(HNMO) - Trước tình hình dịch Covid-19 tăng cao tại một số địa phương, nhiều người dân đã đổ xô đi tìm mua các thiết bị y tế cung cấp khí ô xy để dự trữ nếu chẳng may mắc bệnh. Ngày 19-7, Bộ Y tế khuyến cáo, người dân không nên mua, tích trữ máy thở, bình khí ô xy vì vừa lãng phí do không thể tự sử dụng được mà còn có thể gây nên sự khan hiếm nguồn cung trên thị trường.
Không phải cứ mắc Covid-19 là cần thở máy
Tính từ ngày 27-4 đến nay, nước ta đã ghi nhận hơn 52.000 ca mắc Covid-19. Hiện đã có 10.667 ca bệnh được điều trị khỏi, còn 118 ca nặng đang điều trị ICU (hồi sức tích cực) và 18 ca bệnh nguy kịch đang điều trị ECMO (thiết bị tim, phổi nhân tạo).
Làn sóng dịch thứ tư đang tăng nhanh tại nhiều tỉnh, thành phố, cùng với sự nguy hiểm của biến thể Delta đã tạo nên áp lực rất lớn cho khối điều trị, kéo theo đó là sự lo lắng từ người dân. Thậm chí, không ít người đã tìm mua các thiết bị thở máy, thiết bị tạo ô xy, tích trữ các bình khí ô xy để "phòng" cho những tình huống xấu sẽ xảy ra.
Chỉ cần vào Google gõ từ khóa "thiết bị ô xy", có khoảng 18,5 triệu kết quả chỉ trong vòng 0,45 giây. Thiết bị tạo ô xy, bình ô xy, máy thở... không chỉ tràn ngập tại các cửa hàng trên phố chuyên bán vật tư y tế Phương Mai (quận Đống Đa, Hà Nội) mà còn xuất hiện trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada... với đủ các kích cỡ, xuất xứ và giá tiền khác nhau. Người dân không phải đến tận nơi mà chỉ cần ngồi nhà và sau vài cú click chuột là các thiết bị tạo ô xy, bình ô xy... sẽ được nhân viên "ship" đến tận nơi.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Hànộimới, các loại bình thở ô xy mini 5 lít, 8 lít sử dụng tại nhà hoặc có thể mang đi có giá từ 700.000 đồng đến hơn 1,3 triệu đồng; máy đo độ bão hòa ô xy trong máu có giá từ 200.000 đến 400.000 đồng; máy tạo ô xy có giá từ 7 triệu đồng đến 35 triệu đồng...
Nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng, hàng loạt doanh nghiệp, người buôn bán… đã chào bán các loại thiết bị này, với những dòng quảng cáo bắt mắt như: “Giảm 50% giá máy tạo ô xy dùng tại nhà chính hãng trong tháng 7, chỉ còn 9 triệu đồng/chiếc”, hay “Máy tạo ô xy, máy thở tại nhà, giá 12 triệu đồng/chiếc…”.
Theo một doanh nghiệp có địa chỉ tại phường Thới An, quận 12, máy tạo ô xy, máy thở tại nhà có rất nhiều chủng loại, xuất xứ, giá cả đa dạng. Phần lớn được nhập từ phía Bắc về theo từng đơn hàng, giao trong vòng 10 ngày sau khi chuyển tiền đặt cọc.
Cùng với các doanh nghiệp chuyên kinh doanh máy móc, thiết bị y tế, một số công ty hoặc cá nhân không chuyên về mảng này cũng tham gia thị trường, chào bán các loại máy với giá rẻ “giật mình”.
Trước tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên địa bàn Hà Nội, chị Lê Thị Huyền, ở phường Mộ Lao, quận Hà Đông cho biết, ngay sau khi nhận thông tin trên địa bàn phường Mộ Lao - nơi gia đình tôi sinh sống có bệnh nhân mắc Covid-19, chồng chị đã tìm hiểu trên thị trường về máy tạo ô xy để mua về dự trữ.
"Theo hướng dẫn của nhà cung cấp, đây là thiết bị cung cấp nguồn khí ô xy sạch, tinh khiết cho các bệnh nhân khó thở, tức ngực, bệnh nhân mắc các bệnh về đường hô hấp, suy tim, suy phổi... Chính vì vậy, chồng tôi muốn mua để sẵn trong nhà và khi cần sẽ lấy sử dụng", chị Huyền nói.
Trước thực trạng, người dân tự mua máy tạo ô xy, máy thở, bình ô xy... để tự dùng tại nhà, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, đối với các trường hợp bệnh nhân mắc Covid-19 có xuất hiện tình trạng suy hô hấp, khó thở thì việc sử dụng các thiết bị, hệ thống hỗ trợ hô hấp cho bệnh nhân là điều cần thiết. Tuy nhiên, không phải tất cả các trường hợp bệnh nhân Covid-19 đều cần đến thở máy.
