(HNM) - Sau hơn 3 thập kỷ kể từ khi “bức màn sắt” được kéo xuống, báo hiệu sự kết thúc của chiến tranh Lạnh, châu Âu lại một lần nữa đứng trước cục diện đối đầu giữa Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Trong thế giằng co kịch liệt trên bàn cờ địa chính trị này, xung đột tại Ukraine đang trở thành chất xúc tác kích hoạt cuộc chạy đua vũ trang rầm rộ giữa 2 bên, hình thành một kịch bản nguy hiểm đối với an ninh toàn cầu.
Từ tình trạng đối thoại được duy trì thông qua Hiệp định hỗ trợ, hợp tác và an ninh, được ký kết năm 1997, quan hệ Nga và NATO đã quay trở lại thành đối thủ, với những đòn trả đũa lẫn nhau trên nhiều lĩnh vực. Ngay trong văn bản "Chiến lược mới với tầm nhìn đến năm 2030", NATO cũng xác định Nga là mối đe dọa trực tiếp và nghiêm trọng nhất đối với tổ chức này. Từ nhận định đó, tổ chức quân sự lớn nhất hành tinh đặt ra mục tiêu đến cuối thập kỷ này, sẽ tạo sức mạnh áp đảo với Mátxcơva bằng cách áp dụng các biện pháp tăng cường lực lượng thông thường và lực lượng hạt nhân; đồng thời, xây dựng các lực lượng có khả năng phản ứng linh hoạt, phối hợp nỗ lực quân sự, chính trị và kinh tế với các quốc gia là đối tác và chưa phải là thành viên của khối. Lực lượng sẵn sàng chiến đấu dự kiến sẽ tăng từ 40.000 lên 300.000 quân vào cuối năm nay. Các quốc gia thành viên phải tăng chi phí quốc phòng lên mức 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP)...
Bối cảnh hình thành cục diện đối đầu gay gắt giữa Nga và NATO hiện nay bắt nguồn từ cuộc cạnh tranh địa chính trị ngày càng gia tăng kể từ khi nước Nga khôi phục vị thế siêu cường vào những năm đầu thế kỷ XXI. Việc cựu đối thủ thời kỳ chiến tranh Lạnh liên tục kết nạp thành viên mới theo hướng “Đông tiến” được cho là hành động khiêu khích đối với Mátxcơva. Không dừng lại ở đó, địa bàn ảnh hưởng truyền thống của Nga ở nhiều khu vực khác liên tục bị thu hẹp thông qua cuộc chiến chống khủng bố ở Afghanistan, làn sóng biến động chính trị tại khu vực Bắc Phi - Trung Đông, mang tên “Mùa xuân Arab”, do phương Tây hậu thuẫn.
Việc Ukraine thúc đẩy quá trình gia nhập NATO được ví như “giọt nước tràn ly” khiến “lằn ranh đỏ” mà Nga xác lập với đối thủ lâu nay bị phá vỡ. Nói một cách khác, Chiến dịch quân sự đặc biệt mà Mátxcơva triển khai tại Ukraine từ năm 2022 đến nay là câu trả lời cho NATO.
Tuy nhiên, cuộc chiến ở Ukraine đã đẩy nhanh quá trình phá vỡ cấu trúc kiểm soát vũ khí quốc tế được xây dựng một cách kỹ lưỡng từ thời hậu chiến tranh Lạnh. Sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp ước Chống Tên lửa đạn đạo, Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân tầm trung (INF), đầu năm nay, Nga đã quyết định “khai tử” Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START) được ký kết với Mỹ. Đây là văn bản cam kết cuối cùng có thể giới hạn vũ khí hạt nhân giữa 2 cường quốc hàng đầu thế giới.
Việc thiếu đi các cơ chế kiểm soát đa phương đồng nghĩa nguy cơ tạo ra một khoảng trống phát triển vũ khí chiến lược sẽ được mở rộng. Mới đây, Bộ Quốc phòng Nga đã tuyên bố về những thay đổi quy mô lớn nhằm gia tăng tiềm lực quân sự, giai đoạn từ năm 2023 đến 2026, trong đó đẩy mạnh tuyển quân, tăng số lượng cơ sở huấn luyện, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển vũ khí mới. Bên cạnh đó, Mátxcơva đã đưa tổ hợp tên lửa chiến thuật Iskander-M có khả năng mang đầu đạn hạt nhân tới Belarus, như một hành động đáp trả việc NATO kết nạp Phần Lan.
Ở chiều ngược lại, NATO đang gấp rút hoàn thiện tài liệu "Kế hoạch phòng thủ mới", bao gồm hàng nghìn trang chi tiết về cách liên minh sẽ phản ứng nếu bùng phát xung đột với Nga. Đây là lần đầu tiên kể từ khi kết thúc chiến tranh Lạnh, kế hoạch phòng thủ quy mô lớn như vậy được đưa ra bàn luận và dự kiến sẽ được thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh thường niên của NATO ở Vilnius (Litva) vào tháng 7 tới. Cùng với các gói hỗ trợ quân sự được Mỹ, Đức, Anh, Canada, Italia và Pháp ồ ạt cung cấp cho Ukraine, không ít nhận định cho rằng, một “bức màn sắt” phân định Đông - Tây mới đang được dựng lên ở châu Âu.
Ukraine có vị trí như một gạch nối Đông - Tây bên bờ Biển Đen đã khiến cả thế giới như đối mặt với đêm trước của cuộc chiến tranh Lạnh lần hai. Những “vai diễn” trong cuộc chiến này không có nhiều thay đổi, Liên Xô thay bằng Nga và phía bên kia vẫn là NATO - đứng đầu là Mỹ. Trong bối cảnh như vậy, chạy đua vũ trang ở mức không kiểm soát là viễn cảnh không nước nào mong muốn bởi nó sẽ càng khiến quan hệ Nga và NATO đi vào ngõ cụt, đặt an ninh châu Âu và toàn cầu trước những thách thức chưa từng có.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.