Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bóng đá Việt Nam ứng phó với Covid-19: Nép mình trước dịch

An Minh| 14/03/2020 07:58

(HNM) - Không còn những khán đài đầy ắp khán giả như những mùa giải gần đây do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng các đội bóng, cầu thủ, huấn luyện viên và Ban Tổ chức Giải Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam năm 2020 vẫn có lý do để tự an ủi. Bởi, giải đấu vẫn diễn ra, dù trên khán đài không có khán giả. Nép mình trước dịch như vậy, còn hơn giải đấu tạm hoãn vô thời hạn.

Các phóng viên làm nhiệm vụ tại V.League 2020 phải kiểm tra thân nhiệt trước trận đấu. Ảnh: Minh Hoàng

Thực hiện nghiêm quy định

Theo dự kiến, Giải Bóng đá chuyên nghiệp quốc gia năm 2020 (V.League 2020) sẽ diễn ra vào giữa tháng 2. Song, những diễn biến phức tạp, khó lường của dịch Covid-19 tại Việt Nam đã làm đảo lộn. Bắt đầu từ việc giải đấu không thể diễn ra trong tháng 2 và cả những lo ngại về việc giải đấu bị hoãn vô thời hạn. Điều đó sẽ tăng gánh nặng chi phí cho các đội bóng, từ việc duy trì tập luyện, thi đấu dài ngày hơn đến nguồn thu từ bán vé bị ảnh hưởng và việc duy trì mối quan hệ hợp tác giữa Ban Tổ chức giải với các nhà tài trợ. Đáng chú ý, nếu chỉ tập luyện, cầu thủ cũng sẽ mất phong độ do thiếu thực tế thi đấu.

Nhưng rõ ràng, sự an toàn của khán giả, các thành viên tham dự giải phải được đặt lên hàng đầu. Bởi, thông thường, mỗi vòng đấu đầu mùa bóng thu hút khoảng 100.000 khán giả đến sân và với môi trường như vậy nguy cơ lây lan dịch bệnh cao. Nên khả thi nhất vẫn là tổ chức giải trên các sân đấu không khán giả. Bản thân Ban Tổ chức, 14 đội bóng cũng nhận thức được điều này và điều quan trọng, cầu thủ được thi đấu còn hơn là chỉ tập luyện hết ngày này đến ngày khác.

Chính vì vậy, trận Siêu cúp quốc gia 2019, mở màn cho mùa bóng 2020 giữa đội bóng thành phố Hồ Chí Minh và đội bóng Hà Nội đã diễn ra trên sân không khán giả. Ông Trần Anh Tú, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) cho biết: “Mặc dù rất tiếc khi không cho khán giả vào sân ở trận đấu Siêu cúp này, nhưng trước yêu cầu về sức khỏe cho người dân, chúng tôi buộc phải có phương án thích hợp. Đây là vấn đề khách quan ngoài ý muốn”. Cũng theo ông Trần Anh Tú, sau trận đấu này, VPF có cơ sở để tiếp tục tổ chức V.League 2020 trên sân không có khán giả.

Và sau vòng đấu đầu tiên của giải đấu vào cuối tuần trước, người hâm mộ “môn thể thao vua” bắt đầu quen với việc không thể đến sân cổ vũ đội bóng của mình. Sân vận động Hàng Đẫy vốn đông khán giả trong mùa giải vừa qua, nay cũng vắng bóng người hâm mộ. Anh Nguyễn Anh Tuấn, cổ động viên của đội bóng Hà Nội chia sẻ: “Không thể góp mặt trên khán đài để cổ vũ cho đội nhà đương nhiên mang đến sự tiếc nuối. Song, tôi hiểu rằng, sự an toàn của cộng đồng vẫn lớn hơn cả. Chính vì vậy, hôm diễn ra trận đấu giữa đội Hà Nội và đội Nam Định vào ngày 7-3, tôi đã chọn cách ngồi nhà xem truyền hình trực tiếp và tham gia bình luận trên trang fanpage của đội”.

Còn cầu thủ Đức Huy của đội bóng Hà Nội cho hay: “Thông thường trước mỗi trận đấu, các cầu thủ của hai đội vẫn rủ nhau đi hàn huyên ở quán xá. Tuy nhiên, vì dịch Covid-19, nên anh em không gặp nhau. Chúng tôi cũng được Ban huấn luyện khuyến cáo đeo khẩu trang và mang theo nước rửa tay khử khuẩn để phòng, chống dịch Covid-19”.

Không chỉ Hà Nội FC, tất cả các đội bóng khác tham gia giải đều khuyến cáo cụ thể và giám sát thực hiện việc phòng, chống dịch của các cầu thủ. Các đội bóng và Ban Tổ chức giải buộc phải thích nghi với điều kiện, hoàn cảnh mới.

Gia tăng giải pháp, chú trọng nêu gương

Sau vòng đấu đầu tiên của V.League 2020, Ban điều hành các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam đã ban hành hàng loạt quy định về công tác tổ chức các trận đấu tại V.League 2020 cũng như các giải chuyên nghiệp khác. Theo đó, số lượng các thành viên làm nhiệm vụ trong một trận đấu tối đa 80 người và các thành viên làm nhiệm vụ phải khai báo, điền đầy đủ vào phiếu thông tin. Ban điều hành các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam cũng cho biết, trước trận đấu, các cầu thủ sẽ di chuyển theo đúng nghi thức, nhưng không bắt tay đội bạn và tổ trọng tài…

Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) Trần Anh Tú, VPF mong nhận được sự hợp tác, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của Ban Tổ chức các trận đấu, các câu lạc bộ, giám sát, trọng tài và tất cả các thành viên tham gia làm nhiệm vụ. “Tất cả đều phải thực hiện nghiêm quy định về phòng, chống dịch Covid-19. Mỗi người tham gia cuộc chơi có trách nhiệm sẽ góp phần tạo nên cộng đồng an toàn”, ông Trần Anh Tú nhấn mạnh.

Còn chuyên gia bóng đá Phan Anh Tú cho rằng, đây là cơ hội để các cầu thủ, nhất là trụ cột các đội bóng thể hiện rõ trách nhiệm xã hội,  đặc biệt trong việc kêu gọi cổ động viên cùng chung tay phòng, chống dịch. “Đầu tiên, mỗi cầu thủ hãy bắt đầu từ sự gương mẫu, chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch trong cuộc sống, sinh hoạt. Sau đó là có những hành động kêu gọi cùng phòng, chống dịch trên mạng xã hội hoặc các phương tiện truyền thông khác để tác động đến cộng đồng, cổ động viên. Họ có sức ảnh hưởng nhất định trong cộng đồng nên hoàn toàn có thể đóng góp nhiều hơn cho xã hội trong giai đoạn này. Thực tế, một số cầu thủ đã làm việc này và rất cần nhiều hơn những trường hợp tương tự”, ông Phan Anh Tú nói.

Rõ ràng, việc tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp không chỉ mang đến niềm vui cho người hâm mộ, mà còn phải thể hiện trách nhiệm với cộng đồng. Do đó, dù V.League 2020 đã, đang và có thể tiếp tục phải nép mình trước dịch Covid-19, song như vậy cũng tốt cho cộng đồng cũng như chính người tham gia.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bóng đá Việt Nam ứng phó với Covid-19: Nép mình trước dịch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.