Ông Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương cũng đưa ra cảnh báo, việc người dân tự ý mua các thiết bị tạo ô xy để sử dụng tại nhà là không cần thiết. Khi mắc Covid-19, người bệnh cần được điều trị chuyên biệt, không thể đơn thuần điều trị tại nhà với ô xy y tế.
Bộ Y tế cam kết không thiếu máy thở cho người dân
Theo Bộ Y tế, từ những dữ liệu được ghi nhận trong đợt dịch lần này cho thấy, có khoảng 80% các bệnh nhân không triệu chứng hoặc có biểu hiện lâm sàng nhẹ; chỉ có khoảng 5% số ca bệnh cần thở ô xy gọng kính; 0,17% thở máy không xâm nhập và 1,3% số ca thở máy xâm nhập.
"Việc thiết lập, vận hành và đưa vào sử dụng hệ thống máy thở cũng khác và yêu cầu cao hơn so với các thiết bị theo dõi sức khỏe thông thường mà người dân có thể sử dụng tại nhà như nhiệt kế, máy đo huyết áp, máy đo đường huyết...", ông Nguyễn Trọng Khoa nói.
Cũng theo ông Nguyễn Trọng Khoa, việc thiết lập và vận hành hệ thống máy thở cần được thực hiện tại các cơ sở y tế có đầy đủ trang thiết bị phụ trợ (hệ thống ô xy, hệ thống khí nén), cần có thầy thuốc (bác sĩ, điều dưỡng) được đào tạo chuyên môn bài bản để vận hành.
Bên cạnh đó, trong quá trình bệnh nhân sử dụng máy thở cũng cần được kiểm tra, theo dõi định kỳ, tiến hành các xét nghiệm cần thiết để có những chỉ định và xử lý kịp thời. Trong điều kiện gia đình, không thể thiết lập các hệ thống máy thở cũng như không thể cắt cử các kíp chuyên môn đến vận hành và theo dõi việc sử dụng máy thở tại nhà riêng cho bệnh nhân.
Ngày 19-7, Bộ Y tế cũng đã có công văn đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố rà soát và bảo đảm khả năng cung cấp ô xy y tế, sẵn sàng ứng phó trước mức độ lan truyền, tăng số bệnh nhân nặng ở các tỉnh, thành phố. Tuyệt đối không để tình trạng thiếu ô xy y tế trong cấp cứu, điều trị.
"Bộ Y tế và thành phố Hồ Chí Minh cam kết không thiếu máy thở cho người bệnh, do đó người dân hoàn toàn có thể yên tâm. Người dân không nên mua, tích trữ máy thở vì vừa gây lãng phí do không thể tự dùng được, mà còn tạo sự khan hiếm nguồn cung khiến các cơ sở y tế, bệnh viện có thể không thể mua được máy cho bệnh nhân cần trong trường hợp dịch có những diễn biến khó lường", ông Nguyễn Trọng Khoa nhấn mạnh.
Còn về vấn đề nguồn cung khí ô xy, Bộ Y tế đã khảo sát và đánh giá năng lực sản xuất ô xy tại nước ta, kết quả cho thấy, khả năng cung ứng ô xy từ các đơn vị sản xuất trong nước cao gấp 30 lần so với nhu cầu hiện nay tại các bệnh viện. Như vậy, nguồn cung cấp khí ô xy cho cả nước đều không thiếu. Do đó, người dân không nên mua, tích trữ các bình khí ô xy tại nhà vì không những không thể sử dụng được mà còn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất lớn.
Nguy hiểm khi tự dùng
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hồng Đức, Cố vấn chuyên môn Trung tâm Điều trị bệnh hô hấp phổi Việt (quận 10, thành phố Hồ Chí Minh) còn lưu ý: “Nguồn ô xy có từ bình nén, ô xy lỏng, máy tách ô xy. Nếu không được kiểm tra, tư vấn trước khi dùng, người bệnh dễ bị ứ khí CO2, thậm chí ngưng thở. Ngoài ra, bình chứa khí ô xy còn là nguồn gây cháy rất lớn, nếu để gần nguồn lửa như hút thuốc, hay tháo lắp van giảm áp sai quy định…”.
Theo Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, số ca nhiễm tăng nhanh, nhưng ngành Y tế thành phố luôn có kế hoạch dự phòng vật tư, thiết bị vượt 100% nhu cầu để ứng phó trong mọi cấp độ địch.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, thông tin, tại mỗi bệnh viện dã chiến, đều được lắp đặt ít nhất 3 bồn ô xy cao áp, mỗi bồn 10 tấn. Cùng với đó, Bộ Y tế đã thiết lập kho dự trữ hậu cần quốc gia đặt ngay tại thành phố Hồ Chí Minh để cùng thành phố và các địa phương phía Nam ứng phó với dịch bệnh.
“Riêng máy thở, ngoài số máy hiện có của thành phố, Bộ Y tế đã chuyển thêm vào đây 2.000 máy, nên sẽ không thể có tình trạng thiếu máy thở tại các cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 tại thành phố Hồ Chí Minh”, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam nhấn mạnh.
Để cài đặt Bluezone trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.