Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bốn bộ ký Quy chế phối hợp trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán

Mai Hoa| 18/07/2022 17:52

(HNMO) - Chiều 18-7, Lễ ký Quy chế phối hợp trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao đã được tổ chức tại Nhà khách Chính phủ (12 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Các đại biểu tham gia ký Quy chế phối hợp.

Những năm gần đây, tình hình nạn nhân bị mua bán ngày càng có xu hướng tăng trên toàn cầu. Trong bối cảnh đó, việc tổ chức ký Quy chế phối hợp trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao nhằm tăng cường trách nhiệm và sự phối hợp trong chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành của các bộ đối với công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, nhất là việc tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ lấy nạn nhân là trung tâm, vì quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân bị mua bán, góp phần thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 193/QĐ-TTg ngày 9-2-2021 phê duyệt Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030.

Đồng thời, quy chế này bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất của các bộ trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng phối hợp giữa các bộ và kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thực hiện công tác này.

Quy chế phối hợp gồm 3 chương, 15 điều, quy định rõ nguyên tắc, hình thức, nội dung và trách nhiệm phối hợp, truyền thông nâng cao nhận thức, tiếp nhận thông tin, tài liệu về nạn nhân; đào tạo bồi dưỡng cho người làm công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; bảo vệ an toàn cho nạn nhân bị mua bán và người thân thích của họ… 

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đề nghị các Bộ Công an, Quốc phòng, Ngoại giao và các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thuộc ngành triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ tại Quy chế này.

Đồng thời, các bộ và các địa phương đẩy mạnh thông tin, truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức về phòng, chống mua bán người; tổ chức các hoạt động thiết thực hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30-7” và “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người 30-7”; phối hợp tổ chức các chiến dịch truyền thông tại các địa bàn trọng điểm; nhân rộng các mô hình hỗ trợ nạn nhân, câu lạc bộ phòng, chống mua bán người hoạt động hiệu quả...

Cùng với đó, nâng cao hiệu quả, chất lượng nghiệp vụ công tác tiếp nhận, xác minh, các biện pháp bảo vệ an toàn cho nạn nhân, hỗ trợ cho nạn nhân bị mua bán trở về theo quy định của pháp luật

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bốn bộ ký Quy chế phối hợp trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.