Hãy kể cho tôi nghe về màu da, về mái tóc, về đôi bàn chân đã cưu mang tôi tự thưở chào đời... Hãy kể cho tôi nghe về ngôi nhà, về con đường, về những điều tôi chưa biết... Chào hỏi giùm những người cha của tôi, những ngôi chùa và tượng phật bằng đá; chào hỏi giùm những người mẹ của tôi, những phụ nữ đang còng lưng trên ruộng lúa”…
Đó không phải lời của một bài hát Việt Nam, mà là lời trái tim của một ca sĩ, nhạc sĩnổi tiếng ở Pháp và Bỉ - Marc Lavoine (1962). Và người chuyển tải thông điệp âm nhạc mang tênBonjour Vietnam này là cô gái gốc Việt Nam rất trẻ, sinh ra lớn lên ở Bỉ nhưng vẫn giữ cái tên rất Việt Nam : Phạm Quỳnh Anh (18 tuổi). Sự dịu dàng và da diết của giọng hát Quỳnh Anh đã khiến Bonjour Vietnamlan tỏa rộng rãi trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài ngay khi nó vừa được thu âm thử vào đầu tháng 1 năm 2006.
Marc Lavoine là ai ?Người nghệ sĩ có dáng dấp phong trần kia có gì đồng điệu với nước Việt khiến ông có thể viết nên những lời chân thực và xúc động như thế ? Bài hát mang tinh thần và hơi thở của một người hướng về nguồn cội, như những lời tự sự của thế hệ trẻ người Việt Nam sinh ra và lớn lên ở nước ngoài. Họ muốn biết những điều giản dị và thiêng liêng vốn thuộc về họ như cái tên đất nước, mái tóc, màu da, con đường, ngôi nhà, tượng Phật, ruộng lúa và bao điều chưa biết nữa. Họ thú nhận: “Tôi chỉ biết quê hương qua những hình ảnh của chiến tranh, một bộ phim của Coppola với những chiếc trực thăng trong cơn thịnh nộ”. Francis Ford Coppola là tài tử diễn xuất trong cuốn phim “Apocalypse Now” (Ngày tận thế). Bộ phim này có những cảnh dữ dội về chiến tranh ở Việt Nam. Lời thú nhận của họ khiến lòng ta nghèn nghẹn một nỗi buồn. Với lời hát này, tôi tin vào nhận định của Nguyễn Phương Nam, người Việt đang sống ở Anh, rằng “Marc Lavoine dường như rất hiểu Việt Nam, hiểu nỗi lòngnhững người trẻ tuổi mang dòng máu Việt đang sinh sống ở nước ngoài”. Tôi nghĩ đến Lý Lan Dill, cô gái quốc tịch Mỹ, nhưng mang khuôn mặt thật đẹp và sang trọng của người mẹ Việt. Bốn năm trước đây, khi đặt chân trở lại mảnh đất quê ngoại nghiên cứu về văn hóa dân gian, cô thừa nhận “những gì tôi biết về Việt Nam phần nhiều là những hình ảnh về chiến tranh”. Cô gái Mỹ không biết nhảy đầm và chơi bolling nhưng một lần đã tìm đến sàn nhảy Apocalypse Now ở Hà Nội, vì nó mang tên một bộ phim chiến tranh, dù dữ dội nhưng có nói về nước Việt.
Những hình ảnh, câu chuyện như thế khiến Bonjour Vietnam được thừa nhận, và ngay khi vừa xuất hiện nó đã lưu lại trongcộng đồng người Việt trẻ tuổi xa quê những ấn tượng sâu đậm. Họ tải Bonjour Vietnam trên mạng, gửi cho nhau và cùng nhau chuyển ngữ sang tiếng Việt, tiếng Anh...Họ cho tôi biết về sự ra đời của bản tình ca “làm dậy lên tình yêu nước Việt”: “ Marc Lavoine viết xong bản nhạc mới tìm người hát. Ông gặp Quỳnh Anh ở Bruxelles, Bỉ qua giới thiệu củanhà sản xuất đĩa nhạc. Quỳnh Anh là gương mặt người Việt Nam mang niềm hy vọng mà Marc Lavoine tìm kiếm để thể hiện ca khúc mà ông cho là đặc biệt này”. Nhưng điều quan trọng hơn cả là giọng hát nhẹ nhàng như thở của Quỳnh Anh. Marc Lavoine nói: “Ngay lúc hát thử tôi đã tin tưởng vào sự thể hiện của Quỳnh Anh. Cô ấy có giọng hát thật tuyệt vời”
Trên các tờ báo điện tử Tuổi trẻ, Nhân Dân, Tiền phong... cũng xuất hiện nhiều bài viết, thư của người Việt ở khắp nơi nói về Bonjour Vietnam. Nhà văn Vương Trí Nhàn nhận định: “Bonjour Vietnam là một hiện tượng của lớp trẻ -những người có thể thạo tiếng nước ngoài hơn tiếng Việt” và “Những tình cảm thiêng liêng trong Bonjour Vietnam là có thật”. Một bạn xưng tên Nguyễn Lê Phong thật thà chia sẻ trên mạng “Cả đêm qua nghe ca khúc này... Quỳnh Anh, giọng hát của bạn thậttuyệt vời !”.
Quả thật, Bonjour Vietnam là thông điệp của tình yêu quê hương đất Việt. Nhưng ngoài ý nghĩa thông điệp, đây còn là âm nhạc với sự kỳ diệu của giai điệu qua thể hiện của cô gái tóc đen, mắt đen từ vùng đất xa xôi. Và lời hát cô nhắc lại nhiều lần còn ám ảnh “một ngày kia tôi sẽ trở về để chào hồn thiêng dân tộc, một ngày kia tôi sẽ trở về để chào quê hương Việt Nam”.
HNM
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.