Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bóng đá Quân khu Thủ đô: Có một thời để nhớ

Thùy An| 30/08/2015 12:53

(HNM) - Gần 30 cựu cầu thủ nhập làng bóng đá Quân khu Thủ đô năm 1983 đã tề tựu về SVĐ Hàng Đẫy vào chiều 25-8.

Các cựu cầu thủ Quân khu Thủ đô (áo sẫm) cùng các thế hệ giao lưu với CLB Nam Hải. Ảnh: Hoàng Tuân


Ngày 25-8-1983, 30 cầu thủ trẻ 14-16 tuổi nhận quyết định gia nhập CLB Quân khu Thủ đô - một trong những đội bóng để lại nhiều dấu ấn trong làng bóng đá Hà Nội, cả nước. Trong số này, hầu hết đều ở Hà Nội. Để được vào đội bóng quân đội, tất cả đều phải trải qua vòng sơ tuyển gắt gao. Theo thống kê của người trong cuộc thì lúc bấy giờ, từ khoảng 1.000 thiếu niên, các tuyển trạch viên CLB Quân khu Thủ đô mới chọn ra 30 cầu thủ. Góp mặt đông nhất là nhóm cầu thủ của Trường Thể thao thiếu niên 10-10 với 7 người, trong đó có hậu vệ phải nổi tiếng một thời của Công an Hà Nội Lê Dương Hưng, Đặng Xuân Vui (giờ anh đang là Chủ nhiệm CLB bi sắt Hà Nội), Nguyễn Xuân Hùng, Nguyễn Phi Hùng, Khổng Minh Anh, Phùng Huy Phương, Nguyễn Ngọc Bảo (còn gọi là Bảo "Ivan").

Đến ngày tập trung theo giấy gọi, 25-8-1983, cả nhóm được cho về với lời hẹn 10 ngày sau sẽ chính thức tập trung. Lúc ấy, 30 cậu thiếu niên lo lắng vì chỉ sợ về rồi sẽ không bao giờ được ăn, tập ở đội bóng đang nức tiếng trong làng bóng đá Việt Nam cũng như Hà Nội, nhất là sau khi đoạt ngôi Á quân quốc gia năm 1980. Lúc ấy, danh tiếng của đội Quân khu Thủ đô nổi như cồn khi tập hợp nhiều cầu thủ tài năng như Đào Hòa Bình, Nguyễn Đức Xuân, Nguyễn Đức Cảnh, Mai Đình Thành, Trần Đình Chiến, Bùi Hữu Nam, Đinh Văn Tuấn, Nguyễn Xuân Tuấn, Hoa Mạnh Hưng, Dương Mạnh Hùng… 10 ngày sau, cả nhóm đến tập trung và được đi huấn luyện ở thị trấn Phùng thì cả 30 cầu thủ vui như mở hội. Vui vậy mà cũng chỉ được 2 tuần đã có người trong nhóm… khóc vì nhớ nhà.

Cho đến ngày đội Quân khu Thủ đô giải thể năm 1989, sau quá trình sàng lọc gắt gao, lứa cầu thủ năm 1983 ấy chỉ còn 15 người ở cả đội 1 và đội trẻ. Quãng thời gian không dài những đủ mang lại cho họ những trải nghiệm quý giá. Cựu thủ thành Nguyễn Ngọc Bảo (giờ đang sinh sống tại Nam Phi) và Phạm Quốc Cường (giờ sinh sống tại Đức) trong lần kỷ niệm 32 năm gia nhập đội bóng Quân khu Thủ đô cũng có mặt ở Hà Nội để chung vui cùng các cựu đồng đội. Với họ, ấn tượng lớn nhất trong quãng thời gian khoác áo Quân khu Thủ đô chính là được rèn luyện ở môi trường "kỷ luật thép", đúng 8h tối phải đi ngủ, giờ tập luyện chuẩn từng phút.

Ngoài ra, những món ăn được ưa thích của cánh cầu thủ thời đó (hay nói đúng hơn là chỉ có từng ấy mà lựa chọn) như "chưng - trứng - chuối" (bánh chưng, các món từ trứng, chuối) rồi trà đá đường đến giờ vẫn như luôn bên họ. Nói về món ăn, cựu cầu thủ Phùng Huy Phương lại nhớ về món sở trường của đội khi đó là nước chấm rau được làm từ nước muối pha với cháy nghiền. Cái vị mặn của nước muối rồi màu vàng của cháy nghiền vẫn được cánh cầu thủ của đội gọi là "nước mắm" ấy lúc nào cũng mang đến một cảm xúc đặc biệt.

Với cựu cầu thủ Đặng Xuân Vui, được gia nhập đội Quân khu Thủ đô cũng là thỏa mong ước được ăn tập cùng người anh trai Đặng Ngọc Vũ (trung vệ của đội). Ấn tượng nhất của anh là về những buổi tập thể lực để có sức bền, sức mạnh mà HLV Đỗ Huy Thịnh giao cho. Những buổi tập gánh tạ nặng, những lần chạy dọc đường Nguyễn Trãi đến Ngã Tư Sở rồi lại chạy vào Hà Đông khiến nhiều cầu thủ thở không ra hơi. Lúc ấy, nhiều cầu thủ "oán" HLV về chuyện khổ luyện đến vậy. Nhưng đến khi vào thi đấu, tất cả phải công nhận thầy Đỗ Huy Thịnh đưa ra giáo án chuẩn. Cầu thủ của Quân khu Thủ đô lúc nào cũng thi đấu tốt ở cường độ cao, không ngại đội nào, kể cả đội Thể Công khi phải đua thể lực để giải quyết trận đấu. Nền tảng thể lực tốt như vậy cộng lối chơi khó chịu với các tình huống bắt việt vị, phòng ngự tuyến nghiêng và bọc lót hiệu quả, các miếng tấn công đa dạng mà nổi nhất là các pha chọc khe vào giữa trung vệ và hậu vệ để tiền vệ băng lên phá bẫy việt vị đã khiến đội bóng Quân khu Thủ đô không dễ bị đánh bại.

Nhắc lại một thời Quân khu Thủ đô, cựu cầu thủ Nguyễn Xuân Hùng lại nhớ về một thời yêu nghề, say mê đến chẳng tính toán thiệt hơn. Anh chia sẻ, nếu có được làm lại anh vẫn chọn con đường làm cầu thủ. Chỉ tiếc khi lứa cầu thủ 1983 đang vào độ chín thì đội lại giải thể. Thế là mỗi người mỗi ngả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bóng đá Quân khu Thủ đô: Có một thời để nhớ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.