(HNMO)- Chiều 5/5, Bộ VHTT&DL đã có cuộc gặp gỡ báo giới để chính thức lên tiếng giải đáp những thắc mắc và nghi ngờ có khuất tất xung quanh việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) – Doanh nghiệp hàng đầu trong ngành điện ảnh Việt Nam.
Nhà nước bắt buộc nắm giữ 20% cổ phần
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ VHTTDL – Huỳnh Vĩnh Ái khẳng định, việc tiến hành cổ phần hóa VFS được thực hiện đúng theo quy định của nhà nước. Đáng lẽ ra sau khi cổ phần hóa VFS, Nhà nước sẽ chỉ nắm 1-2% cổ phần hoặc không nắm giữ % nào vì theo Quyết định số 37 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp Nhà nước có cổ phần hóa thì Nhà nước không cần nắm cổ phần đối với loại hình doanh nghiệp về điện ảnh, chỉ nắm cổ phần một số doanh nghiệp đặc thù như Hãng phim Hoạt hình và Hãng phim Tài liệu khoa học Trung ương. Tuy nhiên Bộ VHTT&DL xem xét thấy VFS có bề dày lịch sử 56 năm, là cây đại thụ trong làng điện ảnh Việt với rất nhiều tác phẩm kinh điển nên đã quyết định Nhà nước sẽ nắm giữ 20% cổ phần, Nhà đầu tư chiến lược giữ 65% cổ phần, cán bộ công nhân viên giữ 5% cổ phần, các nhà đầu tư khác sẽ giữ 10% cổ phần.
Đại diện Bộ VHTT&DL cũng thừa nhận, trong suốt một thời gian dài, VFS lỗ vì nhiều nguyên do, lại chủ yếu trông chờ vào phim do Nhà nước đặt hàng. Mỗi năm, Cục Điện ảnh, Bộ VHTT&DL mỗi năm đều cố tình đưa 1-2 phim đặt hàng để Hãng có tiền nuôi sống bộ máy. Hiện trạng, xác định giá trị doanh nghiệp của VFS lỗ tổng số 77,3 tỷ so với tổng vốn đầu tư ban đầu là 97 tỷ, chỉ còn 19,7 tỷ đồng (chưa tính giá trị đất). Tuy nhiên, sắp tới sẽ có quy chế mới về việc phim đặt hàng cũng phải đấu thầu, mà như thế thì rất khó cho VFS và nếu cứ tiếp tục thua lỗ thì sẽ đến lúc Hãng phải tuyên bố phá sản theo quy định của pháp luật.
Không dễ tìm nhà đầu tư chiến lược
Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái cũng nhấn mạnh, theo quy định của Nghị định 59/2011/NĐ-CP, Công ty cổ phần trong đó có nhà đầu tư chiến lược phải tuân thủ phương án cổ phần hóa do Bộ VHTTDL phê duyệt. Những cam kết của nhà đầu tư chiến lược sẽ được đưa vào Điều lệ Công ty cổ phần gồm 7 điểm: Cam kết với Bộ, nhà nước 90% doanh thu Doanh nghiệp cổ phần hóa (DNCPH) phải từ phim không phải từ mặt hàng khác; Cam kết trả tiền thuế đất hãng phim nợ; Cam kết đầu tư cơ sở vật chất phục vụ làm phim; Cam kết tuân thủ phương pháp sử dụng đất sau cổ phần hóa để phục vụ sản xuất phim; Cam kết sử dụng toàn bộ số lao động của hãng phim có nguyện vọng về công ty cổ phần, tiếp tục đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ; Cam kết sử dụng toàn bộ số tiền thu được từ CPH đầu tư sản xuất phim, còn lại 20% đấu thầu sản xuất phim; Nhà nước sẽ cử 3 người vào vị trí lãnh đạo gồm: Thành viên Hội đồng quản trị, Ban giám đốc, Ban kiểm soát. Trước những yêu cầu nghiêm ngặt đó, chỉ duy nhất nhà đầu tư là Công ty Vận tải thủy (VIVASO) chấp nhận tất cả.
Hiện trạng nhà xưởng xập xệ sau 20 năm
Trước thông tin việc tìm nhà đầu tư để xúc tiến cổ phẩn hóa VFS diễn ra trong thời gian gấp gáp, ít người biết nên chỉ có một đơn vị duy nhất ứng tuyển, ông Trần Hoàng – Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ VHTTDL cho biết, trước khi quá trình cổ phần hóa diễn ra, cơ quan chức năng đã gặp gỡ và phổ biến tới tất cả cán bộ nhân viên của VFS về việc ai biết nhà đầu tư chiến lược nào thì giới thiệu. Thông tin về việc tìm kiếm nhà đầu tư đã được đăng báo rộng rãi, dán trên bảng thông báo tại VFS và cũng được đơn vị tư vấn cổ phần hóa do Bộ Tài chính lựa chọn đăng tải trên trang web của mình.
Ông Trần Hoàng cũng cho biết thêm, trước VIVASO đã có một số nhà đầu tư quan tâm đến việc cổ phần hóa VFS nhưng sau khi tìm hiểu thì đã bỏ đi không phản hồi. Trong khi theo Luật doanh nghiệp hiện hành, Nhà nước không thể tiếp tục tài trợ cho các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ nên việc cổ phần VFS đặt ra bức thiết hơn bao giờ hết.
