Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bốn ngôi trường trung học trăm tuổi từ Sài Gòn xưa

Theo VnExpress| 20/02/2018 09:14

Trường Marie Curie, Trần Đại Nghĩa, Lê Quý Đôn, Nguyễn Thị Minh Khai đều có bề dày cả trăm năm tuổi.


1. Trường nữ Trung học Marie Curie

Năm 1858, Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam, lần lượt chiếm đóng Sài Gòn và các tỉnh Gia Định, Biên Hòa, Định Tường rồi chiếm nốt ba tỉnh miền Tây là Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên.

Để phục vụ cho guồng máy cai trị, người Pháp đặt mục tiêu hủy diệt nền Nho học, chữ Hán, chữ Nôm phải triệt bỏ và thay thế bằng chữ Pháp, chữ quốc ngữ. Trường học được mở ra, phục vụ cho con em các viên chức của bộ máy cai trị Pháp ở thuộc địa và cho người Việt.

Trường nữ Trung học Marie Curie.


Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư trong cuốn Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ, thời gian đầu, khi chưa có trường công của nhà nước, trẻ em gái người Pháp và người Âu đều theo học trong các trường tư của các bà xơ thuộc dòng Saint Paul De Chartres ở Sài Gòn.

Về sau, số gia đình kiều dân Pháp ở Sài Gòn, Chợ Lớn tăng lên nhiều, các em gái cần có trường công của nhà nước để theo học chương trình chính quy.

Khoảng đầu thế kỷ 20, một số nhân sĩ người Việt có tâm huyết tại Sài Gòn, Chợ Lớn làm đơn xin chính quyền lập một trường trung tiểu học cho nữ sinh Việt Nam. Việc xây dựng trường dành riêng cho nữ sinh người Pháp được tiến hành từ năm 1915, chính quyền mua lại một khu đất dọc đường Mac Mahon (nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa) thuộc khu trung tâm để xây trường.

Công việc xây dựng và trang trí trường học mất khoảng ba năm mới xong. Trường Marie Curie bắt đầu mở cửa từ năm 1918, là trường cao đẳng tiểu học nữ sinh mang tên Lycée Marie Curie. Sĩ số ngày một tăng, đến năm 1939 có hơn 800 học sinh.

Năm 1941, quân Nhật kéo vào Đông Dương, một số trường học bị trưng dụng làm nơi đóng quân và trường Marie Curie cũng không khác. Phòng học trở thành bệnh viện cho quân chiếm đóng, trường phải dời sang trường Mẫu giáo ở đường Garcerie, nay là Phạm Ngọc Thạch.

Một năm sau trường được trả lại và đổi tên là Trung học cơ sở Calmette. Ngày 23-9-1945, quân Pháp trở lại chiếm Sài Gòn, sau đó thì đổi tên trường thành Trung học Lucien Mossard với 300 học sinh, có tám lớp từ Primière đến Quatrième

Đầu năm 1948, trường chính thức trở lại với tên gọi Trung học Marie Curie - một nữ bác học hai lần đoạt giải Nobel về Vật lý. Hiện, Marie Curie là một trường THPT công lập có tiếng ở TP Hồ Chí Minh.

2. Trường nữ Trung học Áo Tím - THPT Nguyễn Thị Minh Khai

Năm 1913, ngôi trường dành riêng cho nữ sinh được khởi công trên khu đất rộng đường Legrand de la Liraye (nay là Điện Biên Phủ, quận 3), vật liệu xây dựng được đưa từ Pháp qua.

Sau hai năm thi công, trường được khánh thành và mở khóa khai giảng đầu tiên với 42 nữ sinh. Trong buổi lễ, Toàn quyền Đông Dương Doumer và Thống đốc Nam Kỳ Courbeil chọn đồng phục là áo dài màu tím cho nữ sinh. Sở dĩ màu tím được chọn bởi đây là biểu tượng cho đức tính đoan trang, kín đáo và khiêm nhường của phụ nữ Việt. Từ đó, trường có tên Nữ sinh Áo Tím.

Trường nữ sinh Áo Tím xưa, nay là THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TP Hồ Chí Minh).


Ban đầu trường mới dạy cấp tiểu học, từ lớp đồng ấu đến cao đẳng. Học sinh phần lớn là con nhà giàu ở Sài Gòn, dần dần có thêm nhiều em ở các tỉnh lên học nên trường mở thêm nội trú.

Năm 1918, vì số lượng học sinh gia tăng, trường xây thêm tòa nhà thứ hai với nhiều chức năng, đó cũng là nơi giảng dạy các môn nữ công gia chánh và thêu thùa. Bốn năm sau, trường mở thêm bậc trung học vì được xây thêm dãy nhà phía sau đủ rộng và được gọi là trường Nữ trung học bản xứ, tiếp tục chủ trương chỉ tuyển nữ sinh.

