Theo dõi Báo Hànộimới trên

Brazil trong cuộc khủng hoảng kép

Vân Khanh| 14/03/2016 06:42

(HNM) - Còn chưa đầy 5 tháng nữa, Rio de Janeiro sẽ đón tiếp một lượng lớn vận động viên và người hâm mộ trong sự kiện rất được mong chờ: Thế vận hội mùa hè 2016. Tuy nhiên, tại trung tâm kinh tế lớn nhất Brazil, bầu không khí không sôi động như nó đáng lẽ phải có.

Người dân Brazil bất bình trước ảnh hưởng của suy thoái kinh tế tới cuộc sống của họ.


Hàng loạt cửa hàng đóng cửa vì ế ẩm, vô số công ty tuyên bố giải thể vì thua lỗ. Điều tồi tệ này phản ánh chân thực nền kinh tế đang tụt dốc của Brazil. Niềm hy vọng về một sự hồi phục cũng rất xa xôi khi quốc gia rộng lớn nhất Mỹ Latinh đang đồng thời rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị chưa lối thoát. Với tuyên bố sẽ cân nhắc về quyết định rút khỏi liên minh cầm quyền của đảng Phong trào Dân chủ Brazil (PMDB) trong cuộc họp nội bộ vừa kết thúc, Chính phủ của Tổng thống Dilma Rousseff đang đứng trên bờ vực sụp đổ.

Khả năng đen tối này có nguy cơ trở thành hiện thực khi bà D.Rousseff đã không thể làm gì để cứu vãn uy tín chính trị trong suốt nhiều tháng qua chứ chưa nói tới thời hạn chót ngắn ngủi 30 ngày theo như "tối hậu thư" của PMDB. Liên minh với đảng Lao động (PT) sau khi chính đảng của đương kim Tổng thống D.Rousseff không giành được đa số trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 10-2014, PMDB đầy "uy lực" khi có số nghị sĩ tại lưỡng viện Quốc hội cũng như thống đốc bang nhiều nhất ở Brazil.

Chưa kể 7 trong số 31 bộ trưởng nằm "dưới trướng" PMDB; cả Phó Tổng thống, Chủ tịch Hạ viện và Thượng viện Brazil đều là thành viên chủ chốt của chính đảng này. Vì vậy, một khi PMDB quyết định "ly khai", không chỉ thành tích 12 năm cầm quyền liên tiếp qua 4 nhiệm kỳ của PT bị thách thức mà tương lai chính trị của nữ Tổng thống đầu tiên của quốc gia Nam Mỹ cũng vô cùng bấp bênh.

Sau nhiệm kỳ đầu êm ái, thời kỳ lãnh đạo thứ hai bắt đầu tháng 1-2015 của bà D.Rousseff nhận "điềm gở" khi được đánh dấu bằng những sức ép liên tục từ phe đối lập với cáo buộc bà phạm sai lầm khi điều hành kinh tế và dính líu tới vụ bê bối của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Petrobras. Dẫu rằng một vụ luận tội Tổng thống được Quốc hội chấp thuận hồi tháng 12 năm ngoái đã tạm thời bị trì hoãn nhưng những thách thức làm lung lay chiếc ghế của bà D.Rousseff vẫn nguyên vẹn. Ngay khi đang ở trong tâm bão thì một đám mây đen nữa lại kéo tới Văn phòng Tổng thống ở Brasilia khi nhà sáng lập PT, cựu Tổng thống Lula da Silva bị cuốn vào "siêu án" tham nhũng của Petrobras. Đỉnh điểm là vụ bắt giữ để thẩm vấn nhà lãnh đạo này đã có ảnh hưởng sâu sắc tới phong trào cánh tả tại Mỹ Latinh, phe đối lập đã đi nước cờ quyết định để hạ bệ danh tiếng hiện đã bị tổn hại nặng nề của PT cầm quyền.

Bên cạnh sự chia rẽ sâu sắc và đấu đá kịch liệt trên chính trường, sự suy giảm lòng tin của dân chúng đối với chính quyền đương nhiệm khởi đầu từ thảm họa Petrobras mới là nguy cơ lớn nhất đối với sự tồn tại của Chính phủ luôn đề cao chính sách dân túy của bà D.Rousseff. Có quy mô 4 tỷ USD, hơn 100 cá nhân đã bị kết tội tham nhũng, rửa tiền, 50 chính trị gia, trong đó có các Hạ nghị sĩ, Thượng nghị sĩ và Thống đốc bang cũng thuộc diện bị điều tra với nghi án nhận hối lộ từ Petrobras. Trong lúc sự hoài nghi của người dân chưa được khỏa lấp thì những ảnh hưởng đáng kể của nền kinh tế đang lao dốc... đứng của Brazil làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng chính trị.

Năm 2015, tỷ lệ thất nghiệp chạm ngưỡng 6,9% tương đương với việc ít nhất có 8 triệu người không công ăn việc làm, 75% trong số đó là thanh niên dưới 24 tuổi. Khoảng 3,7 triệu người bị tái nghèo cũng đang xóa dần những thành quả của Brazil trong cuộc chiến chống nghèo đói. Với dự báo GDP năm 2016 chỉ từ 2,95% đến 2,99%, những "thành tích" nghèo nàn đang thu hẹp dần các cơ hội chèo chống vượt khủng hoảng của Tổng thống D.Rousseff.

Năm 2001, Brazil cùng Nga, Ấn Độ, Trung Quốc lập nên nhóm những nền kinh tế mới nổi BRIC và 9 năm sau đó, thu nạp thêm Nam Phi để cái tên BRICS được nhắc tới như một biểu tượng của các nền kinh tế đang trỗi dậy mạnh mẽ. Thế nhưng, chỉ hơn một thập niên sau khi "hóa rồng", Brazil đang rơi vào một trạng thái rơi tự do cực kỳ ngặt nghèo. Cùng lúc đối mặt với hai cuộc khủng hoảng sâu rộng về cả chính trị và kinh tế, tương lai của nền kinh tế lớn thứ 7 thế giới đang đứng trước kịch bản khá bi đát. Chưa rõ Tổng thống D.Rousseff có thể cầm cự tới cuối nhiệm kỳ (sẽ kết thúc vào năm 2018) hay không nhưng con đường của PT được dẫn dắt bởi thành công của "Chủ nghĩa Lula" gần như chắc chắn đã đóng lại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Brazil trong cuộc khủng hoảng kép

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.