Bóng bàn Hà Nội đang tập trung cho mục tiêu tham dự Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2026 và trách nhiệm với đội tuyển quốc gia.
Để thực hiện tốt mục tiêu này, bộ môn bóng bàn thuộc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao Hà Nội phải tìm cách vượt qua khó khăn, đặc biệt là về công tác xây dựng lực lượng.
Mọi chuyện không còn như xưa
Câu chuyện khó khăn về lực lượng của bóng bàn Hà Nội được đề cập từ gần chục năm trước khi 2 “đầu tàu” là Nguyễn Anh Tú (nam) và Nguyễn Thị Nga (nữ) phải cáng đáng trách nhiệm giành Huy chương vàng (HCV) tại các giải đấu trong hệ thống thi đấu quốc gia. Lớp trẻ của bóng bàn Hà Nội khá mỏng do không còn nhận được sự đầu tư bài bản, mạnh tay.
Nhưng khi ấy, trên địa bàn Hà Nội còn có CLB bóng bàn T&T đóng tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao Hà Nội (Trung tâm). Cứ đến kỳ Đại hội Thể thao toàn quốc là các tay vợt mạnh nhất của T&T và của Trung tâm kết hợp thi đấu dưới màu áo đội Hà Nội.
Với những tay vợt như Nguyễn Anh Tú (Hà Nội), Đinh Anh Hoàng, Lê Đình Đức (T&T), bóng bàn nam Hà Nội có lực lượng đủ mạnh để tranh chấp ngôi vị cao nhất.
Trong khi đó, phía nữ với Nguyễn Thị Nga (Hà Nội), Trần Mai Ngọc (T&T) cũng đủ sức tạo nên đội hình tranh chấp HCV ở nội dung của nữ. Gần đây nhất, ở Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2022, sự kết hợp giữa các tay vợt nói trên đã giúp đội Hà Nội giành 6/7 HCV.
Theo tính toán, trong khi chờ các tay vợt trẻ khác của Trung tâm kịp trưởng thành thì thể thao Hà Nội vẫn có một đội bóng bàn đủ mạnh tại kỳ Đại hội Thể thao toàn quốc 2026 tới.
Tuy nhiên, mọi việc xoay chuyển khá nhanh khi CLB bóng bàn T&T được chuyển giao cho thể thao Công an nhân dân, đồng nghĩa tại Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2026, Hà Nội sẽ không có lực lượng mạnh như tính toán, phải đối diện với sự cạnh tranh đáng kể từ phía đội bóng bàn Công an nhân dân thay vì chỉ có các đối thủ mạnh như Quân đội, Hải Dương... Điều đó buộc bóng bàn Hà Nội phải hạ chỉ tiêu giành HCV tại Đại hội Thể thao toàn quốc 2026 xuống còn 1 HCV. Mà chỉ tiêu này đối với lực lượng hiện có của bóng bàn Hà Nội cũng vẫn là cao.
Việc chỉ còn đầu tàu Nguyễn Anh Tú, Nguyễn Thị Nga đương nhiên sẽ tạo ra khó khăn đáng kể. Bóng bàn Hà Nội từng mời tay vợt nổi tiếng một thuở Lê Tiến Đạt về thi đấu nhưng tay vợt này chỉ gắn bó 1 mùa với đội trước khi chính thức giải nghệ.
Gần đây, bóng bàn Hà Nội chiêu mộ tay vợt trẻ đang lên từ Thanh Hóa là Đỗ Mạnh Lương - tay vợt thuận tay trái từng giành ngôi vô địch đôi nam lứa tuổi U15 tại Giải vô địch bóng bàn trẻ Đông Nam Á 2024. Vẫn là “của để dành” nhưng thời gian tới, tay vợt này sẽ được thử sức nhiều hơn ở các sân chơi quốc gia, quốc tế. Sự kết hợp của tay vợt trẻ này với đàn anh Nguyễn Anh Tú ở nội dung đôi nam được xem là giải pháp nhiều hứa hẹn cho bóng bàn Hà Nội tại các sân chơi quốc gia.
Hoàn thành tốt nhiệm vụ quốc gia
Hiện nay, bóng bàn Hà Nội vẫn thường xuyên đóng góp Nguyễn Anh Tú, Nguyễn Thị Nga cho đội tuyển quốc gia, trong đó Nguyễn Anh Tú vẫn là tay vợt nam số 1 Việt Nam tại các đấu trường quốc tế. Khi đội tuyển quốc gia tập trung, địa điểm tập luyện của đội Hà Nội vẫn luôn là lựa chọn số 1, trong đó đội được Trung tâm tạo điều kiện tối đa về ăn, ở, nơi tập luyện.
Sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, đội bóng bàn Hà Nội chuyển tới tập luyện ở địa điểm mới trong trường đua F1 (Mỹ Đình 2, Nam Từ Liêm, Hà Nội), do nơi ở và địa điểm tập luyện tại Trung tâm đang được nâng cấp. Đến đây, dễ thấy hệ thống thảm tập và ánh sáng đủ tốt nhờ sự chung tay hỗ trợ của một số doanh nghiệp, cá nhân và gia đình VĐV. Theo phụ trách đội bóng bàn nam Hà Nội Nguyễn Văn Trung, hệ thống thảm tập, bàn bóng và ánh sáng hoàn toàn đáp ứng yêu cầu khi đội tuyển quốc gia tập trung.
Hiện tại, nhiệm vụ quan trọng nhất của bóng bàn Hà Nội là tiếp tục tạo ra những lứa VĐV tài năng để thi đấu tốt các giải trong hệ thống thi đấu quốc gia và đóng góp nhiều VĐV cho các cấp độ đội tuyển quốc gia.
Theo các HLV bóng bàn, nếu được tạo điều kiện đưa VĐV đi tập huấn dài hạn ở nước ngoài cũng như được đi thi đấu quốc tế nhiều hơn thì chúng ta không lo về lớp kế thừa. Vì thế, ngoài ngân sách sẽ cần đến sự chung tay từ các gia đình VĐV, nhà tài trợ, như tay vợt Nguyễn Anh Tú từng được một doanh nghiệp tài trợ để dự 2 giải quốc tế. Tin vui đến khi trong thời gian tới, đã có gia đình VĐV của đội sẵn sàng chi tiền để con được đi tập huấn liên tục khoảng 3 năm tại Trung Quốc. Ước tính, khoản kinh phí này lên đến 1 tỷ đồng/năm.
Ngoài ra, với chế độ đãi ngộ, thu hút VĐV thành tích cao hiện nay, Hà Nội hoàn toàn có thể thu hút thêm VĐV từ nơi khác để tạo ra sự phong phú về lực lượng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.