(HNM) - Bulgaria đang có dấu hiệu lún sâu vào khủng hoảng chính trị sau khi nỗ lực mới nhất nhằm thành lập chính phủ của các đảng không mang lại kết quả. Điều này đồng nghĩa với việc xứ sở Hoa hồng sẽ phải tổ chức cuộc bầu cử lần thứ 4 trong vòng 18 tháng. Tuy nhiên, bầu cử chưa chắc đã mang lại sự ổn định cho nước này khi chia rẽ nội bộ còn nghiêm trọng, khủng hoảng năng lượng có nguy cơ gia tăng khi mùa đông đang tới gần.
Khủng hoảng chính trị tại Bulgaria lần này bắt nguồn từ việc chính phủ của Thủ tướng Kiril Petkov không vượt qua được cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm vào cuối tháng 6 vừa qua. Việc này khiến ông Kiril Petkov buộc phải từ chức. Tổng thống Bulgaria Rumen Radev đã trao nhiệm vụ cho Phó Thủ tướng Asen Vassile chủ trì các cuộc đàm phán thành lập liên minh cầm quyền để tránh rơi vào cảnh phải tổ chức tổng tuyển cử một lần nữa. Tuy nhiên, sau nhiều nỗ lực, hai đảng lớn nhất tại Bulgaria là đảng Chúng tôi tiếp tục thay đổi (WCC) của Thủ tướng mãn nhiệm Kiril Petkov và đảng Công dân vì sự phát triển châu Âu (GERB) của cựu Thủ tướng Boyko Borisov đều không thể huy động đủ liên minh chiếm đa số của 240 ghế tại quốc hội nước này. Trong nỗ lực cuối cùng, đảng Xã hội Bulgaria (BSP) đã kêu gọi thành lập liên minh với WCC và đảng Dân chủ (PP). Thế nhưng, GERB và Liên minh Các lực lượng dân chủ (UDF) cùng 2 đảng nhỏ khác trong quốc hội đã từ chối tham gia bỏ phiếu về đề xuất chương trình làm việc 6 tháng cho chính phủ liên minh mới. Động thái này buộc Tổng thống Bulgaria Rumen Radev sớm phải giải tán quốc hội, chỉ định chính phủ tạm quyền và triệu tập tổ chức bầu cử, dự kiến diễn ra vào tháng 10 tới.
Xét tình hình hiện nay, các nhà phân tích dự báo kết quả bầu cử sẽ vẫn dẫn tới một quốc hội mà ở đó không đảng nào giành được thế đa số và các nỗ lực thành lập chính phủ mới sau đó cũng sẽ không dễ dàng. Số liệu hầu hết các cuộc thăm dò dư luận cũng cho thấy, cuộc bầu cử mới sẽ vẫn dẫn tới một quốc hội chia lẻ cho 7 đảng, trong đó GERB dẫn đầu với 21,5-23,6% số phiếu và PP về nhì với 20,2-21,5% số phiếu.
Bất ổn chính trị tiếp diễn có thể sẽ càng khiến cuộc khủng hoảng kinh tế tại Bulgaria thêm trầm trọng trong bối cảnh lạm phát đã lên tới 15,6%, mức cao nhất kể từ năm 1998. Tình hình sẽ diễn biến phức tạp hơn trong mùa đông tới nếu nội các không tìm kiếm được nguồn cung khí đốt thay thế sau khi Nga ngừng cung cấp khí đốt cho nước này, trong khi hơn 90% khí đốt tiêu thụ ở Bulgaria nhập từ Nga. Mặc dù chính phủ Bulgaria đã nhất trí mua khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ và tăng cường đàm phán với Azerbaijan để nhập thêm khí đốt, tuy nhiên, nhu cầu sử dụng của người dân vào mùa đông sẽ tăng mạnh khiến cho nguồn cung thay thế khó có thể bảo đảm.
Dự kiến, tăng trưởng kinh tế của Bulgaria cuối năm 2022 vào khoảng 2,8% và năm 2023 là 2,3%. Việc giá cả tăng cao sẽ khiến số người nghèo tại đất nước này gia tăng. Hiện tại, tỷ lệ nghèo đói đang là 23,8%, cao nhất trong số các thành viên của Liên minh châu Âu (EU). Tỷ lệ thất nghiệp vào khoảng 4,3%, trong đó 11,7% thanh niên không có việc làm. Kinh tế lao dốc sẽ làm trầm trọng hơn tình trạng thất nghiệp, thu nhập của các hộ gia đình giảm sút. Nếu hệ thống phúc lợi của chính phủ không bảo đảm được khả năng hỗ trợ cho người dân, bất ổn xã hội sẽ gia tăng.
Việc thiếu một cơ quan lập pháp hoạt động hiệu quả cũng cản trở Bulgaria tiếp cận gói cứu trợ trị giá 5,7 tỷ euro từ EU cũng như kế hoạch của nước này tham gia Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) vào năm 2024. Nếu các đảng phái tại Bulgaria không tìm được tiếng nói chung vì mục tiêu phát triển của đất nước, quốc gia vùng Balkan này sẽ khó tìm được lối ra trong vòng xoáy của khủng hoảng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.