(HNMO) - Một bức tranh đa chiều về cuộc sống, số phận của người phụ nữ Trung Quốc với những buồn khổ, hạnh phúc, cam chịu… được kể lại một cách sống động, chân thực qua tác phẩm “Hảo nữ Trung Hoa” của nhà văn Hân Nhiên. Cuốn sách đã được dịch và xuất bản tại Việt
Cuốn sách đã làm rung động hàng triệu trái tim độc giả trên khắp thế giới
Hân Nhiên (Xinran) sinh năm 1958 tại Bắc Kinh. Bà là nhà báo, người dẫn chương trình Khinh Phong Dạ Thoại (Lời trong gió đêm) của Đài phát thanh Nam Ninh. Khi làm chương trình, bà được lắng nghe những cuộc gọi đến của rất nhiều thính giả cũng như chia sẻ về câu chuyện cuộc đời họ. Hân Nhiên không chỉ trò chuyện mà còn gặp gỡ, thu thập tư liệu từ hàng ngàn phụ nữ bà đã phỏng vấn. Chương trình này đã đưa Hân Nhiên trở thành một trong những nhà báo thành công nhất của Trung Quốc. Năm 1997, bà tới Luân Đôn cùng con trai. Chính tại nơi đây, Hân Nhiên mới có thể viết lại những câu chuyện đã từng nghe, từng chứng kiến trong 8 năm làm việc tại Trung Quốc. Tháng 7 năm 2002, lần đầu tiên những câu chuyện này xuất hiện tại Anh trong cuốn sách có tên “Hảo nữ Trung Hoa” (The good women of
“Hảo nữ Trung Hoa” cho thấy những góc kín khuất nhất, và có lẽ, cũng đau đớn nhất của hàng triệu phụ nữ Trung Hoa từng bị vùi dập bởi hủ tục và lịch sử. Cuốn sách, trước hết là câu chuyện được kể lại một cách chân thực về những số phận khổ đau này, và bên cạnh đó cuốn sách còn ca về tình mẫu tử, về khát khao được sống, được yêu thương và hạnh phúc của những người đàn bà kỳ lạ này.
Một trong những câu chuyện đáng được lắng nghe và chia sẻ ấy là “Cô bé giữ ruồi làm vật nuôi”, hay chuyện về Hồng Tuyết, cô thiếu nữ bị cha đẻ lạm dụng suốt sáu năm trời. Cô độc, hoảng sợ và tuyệt vọng, Hồng Tuyết tìm nơi nương náu trong những viện điều dưỡng để trốn chạy người cha phi nhân tính. Năm mười bẩy tuổi, Hồng Tuyết lìa đời vì nhiễm trùng máu – căn bệnh cô cố tình gây ra để khỏi trở về ngôi nhà kinh hoàng của mình. “Người phụ nữ không được cha nhận ra” cũng là những dòng tâm sự đẫm nước mắt của một cô gái trẻ tên Hoa Nhi, người đã đánh mất cả tuổi trẻ và cảm giác hạnh phúc sau khi bị giày xéo cả về thể xác lẫn tâm hồn trong vòng xoáy lịch sử thảm khốc.
Những trang đẹp nhất của “Hảo nữ Trung Hoa” là chuyện kể về tình mẫu tử. Trước hết, đó là tình yêu thương Hân Nhiên dành cho con trai bé bỏng Phan Phan thấm đẫm qua từng ý nghĩ, nỗi ưu tư cũng như niềm hạnh phúc trong cuộc sống thường nhật và trong công việc…
“Hảo nữ Trung Hoa” còn là bức tranh đa diện về quan niệm tình yêu, hạnh phúc của những người phụ nữ Trung Hoa. Đó là tình yêu không thể lý giải được của “Người phụ nữ thời thượng”, là tình yêu chung thuỷ, khắc khoải trong đợi chờ của “Người đàn bà chờ đợi bốn mươi lăm năm”, là tình yêu “khác thường” của “Người đàn bà yêu đàn bà”…
Để có được những tư liệu cho Hảo nữ Trung Hoa, bên cạnh những lá thư, cuộc gọi đến chương trình phát thanh, từ năm 1980 đến năm 1987, Hân Nhiên đã phỏng vấn hơn 200 phụ nữ.
Chính những chi tiết chân thực, sống động trong mỗi câu chuyện mà Hân Hiên kể lại đã khiến hàng triệu độc giả trên khắp thế giới cảm động. Chẳng thế mà tờ The Washington Post đã dành nhiều lời khen tặng cho tác phẩm: “Sự bùng nổ trong từng chi tiết khiến mỗi câu chuyện đều gây chấn động. Những câu chuyện này đủ sức mạnh làm nên một tiểu thuyết hay”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.