(HNM) - Năm nay dường như bóng đá Thủ đô không gặp nhiều vận hạn mà trái lại. Ở giải chuyên nghiệp ngoài một Hà Nội T&T đang ở nhóm đầu còn có một Hòa Phát Hà Nội không đến nỗi nào; ở giải hạng nhất là một Hà Nội ACB đang độc chiếm ngôi đầu với phong độ, khí thế hơn hẳn mùa trước.
Còn ở giải hạng nhì, chắc lãnh đạo LĐBĐ Hà Nội không mong gì hơn vì bóng đá Thủ đô có tới 3 đội là: Hòa Phát V&V, Megastar United, T&T Baoercheng. Cả 3 đều không phải được sinh ra cho vui mà có đường hướng phát triển cụ thể với sự hậu thuẫn của những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh mẽ.
Những con đường lên hạng
Từ vài năm nay, T&T đã chú trọng xây dựng hệ thống đào tạo trẻ với đầy đủ các tuyến. Ông bầu ở đây biết giá trị của một đội bóng có nhiều cầu thủ cùng trưởng thành từ một hệ thống đào tạo sẽ vững bền hơn một đội quân ô hợp thế nào. Cũng vì thế mà tuyến trẻ T&T được tạo điều kiện hết mức để cọ xát, để cầu thủ sớm trưởng thành và có cơ hội được lên đội 1. Mùa này, khi Sài Gòn United (bị xuống hạng nhì ở mùa trước) không còn thiết tha duy trì đội bóng, lập tức T&T vào cuộc và cái tên T&T Baoercheng xuất hiện trên bản đồ bóng đá hạng nhì.
Hòa Phát V&V cũng tương tự. Mùa trước, V&V lần đầu xuất hiện trong làng bóng đá Việt Nam ở giải hạng ba. Lần ấy, V&V thất bại trong cuộc đua giành suất lên hạng nhì dù các ông chủ đội bóng này đầy tham vọng, muốn biến đội thành một "T&T Hà Nội"- 3 năm lên 3 hạng, nữa của bóng đá Thủ đô. Thất bại trong kế hoạch thăng hạng nhì năm 2009, V&V cũng tìm thấy đường lên hạng khác từ đội hạng nhì Hòa Phát. Sau một thời gian đàm phán, cuối cùng V&V cũng hoàn thành ước nguyện, được sở hữu suất hạng nhì của Hòa Phát để rồi mùa này mang tên Hòa Phát V&V.
Có một M.U của Hà Nội
Đội thứ ba của bóng đá Thủ đô thi đấu ở giải hạng nhì mùa này, Megastar United lại có bước đi khác. Mùa giải hạng ba năm 2009, đồng thời với việc xúc tiến kế hoạch tiếp nhận đội chuyên nghiệp Nam Định, lãnh đạo Tập đoàn Megastar cũng đầu tư vào đội U19 Nam Định với cái tên Megastar E&C Nam Định dự giải hạng ba. Không ai đặt ra mục tiêu lên hạng cho Megastar E&C Nam Định mùa ấy nhưng cuối cùng, đội bóng trẻ này dưới sự dẫn dắt của cựu trung vệ Nam Định Trần Nam Long đã giành suất lên hạng nhì trong sự sung sướng phấn khích của lãnh đạo CLB Nam Định lẫn nhà tài trợ Megastar. Ngay từ lúc ấy, đường đi tiếp theo của đội bóng này đã được vạch ra. Trong lúc chưa hoàn thành thủ tục tiếp nhận đội chuyên nghiệp Megastar Nam Định, Tập đoàn Megastar đã tiếp quản luôn đội U19 Nam Định - cũng vừa đoạt hạng ba giải U19 toàn quốc 2010. Và ở mùa giải hạng nhì 2010, đội U19 Nam Định mùa trước đã mang tên Megastar United, cầu thủ cũng là nhân viên của tập đoàn. Nếu viết tắt tên đội bóng này cũng là "M.U", giống đội bóng nổi tiếng nhất nước Anh hiện nay Manchester United. Nguyên nhân cũng bởi ông chủ Tập đoàn Megastar mê CLB Manchester United như điếu đổ. Logo của tập đoàn có thể mất vài tháng để thiết kế nhưng logo đội bóng chỉ cần 1 buổi là đủ vì họa sĩ cứ việc căn theo logo của M.U nước Anh và thiết kế cho phù hợp. Nhưng quan trọng hơn cả vẫn là thành tích của đội bóng ra sao, cách cầu thủ thể hiện trên sân cỏ, ý thức cống hiến của cầu thủ thế nào. Về chuyện này, Chủ tịch CLB Lê Văn Toản tự tin: "Megastar United hoạt động theo mô hình CLB chuyên nghiệp nên các cầu thủ có thể yên tâm cống hiến mà không phải quá lo lắng về chế độ đãi ngộ. Còn về chuyên môn thì chúng tôi hoàn toàn đặt niềm tin vào ban huấn luyện và đội ngũ cầu thủ hiện tại. Về lâu dài, CLB sẽ liên kết với các CLB nước ngoài để củng cố sức mạnh".
Cả Megastar United, T&T Baoercheng, Hòa Phát V&V đều đặt mục tiêu cao nhất khi dự giải hạng nhì năm nay. Nhưng trong bảng đấu còn có sự xuất hiện của cả Hà Tĩnh, Công an nhân dân thì mục tiêu của cả 3 khó thành hiện thực không kể bảng đấu này nhiều nhất cũng chỉ có 2 đội vào vòng chung kết. Tuy vậy, chỉ cần một trong 3 đội bóng của Hà Nội này giành quyền lên hạng nhất cũng là quá tốt cho bóng đá Thủ đô trong năm kỷ niệm Hà Nội 1000 năm tuổi này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.