(HNM) - Đội tuyển Boxing quốc gia đã kết thúc vòng loại Olympic 2016 khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tại Trung Quốc cuối tuần qua mà không giành được tấm vé tham dự nào. Có cơ hội, có những chiến thắng đáng nhớ nhưng như thế vẫn chưa đủ để boxing Việt Nam có mặt ở Olympic theo diện chính thức.
VĐV Lê Thị Bằng (trái) thi đấu tại Giải boxing và võ cổ truyền vô địch quốc gia 2014. |
Không đợi đến vòng loại Olympic 2016 khu vực Châu Á, những người làm chuyên môn mới nhận thấy cơ hội giành vé dự Olympic 2016 chỉ dành cho các võ sĩ nữ Việt Nam mà ngay từ những thành công tại ASIAD 2014 với 2 tấm HCĐ của Lừu Thị Duyên, Lê Thị Bằng đã giúp các nhà quản lý nhìn thấy cơ hội. Trong gần 2 năm qua, hai VĐV Lừu Thị Duyên, Lê Thị Bằng đã được đầu tư mạnh để có thể chuyên tâm tập luyện, thi đấu.
Với Lừu Thị Duyên, cuộc đầu quân cho TP Hồ Chí Minh từ đầu năm nay đã giúp cô trở thành một trong những võ sĩ có thu nhập cao nhất Việt Nam. Nhờ đó, cô gái này càng có động lực để giành tấm vé dự Olympic mà cách đây 4 năm đã để vuột mất. Ngoài Lừu Thị Duyên, boxing nữ còn chọn mặt gửi vàng vào Lê Thị Bằng (Quân đội) và Ngô Thị Chung (Hà Nội).
Đến trước vòng loại lần này, Lừu Thị Duyên vẫn là gương mặt được kỳ vọng nhất. Có điều, lá thăm đã đưa cô vào nhánh đấu với nhà đương kim vô địch ASIAD 2014 Yin Junhua (Trung Quốc). Thế nên, kể cả khi Lừu Thị Duyên đã có chiến thắng thuyết phục trước võ sĩ nổi tiếng người Ấn Độ L.S.Devi ở tứ kết hạng 60kg nữ thì cũng không thể gây bất ngờ trước Yin Junhua, người từng giành chiến thắng 3-0 trước Lừu Thị Duyên tại ASIAD 2014, ở trận quyết định tranh vé dự Olympic 2016.
Chuyến thi đấu lần này thấy rõ Lừu Thị Duyên đã có bước tiến mới về chuyên môn nhưng vẫn chưa đủ để chạm vào tấm vé dự Olympic. Đúng như nhận định của Ban huấn luyện Đội tuyển Boxing Việt Nam rằng các võ sĩ Việt Nam đã có nhiều tiến bộ nhưng mới chỉ là so với bản thân. Ở cấp độ châu lục, muốn giành vé dự Olympic còn cần đến sự may mắn từ lá thăm. Tiếc là lần này, lá thăm may mắn đã không rơi vào Lừu Thị Duyên. Nếu cô vào nhánh đấu có võ sĩ Thái Lan hoặc Australia thì cơ hội đoạt vé dự Olympic 2016 ngay từ vòng loại lần này sẽ lớn hơn.
Vấn đề là đẳng cấp cũng là việc đáng lưu tâm của boxing Việt Nam. Đấy cũng là câu chuyện chung buộc các nhà quản lý phải tính toán, cân nhắc để đầu tư mạnh hơn cho các VĐV, nhất là các nam võ sĩ. Bởi cứ theo những người làm chuyên môn nhận định thì phải rất lâu nữa các võ sĩ nam Việt Nam mới có những cơ hội chạm tay vào tấm vé dự Olympic như Lừu Thị Duyên từng làm được. Ngay ở vòng loại Olympic khu vực Châu Á vừa qua, cả 3 võ sĩ nam đều thất bại ngay ở trận đầu tiên. Được biết, từ năm 1994 đến năm 2002 sau sự cố mất an ninh ở Giải vô địch Boxing tại Hải Phòng các võ sĩ nam ít được quan tâm đầu tư phát triển, nên sau này được quan tâm hơn thì vẫn chưa thể so với các đồng nghiệp ở Châu Á. Giờ muốn bắt kịp cũng cần nhiều thời gian.
Không giành vé tham dự Olympic 2016 từ vòng loại Châu Á, các võ sĩ nữ Việt Nam, trong đó có Lừu Thị Duyên, sẽ còn một cơ hội nữa ở Giải vô địch Boxing nữ thế giới tổ chức tại Kazakhstan vào tháng 5 tới. Nhưng đó là sân chơi lớn, không thiếu võ sĩ giỏi nên cơ hội giành vé dự Olympic 2016 của boxing nữ Việt Nam cũng không nhiều. Vé dự Olympic 2016 còn đó nhưng để đến đích là đường xa vạn dặm, đầy chông gai với boxing nữ Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.