Tuy do người Pháp quản lý nhưng phong trào đấu tranh chống thực dân trong học sinh vẫn âm ỉ khi trong thập niên 1920, ít nhất hai lần nữ sinh của trường xuống đường biểu tình.

Mùa hè năm 1940, quân đội Nhật chiếm đóng cơ sở trường rồi sau đó đến quân đội Anh, trường dời về tiểu học Ðồ Chiểu tại vùng Tân Ðịnh. Cũng trong năm này, trường đổi tên: Collège Gia Long, rồi Lycée Gia Long.

Sau ngày đất nước thống nhất, trường được chính quyền đổi tên thành Phổ thông cấp 2-3 Nguyễn Thị Minh Khai. Sau đó, trường giải thể cấp hai, thu nhận cả nữ lẫn nam sinh và đổi tên thành THPT Nguyễn Thị Minh Khai.

3. Lasan Taberd - THPT chuyên Trần Đại Nghĩa

Năm 1874, Đức cha Henri De Kerlan - Cha sở coi Thánh đường Sài Gòn tự xuất tiền sáng lập trường Lasan Taberd đặt tại dinh của Tri phủ Tân Bình đời Tự Đức.

Trường xây xong năm 1875, hoàn thiện hai năm sau đó. Ban đầu trường nuôi trẻ mồ côi lai Âu và lai Pháp bị bỏ rơi, sau này thu nạp học sinh bất luận lương - giáo. Khóa đầu tiên, trường Taberd có 58 học trò do các tu sĩ, truyền giáo sư gồm hai người Việt và hai người Pháp dạy dỗ.

Những dãy nhà cũ của trường là do Đức cha Mossard đứng coi xây cất, phần mới xây đồ sộ sau này do các sư huynh tiếp tục tu tạo để dạy học sinh từ cấp tiểu học đến đệ nhị cấp. Đến năm 1949, quy mô của trường lớn mạnh với hơn 1.200 học sinh.

Học sinh xếp hàng ra về ở trường Lasan Taberd.


Sau năm 1975, trường Lasan Taberd được chính thức bàn giao cho chính quyền TP Hồ Chí Minh, tiếp tục duy trì đào tạo giáo dục phổ thông từ cấp một đến cấp ba, với hơn 6.000 học sinh.

Do nhu cầu đào tạo giáo viên cấp một của thành phố, năm 1976 trường Trung học Sư phạm nhận bàn giao từ trường Taberd và bắt đầu khóa đào tạo đầu tiên

Năm 2000, trường Trung học Sư phạm được bàn giao để thành lập trường THPT Trần Đại Nghĩa rồi trở thành trường chuyên hai năm sau đó. Hiện, Trần Đại Nghĩa là một trong hai trường chuyên ở TP Hồ Chí Minh, bên cạnh THPT chuyên Lê Hồng Phong.

4. Chasseloup Laubat - THPT Lê Quý Đôn

Sau khi chiếm được toàn cõi Nam Kỳ, ngày 14-11-1874, Thống đốc Nam Kỳ Jules François Emile Krantz đã ký nghị định thành lập ngôi trường trung học tại Sài Gòn để đào tạo con em những người Pháp sinh sống ở đây.

Trường được khởi công xây dựng ngay vào năm 1874 và hoàn tất vào năm 1877, có tên là Collège Indigène (trung học bản xứ). Không lâu sau, trường được đổi tên thành Collège Chasseloup Laubat (Bộ trưởng Thuộc địa của Pháp lúc bấy giờ).

Học sinh của trường Lê Quý Đôn xưa.


Ban đầu, trường chỉ nhận các học sinh người Pháp, đến đầu thế kỷ 20 thì mở rộng để nhận thêm học sinh người Việt có quốc tịch Pháp. Trường dạy từ tiểu học đến tú tài (chương trình của Pháp), chia làm 2 khu vực: khu dành riêng học trò người Pháp và khu dành cho học trò Việt, gọi là khu bản xứ.

Năm 1954, trường lại đổi tên một lần nữa thành Jean Jacques Rousseau (nhà trí thức Pháp trong phong trào Ánh Sáng thế kỷ 18) nhằm tránh gợi nhớ thời thuộc địa. Lúc này, trường vẫn do người Pháp quản lý, chủ yếu dạy học sinh người Việt.

Năm 1967, trường được trả lại cho người Việt Nam và trở thành Trung tâm giáo dục Lê Quý Đôn. Tháng 8/1977, UBND TP HCM quyết định thành lập trường Phổ thông trung học Lê Quý Đôn.

Hiện, trường THPT Lê Quý Đôn thuộc hệ thống trường công lập do Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh quản lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bốn ngôi trường trung học trăm tuổi từ Sài Gòn xưa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.