Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bối cảnh, âm mưu của đế quốc Mỹ trên bầu trời Hà Nội

Thượng tá, Tiến sĩ Lê Quý Thi| 11/12/2022 06:46

(HNM) - Đầu năm 1972, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn quyết liệt. Trên cả ba mặt trận: Quân sự, chính trị và ngoại giao, quân và dân ta đều giành thắng lợi to lớn. Trong bối cảnh đó, để cứu vãn tình thế, ngày 6-4-1972, Tổng thống Mỹ R.Nixon vội vã ra lệnh tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai ra miền Bắc với quy mô lớn hơn, tính chất ác liệt, tàn bạo hơn nhiều so với cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất.

Đại đội pháo cao xạ đánh chặn máy bay Mỹ, bảo vệ Thủ đô (tháng 12-1972). Ảnh: TTXVN

1. Chiến tranh kéo dài khoét sâu thêm những mâu thuẫn trong nội bộ và làm trầm trọng hơn những khó khăn về kinh tế, chính trị, xã hội của nước Mỹ, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang đến gần, sức ép của cử tri, của phong trào phản đối chiến tranh xâm lược Việt Nam và các lực lượng chính trị ở Mỹ tác động mạnh mẽ đến Tổng thống R.Nixon. Trong khi đó, Hội nghị đàm phán bốn bên tại Paris đã kéo dài 4 năm mà Mỹ vẫn chưa tìm được lối thoát. Đầu tháng 10-1972, ta đưa ra dự thảo Hiệp định “Về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” và phía Mỹ chấp thuận bản dự thảo này. Hai bên dự định ngày 31-10-1972 sẽ ký kết. Tuy nhiên, sau khi tái đắc cử Tổng thống nhiệm kỳ hai, R.Nixon đã trắng trợn lật lọng, xóa bỏ dự thảo Hiệp định đã thỏa thuận.

Nhân dân Mỹ đang mong đợi một giải pháp hòa bình để kết thúc chiến tranh Việt Nam vì R.Nixon đã công bố “hòa bình đã ở tầm tay”. Nhưng đây chỉ là “phát ngôn” của R.Nixon để lừa bịp nhân dân Mỹ. Theo R.Nixon “Kế hoạch bây giờ là gây sức ép ngày càng tăng đối với Hà Nội bằng việc ném bom khu phi quân sự và tiến dần ra phía Bắc mỗi ngày một ít”.

2. Để giảm áp lực cho chiến trường miền Nam, đồng thời gây áp lực với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trên bàn đàm phán Paris, ngay từ cuối tháng 10-1972, không quân Mỹ tiếp tục sử dụng hàng nghìn lượt máy bay tiêm kích và cường kích, đặc biệt là máy bay B-52 đánh phá ác liệt vào hệ thống giao thông ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình; các bến vượt sông như Bến Thủy, sông Gianh...

Ngày 20-11-1972, sau khi cuộc bầu cử đã xong xuôi, H.Kissinger đồng ý gặp lại đồng chí Lê Đức Thọ. Hai bên đã trao đổi về những vấn đề cơ bản của bản dự thảo Hiệp định tháng 10, nhưng phía Mỹ đề nghị sửa đổi 126 điều để trì hoãn.

Thực chất âm mưu của Mỹ lúc này: Một là, muốn tranh thủ thời gian giúp quân đội Sài Gòn giành dân, lấn đất để cải thiện thế chiến trường, đồng thời tăng cường viện trợ ồ ạt vũ khí, trang bị cho quân đội Sài Gòn, chuẩn bị cho chính quyền của Nguyễn Văn Thiệu đi vào giải pháp chính trị trên thế mạnh. Hai là, tập trung ngăn chặn nguồn chi viện từ miền Bắc cho miền Nam, chuẩn bị một đòn mạnh hòng gây sức ép buộc phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải nhân nhượng theo các điều khoản mà Mỹ đã sửa đổi trong bản dự thảo Hiệp định tháng 10.

