở làng Nhân Hòa, người dân trong làng đến chúc mừng gia đình và hạnh phúc đôi bạn trẻ


Theo người dân trong làng, thời gian đầu thực hiện mời dân làng đến dự đám cưới trên loa truyền thanh của thôn nghe cũng thấy ái ngại, nhưng chỉ một thời gian sau rồi mọi người cũng thấy quen và thành nếp, các gia đình có đám cưới đều thực hiện. Khỏi phải nói hiệu quả mà nó đem lại, dân làng ai cũng vui vẻ đến uống nước, ăn trầu và mừng vui cùng gia chủ. Thấy văn minh, một số thôn quanh vùng thời gian gần đây cũng học tập và thực hiện cách mời dự đám cưới trên loa truyền thanh của thôn như thôn Nhân Hòa.

Dân làng chỉ mừng nhưng không ăn cỗ

Tiếp theo việc thực hiện mời dân làng đến dự đám cưới qua hệ thống loa truyền thanh của thôn, từ đầu năm nay, nhân dân trong làng Nhân Hòa đã họp bàn và đi đến thống nhất: Để tiết kiệm, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tất cả các đám cưới trong làng, tuy vẫn tổ chức tiệc mặn vào ngày chính tiệc nhưng thành phần dự tiệc chỉ là người trong họ hàng nội, ngoại, bạn bè thân thiết của gia chủ, còn dân làng chỉ đến ăn trầu, uống nước và mừng cho gia chủ vào buổi tối hôm trước (tức là tối hôm bắc rạp).

Để biến “nghị quyết” của dân làng thành hiện thực, các gia đình có đám cưới vẫn duy trì việc đi mời họ hàng nội, ngoại đến uống nước vào chiều tối trước hôm bắc rạp để bàn bạc và sắp xếp công việc cho buổi lễ thành hôn. Còn đối với dân làng vẫn duy trì việc mời dự đám cưới trên loa truyền thanh của thôn vào hôm bắc rạp. Tuy nhiên, nội dung mời dân làng trên loa truyền thanh đã có sự thay đổi căn bản để dân làng chỉ đến ăn trầu, uống nước và mừng cho gia chủ vào tối hôm bắc rạp nhưng hôm sau sẽ không đến dự chính tiệc (ăn cỗ cưới).

Nội dung lời mời dân làng đến dự đám cưới trên loa truyền thanh của thôn Nhân Hòa được thay đổi như sau: “Mời đám cưới. Gia đình ông, bà... tổ chức lễ thành hôn cho con trai (gái): chú rể là cháu..., cô dâu là cháu... vào... ngày mai ngày... Gia đình trân trọng kính mời các cụ, dân làng, họ hàng nội ngoại, tối ngày hôm nay tới nhà ông, bà... ở ngõ, thôn Nhân Hòa ăn trầu, uống nước, mừng vui cùng gia đình và hạnh phúc của hai cháu. Thay mặt gia đình ông..., bà...; chú rể (hoặc cô dâu)...”.

Trên thực tế, thời gian đầu thực hiện cũng thật khó. Bởi các gia đình có đám cưới rơi vào thời điểm bắt đầu áp dụng “nghị quyết” của làng vẫn còn nặng tâm lý sợ mang tiếng vì “không trả nợ miệng” làng nước được đến nơi, đến chốn. Họ có suy nghĩ, trước cưới con nhà người ta, mình đi mừng (tất nhiên là mừng tiền) và người ta làm cỗ mời mình ăn, nay người ta cũng mừng mình mà mình không làm cỗ mời lại! Thế nhưng, đã là “nghị quyết” của làng, được hầu hết đại diện các gia đình trong làng thống nhất áp dụng thì phải nghiêm túc thực hiện, hơn thế, hầu hết người dân trong làng buổi tối hôm trước đến mừng gia chủ, đều tế nhị tìm cách từ chối khéo không đến ăn cỗ để gia chủ biết và tính toán được số lượng khách đến dự mà làm số cỗ cho hợp lý.

Người dân trong làng đến mừng gia đình, hạnh phúc của đôi bạn trẻ vào buổi tối hôm bắc rạp, hôm sau không ăn cỗ nhưng đám cưới vẫn tràn ngập niềm vui, với những tiết mục văn nghệ "cây nhà, lá vườn"


Đến thời điểm này, sau gần một năm thực hiện “nghị quyết” “dân làng chỉ đến mừng cho gia chủ chứ không ăn cỗ” tại các đám cưới ở làng Nhân Hòa đã đi vào nền nếp và đã tiết kiệm được rất nhiều: Trước đây, bình quân mỗi đám cưới trong làng vào ngày chính tiệc làm đến cả trăm mâm cỗ, thì nay, mỗi đám cưới chỉ còn vài chục mâm. Nhưng không vì thế mà không khí trong ngày lễ thành hôn ở mỗi đám cưới tại làng Nhân Hòa bớt đi vui vẻ, hay kém sự trang trọng, mà có thể nói là ngược lại. Mỗi đám cưới vẫn nhận được đầy đủ sự chúc mừng, chia vui của người dân trong làng.

Bây giờ, hầu hết người dân trong làng đều nhận ra được cái tích cực, cái văn minh của việc “người làng chỉ đi mừng chứ không ăn cỗ” đám cưới. Bởi, gia đình có đám cưới cũng bớt đi việc chạy đôn, chạy đáo để lo cỗ cưới; còn với người làng họ vẫn đến uống nước, ăn trầu và chia vui cùng gia chủ, món quà mừng của họ thật sự mang một ý nghĩa khác nhằm góp phần tạo chút vốn để đôi bạn trẻ bắt tay vào xây dựng tổ ấm hạnh phúc lâu dài; chứ không còn mang nặng hình thức “tôi mừng anh, anh mừng tôi” và ràng buộc nhau phải “trả nợ miệng” cùng với những lời bình phẩm “cỗ nhà này to”, “cỗ nhà kia bôi bác”.

Dẫu vậy, đây mới chỉ là sự chuyển biến bước đầu trong việc cưới ở làng Nhân Hòa- một làng ven đô. Trong lòng không ít người dân ở làng quê này vẫn thầm mong và tin rằng, một ngày không xa, những đám cưới trong làng thay vì “mâm cao, cỗ đầy” sẽ là tiệc trà, tiệc ngọt, mà vẫn tràn đầy niềm vui, sự trang trọng và ấm cúng “tình làng nghĩa xóm”. Niềm tin của họ có cơ sở, bởi tạm thời không nhắc đến việc cưới (việc hỷ), đối với văn minh trong việc hiếu (việc tang) đã được người dân trong làng duy trì thành nền nếp từ hơn 20 năm nay.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bước chuyển ở một làng quê ven đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.