(HNMO) - Cơ sở hạ tầng thiếu, chất lượng khám chữa bệnh “yếu” kèm theo tình trạng quá tải tại các bệnh viện là những vấn đề “nóng” tồn tại nhiều năm nay của ngành y tế.
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội chiều 27-5, Bộ Trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, chỉ số giường bệnh trên 1.000 dân ở nước ta hiện rất thấp nên quá tải là khó tránh khỏi. Tới đây, ngành y tế sẽ đề xuất một số giải pháp nhằm tháo gỡ những tồn tại hiện nay, song việc giải quyết tình trạng quá tải bệnh viện không chỉ thực hiện trong một sớm, một chiều.
- Quá tải bệnh viện đang là một trong những vấn đề nổi cộm được đông đảo người dân quan tâm. Vậy đến bao giờ vấn đề này mới được cải thiện thưa Bộ trưởng?
Giải quyết tình trạng này, chúng ta phải xây thêm bệnh viện, phòng khám rồi trạm xá... Trong một thời gian ngắn, Bộ Y tế đã tập trung ngân sách và không đầu tư dàn trải nên trên thực tế đã có thêm những cơ sở y tế như Bệnh viện K (cơ sở 2) tại Tân Triều (Hà Nội) với quy mô 300 giường bệnh và năm nay sẽ nâng lên 500 giường với cơ sở vật chất hoàn toàn khác với Bệnh viện K ở nội thành. Ngoài ra, Bệnh viện Nội tiết (cơ sở 2) ở Thanh Trì, Hà Nội cũng được xây dựng hiện đại. Các khoa Tim mạch, khoa Khám bệnh, Bệnh viện Bạch mai… cũng đã được trang bị hiện đại khác hẳn ngày xưa. Hiện không còn cảnh chật chội, chen chúc mà đã ngành y tế đã trang bị phòng máy lạnh, lấy số thứ tự điện tử phục vụ người dân.
Tuy nhiên, phòng nội trú cho bệnh nhân thì vẫn chưa giảm tải được khi chưa được xây mới. Trong khi đó, một số bệnh viện vệ tinh mới được xây dựng thêm song cần có thời gian chuyển giao công nghệ cho bệnh viện tỉnh. Tại các địa phương như: Phú Thọ, Ninh Bình, Nghệ An… đã hoàn thành chuyển giao công nghệ và sau một thời gian, bệnh nhân ung bướu, tim mạch, chấn thương ở những nơi này không còn chuyển lên tuyến trên nữa. Nhưng làm được điều này các đơn vị cũng phải mất một vài năm. Hiện nay, Bộ Y tế đang triển khai xây mới những bệnh viện vệ tinh với kỹ thuật tương đương như bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức… Thực hiện được điều này sẽ giảm tải cho tuyến trên.
Còn trên thực tế, từ khi giải phóng Thủ đô đến nay, ở Hà Nội mới chỉ xây thêm Bệnh viện Thanh Nhàn và Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Trong khi đó, dân số đã tăng gấp đôi, nhu cầu khám chữa bệnh tăng mạnh nên tình trạng quá tải là không tránh khỏi. Thêm vào đó, chỉ số giường bệnh trên 1.000 dân của mình rất thấp, chỉ 22 giường trong khi của các nước là 40-80 giường bệnh/1000 dân.
- Nhưng nếu cử tri tiếp tục chất vấn Bộ trưởng và yêu cầu đưa ra thời điểm có thể giảm tải cho các bệnh viện, Bộ trưởng sẽ đưa ra hướng giải quyết cụ thể nào?
Câu hỏi này phải dành cho Nhà nước, vì Bộ Y tế không có tiền làm nhà, xây bệnh viện, không có tiền mua trang thiết bị. Chúng tôi rất chia sẻ với cử tri và cảm thấy đau xót vô cùng với những nỗi đau của người dân khi phải nằm ghép, phải chờ đợi lâu. Nhưng cái chính là nguồn vốn đầu tư còn hạn hẹp vì Nhà nước mình còn nghèo. Đương nhiên, Nhà nước mình đã cố gắng nhưng không thể giải quyết một sớm một chiều. Tôi nghĩ, nếu đầu tư mạnh hơn nữa thì tới đây, các bệnh viện mới, hiện đại sẽ được mở ra.
