(HNM) - Với
Nằm ở Trung Âu, Đức hiện là một trong những nước công nghiệp phát triển nhất thế giới với nền kinh tế mạnh và năng động, nhiều lĩnh vực khoa học và công nghệ cao. Với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) khoảng 3.248 tỷ USD, nhiều năm qua Đức là trụ cột kinh tế quan trọng của cả châu Âu và Liên minh châu Âu (EU). Tuy cũng chịu nhiều tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, song Đức là một trong những quốc gia có tốc độ phục hồi nhanh nhất. Chương trình kích cầu và gói cứu trợ của Chính phủ Đức đã giúp ổn định nhu cầu nội địa, giữ vững chỉ số việc làm. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Đức năm 2010 đạt 3,5%, tăng trưởng quý II năm 2011 đạt hơn 2%. Với tiềm lực ngày càng lớn mạnh, nước Đức đang có vai trò quan trọng trong đời sống chính trị quốc tế, đặc biệt trong quá trình khu vực hóa và toàn cầu hóa.
Nhiều năm qua, Đức và Việt Nam đã xây dựng và duy trì mối quan hệ hợp tác song phương hết sức bền chặt. Ngay từ năm 1955, những thiếu niên Việt Nam đầu tiên đã sang Đức học tập. Đến nay, cộng đồng người Việt đang sinh sống và làm việc tại Đức đã lên tới khoảng 100.000 người. Đây là nhịp cầu quan trọng kết nối tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước.
Đức là một trong những đối tác quan trọng nhất ở châu Âu, chiếm 19% xuất khẩu của Việt Nam sang EU, đồng thời cũng là cửa ngõ trung chuyển quan trọng của hàng hóa Việt Nam sang các thị trường khác ở châu Âu. Chính giới Đức, dù là đảng cầm quyền hay đối lập, đều đánh giá cao sự phát triển và vị trí của Việt Nam ở khu vực Đông Nam Á. Là nền kinh tế hướng tới xuất khẩu, Đức coi Việt Nam là thị trường có tiềm năng phát triển nhanh ở châu Á (chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ). Nhiều tập đoàn hàng đầu của Đức (Siemens, Metro, Mercedes-Benz, Deutsche Bank, Allianz...) đã mở cơ sở và cam kết đầu tư lâu dài ở Việt Nam. Ngoài ra, Đức là một trong những nước thường xuyên cung cấp các khoản viện trợ phát triển trực tiếp (ODA) cho Việt Nam. Với hơn 1 tỷ euro từ năm 1990 đến nay, các dự án ODA của Đức tại Việt Nam tập trung vào 3 lĩnh vực trọng tâm nhằm hỗ trợ cải cách kinh tế, phát triển bền vững và chính sách môi trường đã cho nhiều kết quả tích cực. Trên diễn đàn đa phương, Đức cũng dành nhiều ủng hộ mạnh mẽ cho Việt Nam, gần đây nhất là việc sớm khởi động đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa EU và Việt Nam.
Chiều sâu trong quan hệ giữa hai nước còn được thể hiện qua những thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực từ chính trị, kinh tế đến văn hóa, giáo dục, đào tạo. Đặc biệt, năm 2010, tổng giá trị trao đổi thương mại hai nước đạt 4,115 tỷ USD, tăng 18,5% so với năm 2009. Trong 7 tháng đầu năm 2011, xuất khẩu của Việt Nam sang Đức đạt 1,7836 tỷ USD, tăng 42% trong khi nhập khẩu từ Đức đạt 1,1008 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2010.
Tuy nhiên, hợp tác thời gian qua vẫn chưa xứng với tiềm năng của hai nước. Vì vậy, bản tuyên bố nâng tầm quan hệ lên đối tác chiến lược vừa được ký kết đã đặt dấu mốc mới quan trọng trong lịch sử quan hệ Việt - Đức. Qua đó, hướng trọng tâm vào 5 lĩnh vực hợp tác then chốt: Hợp tác chính trị chiến lược; thương mại và đầu tư; tư pháp và pháp luật; phát triển và bảo vệ môi trường; giáo dục, khoa học, công nghệ, văn hóa, truyền thông và xã hội. Đúng như Thủ tướng A. Merkel đã nói: "Đó chính là nền móng mới để hai nước mở rộng hợp tác trên tất cả các lĩnh vực ở tầm cao chiến lược".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.