Không có chuyện “bán rẻ” Hãng phim
Trước thông tin nghi ngại về việc sau khi tiến hành cổ phần hóa, Nhà đầu tư có thể không thực hiện cam kết hoặc sử dụng đất không đúng yêu cầu sử dụng đất?
Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái một lần nữa khẳng định sẽ không có chuyện đó, vì theo cam kết của của Nhà đầu tư chiến lược, trong vòng 5 năm kể từ ngày chính thức chuyển sang công ty cổ phần Bộ VHTTDL sẽ thực hiện giám sát việc thực hiện hoạt động của Công ty cổ phần theo Phương án cổ phần hóa đã được Bộ VHTTDL phê duyệt. Nếu Nhà đầu tư chiến lược không thực hiện đúng cam kết sẽ bị xử lý theo quy định tại khoản 3 Điều 6 Nghị định số 59/2011/NĐ-CP. Bộ sẽ có chế tài xử lý, nếu không làm đúng sẽ chấm dứt hợp đồng, yêu cầu bồi thường thiệt hại. Nếu sử dụng đất không đúng mục đích, có thể đề nghị Nhà nước thu hồi đất.
Ngoài ra, trước nghi ngại về năng lực của Nhà đầu tư chiến lược có hoạt động kinh doanh về ngành nghề “không liên quan” là vận tải thủy như VIVASO, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái cho biết Luật Doanh nghiệp hiện hành cho phép doanh nghiệp có quyền kinh doanh các ngành nghề mà pháp luật không cấm nên việc VIVASO kinh doanh lĩnh vực sản xuất phim ảnh là hoàn toàn hợp pháp. Đơn vị này cũng không nhất thiết phải trực tiếp làm phim mà có thể thuê người quản lý và các chuyên gia có kinh nghiệm và chuyên môn trong lĩnh vực này.
Sau khi cổ phần hóa, VFS sẽ được đổi tên thành Công ty CP đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam. Mặc dù VIVASO nắm phần lớn cổ phiếu nhưng Nhà nước vẫn sẽ có 3 người đại diện tham gia vào các vị trí lãnh đạo gồm: thành viên Hội đồng quản trị, ban Tổng Giám đốc và ban kiểm soát.
Trước thông tin về việc Hãng VFS sở hữu một kho súng (đạo cụ được tặng từ năm 1955 và 1975) có giá trị khá lớn, ông Trần Hoàng cũng khẳng định tất cả kho súng này đều được kiểm kê,đang trong quá trình xác định giá trị doanh nghiệp, tuy nhiên vì lý do không có đơn giá nên việc xác định này rất khó khăn. Chúng tôi vẫn tiến hành kiểm kê, xác định sẽ xin ý kiến Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng xác định quyền sử dụng và giá trị để xác định giá trị lần 2, sẽ được cộng vào vốn nhà nước sau khi cổ phần hóa xong.
Còn với thông tin về việc VIVASO chấp nhận bỏ tiền ra để trở thành chủ sở hữu của VFS là bởi các khu đất mà VFS đang sử dụng ước tính có giá trị lên tới hàng nghìn tỷ đồng, đại diện Bộ VHTT&DL cũng khẳng định, khu đất tại số 4 Thụy Khuê mà VFS đang thuê thuộc quy hoạch khu chính trị Ba Đình chưa được phép xây dựng mà chỉ có thể sửa chữa nâng cấp. Bên cạnh đó, tất cả các khu đất do VFS sở hữu đều là đất thuê trả tiền hàng năm nên nói VIVASO “mua” VFS chỉ vì mảnh đất “vàng” này là không có căn cứ. Ngoài ra, tất cả các khu đất nếu sử dụng sai mục đích, Bộ sẽ có văn bản yêu cầu thu hồi.
Đạo diễn, NSƯT Vương Đức – Giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam |
Chia sẻ về quá trình cổ phần hóa VFS, Đạo diễn, NSƯT Vương Đức – Giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) cho biết: “Không phải đến bây giờ việc cổ phần hóa Hãng mới được đặt ra, mà thực chất việc này đã diễn ra từ cách đây 7-8 năm. Thậm chí khi đó, Hãng từng tổ chức đại hội công nhân viên chức bất thường để xin ý kiến về việc này và 100% cánh tay đã giơ lên thể hiện sự đồng tình. Thời gian qua có một số ý kiến trái chiều, nhưng đa phần họ đều là những cựu cán bộ của Hãng phim, cũng có phần lo cho “số phận” của Hãng phim, tuy nhiên họ không còn nắm rõ tình hình bằng cán bộ hiện đang làm việc tại đây”.
Đạo diễn Vương Đức cũng chia sẻ tâm tư với báo giới: “Thú thật là tôi rất buồn! Với cương vị là một người công tác lâu năm tại Hãng, tôi cũng có cảm giác như… “đứa con bị bỏ rơi”. VFS là hãng phim đã có cống hiến rất lớn cho ngành điện ảnh. Tuy nhiên, trước thực trạng kinh doanh thua lỗ của Hãng, trước “sự sống” và “cái chết” thì tôi chọn cổ phần hóa còn hơn là cùng nhau “chết chìm” để cùng tiếp tục kéo dài những ước mơ, khát vọng về điện ảnh. Sau khi cổ phần hóa xong, tôi cũng chưa biết mình làm nhiệm vụ gì, nhưng tôi chắc chắn mình sẽ là một đạo diễn!”
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.