- Vậy tại sao kết quả quyết toán ngân sách nhà nước năm 2011, ngành y tế lại chỉ giải ngân hết 89,1% số vốn được giao?
Số dư còn lại nằm trong bảo hiểm y tế, phần kết dư. Còn phần vốn đầu tư cơ sở hạ tầng gần như quyết toán gần hết. Thêm vào đó, phần trái phiếu Chính phủ dù đã bị cắt giảm bớt, song nhiều địa phương vẫn tiếp tục yêu cầu đầu tư vì công trình dở dang nhiều. Nguồn ngân sách không có, trái phiếu giảm bớt đi thì các công trình đều bị cắt giảm hoặc dừng lại. Đối với các công trình y tế, toàn bộ tuyến tỉnh thì mới cấp được 30% tổng số theo nhu cầu, tuyến huyện khoảng gần 80%. Tính tổng thể thì chỉ được cấp 50% vốn cho tất cả công trình y tế do khủng hoảng kinh tế, cộng với điều kiện nước ta còn nghèo. Với công trình y tế tuyến trung ương thì chưa có gì, sắp tới mới có thêm nguồn đầu tư.
- Vậy ngành y tế kiến nghị cơ chế gì để tăng nguồn đầu tư và phát hành trái phiếu chính phủ có phải là một giải pháp khả thi?
Giải pháp mới đây của ngành y tế là quyết định điều chỉnh giá dịch vụ. Việc tăng giá thực chất không phải chỉ dành để xây dựng mà còn để tính vào những chi phí trực tiếp và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Cụ thể, các giám đốc bệnh viện đã dành những chi phí đó để mở rộng khoa khám bệnh, kê thêm ghế ngồi, mở thêm vé điện tử hẹn giờ khám bệnh và mua thêm giường bệnh nhằm phục vụ người dân tốt hơn.
Về nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực y tế, khó khăn lớn nhất hiện nay là vấn đề ngân sách của chúng ta còn hạn hẹp. Ngành y tế sẽ đề nghị phát hành trái phiếu chính phủ phục vụ lĩnh vực này nhưng có được chấp thuận hay không thì chưa thể biết trước được. Còn trong tổng hợp ý kiến cử tri của MTTQ, cử tri vẫn yêu cầu Nhà nước tăng cường đầu tư. Tình tạng quá tải không phải đổ riêng cho ngành y tế mà thuộc về cả hệ thống. Ngành y tế không thể làm ra nhà, làm ra bệnh viện và mua sắm trong khi ngân sách thì thấp, giá dịch vụ thì không được tăng… Vừa rồi tăng giá dịch vụ y tế mới chỉ thực hiện tăng 3 trên 7 yếu tố chi phí trực tiếp, còn khấu hao tài sản, tiền lương và xây dựng cơ bản vẫn chưa có.
- Vậy theo lộ trình đến bao giờ tiếp tục tăng viện phí?
Điều này phụ thuộc vào nguồn quỹ chi trả bảo hiểm và sức chịu đựng của người dân. Vừa rồi thực hiện tăng viện phí, các bệnh viện tuyến tỉnh đều rất phấn khởi, bởi chất lượng khám chữa bệnh tốt hơn hẳn. Người nghèo được chi trả hết chi phí khám chữa bệnh trong bảo hiểm chứ không phải mua thêm thuốc. Đơn cử, trước kia một bệnh nhân đi cắt abedan, nếu không có thẻ bảo hiểm thì phải mua thêm thuốc tê, kháng sinh. Nhưng với giá viện phí mới thì các loại thuốc đã bao gồm hết.
- Xin cảm ơn Bộ trưởng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.