Ngày 21-11-1972, phái đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trở lại hội nghị nhưng kiên quyết không nhân nhượng những đòi hỏi vô lý của Mỹ nên cuộc họp đi vào bế tắc. Tình hình diễn biến căng thẳng, Mỹ lập cầu hàng không để tăng cường ồ ạt vũ khí, phương tiện chiến tranh cho quân đội Sài Gòn. Ở miền Bắc, Mỹ cho máy bay, pháo hạm ngày đêm oanh tạc, bắn phá dữ dội Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An. Bình quân mỗi ngày có từ 170-180 lần chiếc máy bay chiến thuật xuất kích, có ngày tới 300 lần chiếc, trong đó sử dụng 27 lần chiếc B-52 thả 1.000 thủy lôi và bom từ trường xuống các cửa sông, cửa biển...

Tất cả những hoạt động quân sự của Mỹ trên chiến trường miền Bắc Việt Nam nhằm gia tăng sức ép, buộc phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải chấp nhận những điều kiện có lợi cho Mỹ trên bàn đàm phán; phá hoại tiềm lực kinh tế, quốc phòng, ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc đối với miền Nam; gây hoang mang, làm lung lay ý chí quyết tâm chiến đấu chống Mỹ của nhân dân Việt Nam.

Khi rời Paris, H.Kissinger đe dọa cuộc chiến tranh sẽ tăng lên trừ khi Hà Nội nhượng bộ. Trong cuộc trả lời báo chí chiều 25-11-1972, ông ta đã “răn đe”: “Nếu Hà Nội không nhượng bộ, chiến tranh sẽ trở lại với cường độ tăng lên gấp nhiều lần so với trước”. Ngày 14-12-1972, R.Nixon ra tối hậu thư cho Hà Nội: Nhượng bộ theo yêu sách của Mỹ trong vòng 3 ngày hoặc phải đương đầu với một chiến dịch ném bom. Tuy nhiên, cùng ngày hôm đó (14-12-1972), ông ta chính thức phê chuẩn kế hoạch tập kích chiến lược B-52 vào Hà Nội, Hải Phòng với mật danh Linebacker II (nghĩa là Cứu bóng trước khung thành II).

Ngày 18-12-1972, Tổng thống Mỹ R.Nixon đã ra lệnh mở chiến dịch tập kích đường không với quy mô lớn chủ yếu bằng máy bay ném bom chiến lược B-52. Đây là chiến dịch tập kích đường không chiến lược chủ yếu bằng máy bay B-52 vào Hà Nội, Hải Phòng và một số khu vực công nghiệp với quy mô lớn nhất trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam. R.Nixon đã đích thân theo dõi, kiểm soát toàn bộ quá trình chuẩn bị và thực hành Chiến dịch Linebacker II. Trên tờ New York Times ngày 7-1-1973, ghi rằng: “Nixon đã sử dụng các công cụ khủng bố không phải để bảo vệ nước Mỹ hoặc lính Mỹ chống lại một cuộc chiến tranh, mà là để ép buộc đối phương phải chấp nhận những điều kiện của ông tại bàn thương lượng”.

Vấn đề đặt ra đối với nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới đó là liệu ta có “trụ nổi” cú đánh “cuối cùng” của Mỹ, cú đánh mà R.Nixon ngỡ rằng nhất định sẽ đánh gục sức đề kháng của ta ở chiến trường. Với sự chủ động nắm bắt tình hình, nghiên cứu cách đánh và sự chuẩn bị về chiến dịch, chiến thuật kỹ lưỡng; chủ động đối phó với những âm mưu và kế hoạch đánh phá của đế quốc Mỹ, nhân dân Việt Nam chấp nhận thực hiện một “Điện Biên Phủ trên không” để trả lời với cả thế giới rằng “Việt Nam có thể đánh Mỹ, thắng Mỹ và cao hơn là đập tan ý chí xâm lược của Mỹ”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bối cảnh, âm mưu của đế quốc Mỹ trên bầu trời Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.