Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bùi Thạc Chuyên: ''Tôi làm phim vì thấy mình như mắc nợ''

TUYETMINH| 08/11/2005 09:03

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên vừa làm xong bộ phim nhựa đầu tay

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên vừa làm xong bộ phim nhựa đầu tay "Sống trong sợ hãi" bằng công nghệ quay thu đồng bộ. Phim sẽ ra mắt khán giả trong tháng 11. Chúng tôi có cuộc trao đổi với anh xung quanh tác phẩm điện ảnh này.

- Bộ phim "Sống trong sợ hãi" của anh trước đây có một cái tên khác. Vì sao anh lại đổi tên phim?

- Trước đây tên của nó là “Đất lành” và “Từ dưới lên”. Tôi đổi tựa vì bản thân bộ phim toát lên điều ấy. Phim của tôi nói về một mảnh đất của miền Trung, nơi con người quanh năm cày cuốc trên những mảnh ruộng đầy bom mìn.

Tại sao anh không chọn phim nhựa đầu tay mang đề tài về giới trẻ, như vậy sẽ sôi động hơn nhiều?

- Tôi không nghĩ đề tài của mình là “già”, đề tài về giới trẻ hiện nay rất được chuộng, nhưng phim chọn tôi chứ tôi không chọn phim. Phim về giới trẻ, có thể tôi chưa gặp lúc, vì mỗi bộ phim đều có số phận, nó chợt đến và tôi bắt gặp, tôi làm. Hơn nữa, đề tài về giới trẻ tôi đã ấp ủ nhưng chưa có điều kiện để làm, vì làm một bộ phim nhựa không phải là dễ, tôi phải tìm nguồn đầu tư.

- Bộ phim “Sống trong sợ hãi” đã chọn anh như thế nào?

- Từ bộ phim tài liệu “Tay đào đất”, tôi có dịp tiếp xúc với những con người, những nhân vật, sự kiện trên mảnh đất ấy. Mặc dù sống và làm việc cùng họ một thời gian ngắn, nhưng tôi thấy mình như mắc nợ với mảnh đất con người này, và bộ phim Sống trong sợ hãi được gợi ra từ đấy. Tôi viết kịch bản bộ phim này hai năm về trước, gần đây mới có điều kiện để dựng nó.

- Làm xong bộ phim nhựa đầu tay, anh thấy thế nào?

Nhiều khó khăn quá. Phim của tôi cố gắng hoàn thiện trong điều kiện kinh phí cũng như trình độ hạn hẹp, vì đây là bộ phim được thu thanh đồng bộ, đấy là vấn đề không dễ dàng một chút nào. Vì hầu như các bộ phim được làm bằng tiền của nhà nước đều phải quay hình không, rồi làm tiếng sau, vừa rẻ vừa đỡ tốn thời gian.

- Dàn diễn viên trong phim của anh là người miền Nam. Anh thấy cách ứng xử với nghề của diễn viên trong đó khác gì so với diễn viên ngoài Bắc?

Chúng tôi khởi quay từ tháng 6, trong hai tháng thì xong. Tiếp xúc với diễn viên miền Nam, tôi thấy họ sống rất thật, chân tình. Nhìn chung, muốn biết diễn viên ứng xử ra sao với nghề của họ thì phải nhìn ở nhiều góc độ khác nhau. Ví như mỗi một bộ phim phải tạo được hứng thú cho diễn viên, kịch bản phải mang lại cảm xúc để họ thể hiện. Người diễn luôn khao khát thể hiện được mình trong vai diễn.

Cho dù diễn viên trong Nam hay ngoài Bắc thì đạo diễn vẫn phải tạo được cho họ sự trân trọng. Đừng bao giờ để diễn viên tiếp xúc với kịch bản với thái độ lạnh nhạt, mà phải để diễn viên có độ hứng thú và thích kịch bản. Không có sự so sánh giữa diễn viên miền Bắc hay miền Nam, cái quan trọng là đạo diễn đặt họ vào đúng nhân vật, đạo diễn mang một sợi dây tình cảm từ nhân vật đến với diễn viên.

Ngoài ra, chi phí cho diễn viên rất thấp, cứ tính một năm chỉ dựng vài ba phim nhựa, nhất là phim của nhà nước, cuộc sống diễn viên chật vật, nên yêu và theo nghiệp diễn cũng là điều khó.

- Có thể chính vì lẽ đó mà nền công nghiệp giải trí Việt Nam vẫn ở mức... sơ khai. Bản thân anh nghĩ sao?

- Tôi vừa tham dự Hội thảo ngành công nghiệp giải trí châu Á ở Nhật Bản về. Chỉ là người làm nghề nên tôi thích xem phim ảnh của các nước có gì hay và mới mẻ, chứ tôi không quan tâm lắm đến các con số. Nhưng sau chuyến đi, tôi nhận thấy rằng, cần phát triển mạnh một nền công nghiệp giải trí. Thật ra, công nghiệp giải trí Việt Nam thua kém các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ cũng là điều dễ hiểu, vì công nghiệp giải trí với ta còn là điều mới mẻ, chưa có thời gian để quan tâm đến nhiều.

Theo VNE

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bùi Thạc Chuyên: ''Tôi làm phim vì thấy mình như mắc nợ''

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.