Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bơi lội Hà Nội: Kiên nhẫn chờ thời

Minh Quang| 25/03/2012 07:37

(HNM) - Hai ngày trước Giải vô địch bơi bể 25m toàn quốc kết thúc ở Huế. Một lần nữa, bơi Hà Nội lại


Lọt vào nhóm đầu: Biết đến bao giờ?

Sự buồn phiền kia sẽ càng lớn nếu so với thành tích của đoàn bơi lội TP Hồ Chí Minh, từng có lúc bị bơi lội Hà Nội vượt qua tại Giải vô địch quốc gia. Cứ hai, ba năm, bơi lội TP Hồ Chí Minh lại cho ra lò một kình ngư đầy triển vọng. Vài năm trước là Nguyễn Thị Kim Tuyến, từng phá 7 kỷ lục quốc gia lúc mới 15 tuổi. Chỉ ít lâu sau, xuất hiện thêm một Trần Tâm Nguyện. Và đến mùa này là Trần Duy Khôi. Ngay cuối năm trước, Trần Duy Khôi đã được giới chuyên môn đánh giá rất cao và dự kiến được đầu tư mạnh mẽ trong những năm tới.

VĐV Đỗ Huy Long, niềm tự hào của bơi Hà Nội từ các năm trước.


Không ngẫu nhiên mà bơi lội TP Hồ Chí Minh đều đặn sản sinh ra hàng loạt tài năng như vậy. Nguồn VĐV dồi dào, cách tuyển chọn khoa học cũng như sự quan tâm đầu tư cho VĐV để họ yên tâm tập luyện đang là điểm ưu việt của bơi lội TP Hồ Chí Minh so với nhiều địa phương khác, trong đó có Hà Nội. Nhìn sang một địa phương khác thuộc diện đi sau về đầu tư cho bơi lội như Đà Nẵng, bơi lội Hà Nội chắc cũng phải ngước nhìn. Chỉ riêng chuyện địa phương này phát hiện, tuyển chọn Quý Phước một cách bài bản, đầy tính khoa học cũng đáng học tập rồi. Sau đấy là đầu tư mạnh tay để kình ngư này trở thành người Việt Nam đầu tiên đạt chuẩn B Olympic… càng đáng để bơi lội phải suy ngẫm. Sau Giải vô địch quốc gia bơi bể 25m vừa qua, nếu chỉ nhìn vào bảng tổng sắp huy chương thì còn lâu bơi lội Hà Nội mới vươn lên ngang hàng TP Hồ Chí Minh hay Đà Nẵng. TP Hồ Chí Minh giành tới 16 HCV, 10 HCB, 6 HCĐ. Đà Nẵng không có Hoàng Quý Phước cũng giành tới 6 HCV, 14 HCB, 9 HCĐ. Còn Hà Nội chỉ là 2 HCĐ, quá khiêm tốn so với những địa phương trên.

Đành phải kiên nhẫn

Khi Hà Nội đăng quang tại Giải vô địch quốc gia 2006, nhiều người đã tin rằng, thời hoàng kim của bơi lội Thủ đô đã trở lại. Nhưng không ai học hết được chữ ngờ. Sự ra đi đột ngột vì tai nạn giao thông của Nguyễn Huy Hoàng, kình ngư đầu đàn của đội nam Hà Nội báo hiệu sự đi xuống. Chỉ hai, ba năm sau, bơi Hà Nội đã tụt lại so với những trung tâm hàng đầu khác. Đến Đại hội TDTT toàn quốc năm 2010, trong lứa VĐV thi đấu tại Giải vô địch quốc gia năm 2006 chỉ còn Đỗ Huy Long. Lúc ấy, Huy Long cũng không còn là mình sau khi đánh rơi phong độ trong thời gian tập trung ở đội tuyển quốc gia. Một chút tự ái, máu nghề cũng chỉ giúp Huy Long đoạt 1 HCV. Đấy cũng là HCV duy nhất của bơi Hà Nội tại Đại hội TDTT toàn quốc. Sau đại hội, Huy Long cũng giã từ sự nghiệp VĐV dù đã được hứa hẹn một suất vào biên chế. Có lẽ môi trường của bơi Hà Nội trong những năm trước đó khiến kình ngư này cùng nhiều đồng đội nản lòng. Nản nhất là khi nhìn vào lứa VĐV kế thừa. Tất cả không được chăm sóc đến nơi đến chốn. Khâu tuyển chọn không khoa học, HLV không mặn mà với nghề. Có lần, người có trách nhiệm ở Trung tâm huấn luyện và thi đấu TDTT Hà Nội đã kể lại rằng nhiều VĐV bơi được đi tập huấn tại Trung Quốc chỉ thực hiện 1/10 giáo án. Khâu quản lý yếu như vậy nên chẳng trách bơi Hà Nội cứ tụt dốc, không giữ nổi người tài. Thành tích đi xuống là đương nhiên. Chuyện chỉ giành 1 HCĐ tại Giải vô địch quốc gia bơi bể 50m năm 2011 là nỗi thất vọng lớn với những người từng tự hào về một thời vẻ vang của bơi lội Hà Nội. Thời gian ấy cũng là lúc bơi Hà Nội đang nỗ lực lấy lại hình ảnh sau một loạt biện pháp siết chặt, cơ cấu lại đội ngũ quản lý, HLV. Ngay từ lúc ấy, tất cả đã xác định rằng, ít nhất phải đến năm 2014, bơi Hà Nội mới có thể mở mày mở mặt tại Giải vô địch quốc gia. Cho nên, cũng chẳng ai bất ngờ khi bơi Hà Nội chỉ giành 2 HCĐ tại Giải vô địch quốc gia bơi bể 25m vừa qua.

Vấn đề là những người có trách nhiệm phải dồn hết tâm huyết, trí lực và cả những cải cách về chế độ bồi dưỡng, thưởng để hai năm nữa không phải lép vế trước những trung tâm như TP Hồ Chí Minh, Quảng Bình, Đà Nẵng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bơi lội Hà Nội: Kiên nhẫn chờ thời

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.