(HNM) - Những năm gần đây, bóng chuyền Việt Nam dù được đánh giá cao về chuyên môn, song vẫn chưa thể giành ngôi Vô địch tại các kỳ Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games) cũng như nhiều giải đấu quốc tế khác. Đại hội đại biểu Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam lần thứ VII (nhiệm kỳ 2021-2025) vừa được tổ chức thành công, kỳ vọng sẽ tạo bước chuyển mình cho bóng chuyền nước nhà.
Phát triển chưa tương xứng với tiềm năng
Theo Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam Lê Trí Trường, thời gian qua, Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam đã có nhiều giải pháp nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài. Cùng với đó, Liên đoàn cũng phối hợp với các trung tâm huấn luyện để bảo đảm chế độ dinh dưỡng, chăm sóc y tế cho vận động viên. Đây là cơ sở quan trọng giúp các tuyển thủ quốc gia yên tâm tập huấn, nâng cao thành tích, đóng góp cho bóng chuyền nước nhà tại các giải đấu quốc tế.
Trên thực tế, bóng chuyền Việt Nam cũng đã đạt được một số thành tích nhất định. Điển hình như: Đội trẻ U19 nữ đoạt Huy chương bạc tại Giải vô địch Đông Nam Á 2016; đội nữ U23 quốc gia giành Huy chương đồng ở Giải vô địch U23 châu Á 2017, 2019. Ngoài ra, bóng chuyền Việt Nam còn giành được 2 Huy chương đồng và 1 Huy chương bạc tại các kỳ SEA Games.
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận trong 5 năm qua, bóng chuyền Việt Nam thiếu đi sự hấp dẫn và sức hút đối với các nhà tài trợ. Chủ tịch Câu lạc bộ bóng chuyền Hóa chất Đức Giang - Hà Nội Đào Hữu Huyền cho biết, bóng chuyền Việt Nam vẫn còn một số tồn tại, bất cập. Hệ thống các quy định của Liên đoàn, nhất là quy chế về chuyển nhượng bộc lộ không ít hạn chế, ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh bóng chuyền Việt Nam. Trong một số vụ chuyển nhượng vận động viên, huấn luyện viên, Liên đoàn đã không phân xử rõ ràng, gây ồn ào trong dư luận, làm ảnh hưởng đến uy tín của Liên đoàn và công tác tiếp thị, vận động tài trợ.
Còn Phó Tổng Cục trưởng Phụ trách Tổng cục Thể dục - Thể thao, kiêm Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam Trần Đức Phấn cho rằng: “Mặc dù bóng chuyền đạt nhiều thành tích, song Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam cần phải có thêm những chỉ đạo thống nhất, sâu sát hơn. Điều quan trọng, Liên đoàn phải trả lời được câu hỏi, làm sao để bóng chuyền Việt Nam có được vị thế trong khu vực. Khi trả lời được câu hỏi này, thì bóng chuyền quốc gia mới thật sự khởi sắc”.
Từng bước lấy lại vị thế
Đại hội đại biểu Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam lần thứ VII (nhiệm kỳ 2021-2025) được tổ chức trung tuần tháng 12 mới đây đã bầu ông Hoàng Ngọc Huấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Truyền hình cáp Việt Nam (VTVcab) đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam. Với việc Liên đoàn có bộ máy nhân sự mới, giới chuyên môn và người hâm mộ bóng chuyền có thêm niềm tin về công tác tiếp thị, vận động tài trợ sẽ khả quan hơn.
Thực tế, bóng chuyền vẫn luôn có sức hút đối với đại chúng và có không ít “mạnh thường quân” sẵn sàng tham gia tài trợ. Ngay tại Đại hội Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam vừa qua, Chủ tịch Câu lạc bộ bóng chuyền Hóa chất Đức Giang - Hà Nội Đào Hữu Huyền đã tự ứng cử vào Ban Chấp hành Liên đoàn, sau khi thông báo tài trợ 1 tỷ đồng giải thưởng cho Giải vô địch bóng chuyền quốc gia 2021 và có thể sau đó là các giải trẻ. Qua đó cho thấy, những người có trách nhiệm cũng chưa khai thác hết nguồn lực con người, tài trợ ở ngay trong giới bóng chuyền.
Phó Tổng Cục trưởng Phụ trách Tổng cục Thể dục - Thể thao, kiêm Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam Trần Đức Phấn cho rằng, bóng chuyền Việt Nam rất cần những “ông bầu” nhiệt huyết như vậy và đây là sự khởi đầu thuận lợi để Liên đoàn tiếp tục tìm kiếm những nguồn lực từ các doanh nghiệp, cá nhân... muốn đóng góp cho bóng chuyền Việt Nam.
Còn theo Chủ tịch Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam Hoàng Ngọc Huấn, Liên đoàn sẽ phát huy những thành công của các nhiệm kỳ trước, từng bước tháo gỡ khó khăn mà nền bóng chuyền đang phải đối mặt. Trước mắt, Liên đoàn sẽ xây dựng khung pháp lý phù hợp với thực tiễn, nhằm giúp bóng chuyền Việt Nam ngày càng phát triển, hội nhập sâu hơn với thế giới và từ đó, mới có thể hy vọng nâng cao thành tích của cả đội bóng chuyền nam và nữ quốc gia.
“Thời gian tới, Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam sẽ bàn bạc, thảo luận kỹ lưỡng, thay đổi thể lệ các giải đấu theo hướng cải tiến, tăng tính cạnh tranh và nâng cao chất lượng chuyên môn. Liên đoàn tiếp tục đưa phong trào chơi bóng chuyền đi sâu hơn vào đời sống của học sinh, sinh viên, các địa phương. Từ đó giúp những nhà chuyên môn tìm ra “hạt nhân” tốt cho bóng chuyền quốc gia cũng như tạo dựng môi trường để bóng chuyền phát triển sâu rộng tại Việt Nam”, ông Hoàng Ngọc Huấn cho biết thêm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.