Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bước chuyển mạnh mẽ của VNPT

Châu Anh| 01/03/2017 06:49

(HNM) - Từ đầu năm đến nay, Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã liên tiếp triển khai các dự án về công nghiệp công nghệ thông tin bằng việc khởi công xây dựng nhà máy sản xuất và ký hợp đồng với đối tác nước ngoài.

Khởi công nhà máy sản xuất sợi quang

Sáng 18-2, Công ty Postel (thuộc VNPT) đã khởi công xây dựng nhà máy sản xuất sợi thủy tinh dùng cho thông tin quang phục vụ cho việc sản xuất cáp quang đầu tiên của VNPT và cũng là đầu tiên của Việt Nam. Nhà máy này được xây dựng trên diện tích hơn 5.000m2, nằm trong tổ hợp công nghiệp Postel tại Khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh. Tổng mức đầu tư cho nhà máy lên tới hơn 287 tỷ đồng (trong đó chi phí đầu tư máy móc thiết bị là hơn 200 tỷ đồng). Một điểm đáng chú ý, toàn bộ dây chuyền và thiết bị công nghệ chính của nhà máy mang tính đồng bộ cao và thuộc hàng hiện đại nhất hiện nay do đối tác

sản xuất thiết bị công nghiệp hàng đầu thế giới Rosendahl Nextrom (Phần Lan) cung cấp; giải pháp công nghệ do đối tác của Nhật Bản tư vấn… Dự kiến, nhà máy sẽ hoàn thành và đi vào sản xuất từ đầu năm 2018, với tổng sản lượng theo thiết kế là 3,2 triệu ki lô mét sợi/năm. Nhà máy sẽ cho ra lò sợi thủy tinh dùng cho các loại sợi quang theo tiêu chuẩn quốc tế G654D, G655 và G657, kỳ vọng sẽ trở thành nhà máy sản xuất sợi thủy tinh hàng đầu tại Việt Nam và trong khu vực.

Trước đây, VNPT và các công ty sản xuất cáp quang trong nước hoàn toàn phải nhập lõi sợi thủy tinh từ nước ngoài. Với việc khởi công xây dựng nhà máy này, VNPT sẽ hoàn toàn chủ động trong việc cung cấp vật liệu lõi cho quá trình sản xuất sợi quang của mình cũng như cung cấp cho các đối tác khác trong và ngoài nước. Với công suất như trên, 40% sản lượng sản phẩm sẽ dành để phục vụ nhu cầu của Postel, 50% sẽ cung cấp cho các doanh nghiệp sản xuất cáp khác trong nước (trong đó có cả các doanh nghiệp của VNPT) và 10% sẽ xuất khẩu. Năm 2016, mảng sản xuất công nghệ công nghiệp của VNPT nói chung và mảng sản xuất cáp quang nói riêng đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. 91.000km cáp quang đã được ra lò, cung cấp cho nhu cầu của các đối tác trong nước và quốc tế.

Tại buổi khai trương nhà máy, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm đã đánh giá cao quyết định đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất sợi thủy tinh dùng cho thông tin quang của VNPT. Việc xây dựng nhà máy không chỉ giúp VNPT chủ động trong quá trình sản xuất sợi quang của mình, mà còn giúp nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật và làm chủ công nghệ cao của Việt Nam, bảo đảm an toàn thông tin, góp phần phát triển và giúp sớm hiện đại hóa hạ tầng mạng của quốc gia.

Đón đầu những công nghệ mới nhất

Ngày 22-2, VNPT Technology (thành viên của VNPT) đã ký kết thỏa thuận với Tập đoàn Qualcomm (Hoa Kỳ) để sử dụng bản quyền công nghệ (có giá trị trong vòng 10 năm). Với thỏa thuận này, VNPT Technology và tất cả các công ty thành viên sẽ chính thức được sử dụng hàng loạt bằng sáng chế liên quan đến các công nghệ về WCDMA, 4G, 5G… có giá trị toàn cầu do Qualcomm thiết kế, phát triển và sản xuất các sản phẩm chất lượng cao như smartphone, thiết bị truy nhập vô tuyến macrocell, microcell, thiết bị 3G, 4G-LTE… cũng như các sản phẩm, thiết bị internet kết nối vạn vật (IoT) trong làn sóng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Tại lễ ký kết, lãnh đạo Qualcomm tại Việt Nam - Lào - Campuchia cũng cho biết, có tới 119.000 bằng sáng chế trong lĩnh vực công nghệ với hơn 300 đối tác trên toàn cầu. Cùng với việc thỏa thuận chia sẻ bản quyền công nghệ, Qualcomm cũng chia sẻ với đối tác của Việt Nam những thiết kế tham chiếu, công cụ phát triển sản phẩm, công cụ kiểm tra chất lượng sản phẩm, công cụ trong sản xuất. Ngoài ra, Qualcomm cũng đào tạo, chuyển giao công nghệ cho các kỹ sư của VNPT Technology nhằm hỗ trợ VNPT thiết kế các sản phẩm mới dựa trên chipset của Qualcomm như các thiết bị cầm tay dành cho người dùng cuối, thiết bị mạng 4G/5G, các thiết bị đeo (wearable devices)…

Sau tái cấu trúc, mảng sản xuất công nghệ, công nghiệp của VNPT đã đưa ra thị trường hàng triệu sản phẩm, thiết bị viễn thông. Tập đoàn cũng xác định đây là bước sẵn sàng để đáp ứng sự phát triển của kỷ nguyên IoT. Đồng thời, VNPT cũng đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, phát triển (R&D) và việc hợp tác với Qualcomm chính là tiền đề để VNPT tăng cường các tính năng cho những sản phẩm sẵn có, vừa để đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước, vừa xuất khẩu.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bước chuyển mạnh mẽ của VNPT

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.