(HNM) - Hôm rồi đi giao đấu ở huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) thấy một tay vợt cầm chiếc vợt nhỏ hơn bàn tay, anh bạn tôi rất ngạc nhiên bảo rằng:
Nguyễn Tuấn An sử dụng miếng gạch, bật lửa Zippo làm vợt chơi bóng bàn. |
Đánh bóng bàn bằng miếng gỗ con là chuyện mà tôi biết đến đầu tiên. Cách đây gần 30 năm, một tay vợt thuộc hàng kiện tướng quốc gia của tỉnh Hải Hưng đến Trung tâm TDTT Ba Đình (lúc đó, cả Hà Nội chỉ ở quận Ba Đình có nhà tập luyện to nhất thành phố nên cả giải bóng bàn toàn quốc Cup Báo Nhân Dân cũng tổ chức ở đây). Sau khi đã chơi chán chê, anh liền lấy từ trong túi đồ một mảnh gỗ bề ngang chừng ba ngón tay, dày khoảng một phân, dài khoảng gần 20 phân, bào nhẵn hai mặt và gạ mấy cầu thủ khác đánh theo "thể thức": Anh đánh bằng miếng gỗ, còn đối phương đánh bằng vợt của mình. Mọi người đều ồ lên cho rằng anh này "chết" chắc vì chưa ai đánh bóng bàn bằng miếng gỗ bé tí như thế bao giờ. Hôm đó tôi cũng có mặt vì đội chúng tôi luyện tập ở đây để chuẩn bị đấu giải ngành. Lời qua tiếng lại, cuối cùng có ba cầu thủ nhận lời thách đấu. Nếu đánh bằng vợt mút sở trường thì anh kia chấp mấy anh này khoảng 8 đến 10 trái (bấy giờ một ván đấu đến 21 điểm mới thắng). Tất nhiên, không phải là đánh vui mà có tí độ. Độ là 10 đồng một trận (lương tôi khi đó là 60 đồng/tháng). Lâm trận anh đánh gỗ "biểu diễn" các kỹ thuật chặn đẩy hai mặt phải, trái; cắt xa bàn, gò ngắn phải trái; bạt bóng và "ve"; "bê" bóng lỏng không xoáy rất điệu nghệ và chuẩn xác không khác gì khi anh đánh bằng vợt mút sở trường. Duy chỉ có kỹ thuật giật bóng thì không thể thực hiện được và quả giao bóng thì ít xoáy. Đối thủ thứ nhất bại trận. Đối thủ thứ hai, thứ ba đứng ngoài theo dõi và không tin rằng mình thua nhưng kết quả đều thành "bại tướng".
Sau này, tôi mới dần hiểu mặt gỗ có tác dụng phản xoáy nghĩa là bóng ngược với nguyên lý vợt mút, nhưng đôi khi lại đồng thuận với vợt mút, chẳng hạn nếu ma sát tốt khi cắt thì bóng cũng khá xoáy. Từ đó các "sới" ở Hà Nội xuất hiện thêm một số "cầu thủ vợt gỗ" đều là những tay "sới gạo" để ăn tiền người chơi bóng bàn chưa hiểu và chưa có kỹ năng xử lý bóng vợt gỗ. Một thời gian sau, ở Hà Nội lại xuất hiện "vợt gạch". Một viên gạch mỏng, cũng chỉ to khoảng ba ngón tay và tính năng, tác dụng thì không khác mấy so với "vợt gỗ". Cũng khối người mất tiền vì thua độ trước những cao thủ chơi bóng bằng gạch này.
Ở Đà Nẵng còn có tay vợt Nguyễn Tuấn An hiện đang công tác tại Xí nghiệp thương mại Mặt đất, sân bay quốc tế Đà Nẵng có thể đánh bóng bằng chiếc bật lửa Zippo bé tí hay miếng gạch bông chỉ to hơn bật lửa Zippo một chút. Có khi vợt là mảnh đáy chai thủy tinh nhỏ. Vì thế anh có hỗn danh là An Zippo bên cạnh biệt danh An "còi" - có lẽ do tầm vóc nhỏ thó của anh. An kể rằng chơi bóng bàn bằng "vợt" Zippo từ năm 1990, lúc đầu chỉ là để thay đổi không khí buổi tập nhưng dần thấy thích thú nên kiên trì luyện. Đánh bằng Zippo rất khó vì ngoài kích thước quá bé còn không đồng đều về độ nảy do phần dưới đặc, phần trên lại rỗng và đến giờ "vợt" đã mòn nhẵn. Anh bảo, đánh bằng Zippo, gạch bông hay mảnh chai khả năng thực hiện kỹ thuật chỉ còn khoảng 50% đến 20% so với vợt mút; những "vợt" này chỉ đánh khi nào có người thách đấu hoặc để thay đổi không khí. Đầu năm 2007, Tuấn An được Đài Truyền hình Việt Nam trao tặng danh hiệu "Kỷ lục đánh bóng bàn bằng bật lửa Zippo ấn tượng nhất". Bản tính dí dỏm, hài hước Tuấn An còn "trình diễn" vừa đánh vừa bật cháy lửa từ "vợt" Zippo. Nhưng độc đáo nhất là thổi bóng bay sang bàn đối phương. Cách "đánh" này rất khó bởi cần phải thổi rất mạnh đúng tâm bóng thì bóng mới đi đúng ý. Các quả "thổi" bóng của Tuấn An có độ chuẩn xác rất cao, rất ít khi bóng hỏng. Chưa hết, Tuấn An còn kết hợp rất thuần thục giữa một một cú trả bóng bằng "vợt" Zippo và một cú thổi.
Ngoài An "còi" còn phải kể đến "danh thủ" Mai Văn Giót (TP Hồ Chí Minh), người đã giao đấu với An "còi", trong trận Zippo gặp gạch bông mà chương trình truyền hình Chuyện lạ Việt Nam của VTV3 đã tường thuật. Anh này được coi là đánh gạch bông xoáy nhất. Đặc biệt, người em ruột của "danh thủ" này là Mai Văn Quang sử dụng "vợt gạch bông" cũng không thua kém anh; rồi "Hải dao phay", "Nhỏ gạch bông" ở Đà Nẵng… và không ít "dị nhân" chưa mấy nổi danh.
Một trái bóng bàn nhưng có biết bao cây vợt được cải biên, biến hóa khôn lường khiến sức hấp dẫn của bóng bàn thật đúng là chẳng tiền nào mua được. Cứ đà này, chắc sẽ còn nhiều kiểu "vợt" bóng bàn "dị" ra đời, khi mà sức tưởng tượng của con người luôn là vô hạn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.