Ngày 14-11, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Avigdor Lieberman đã tuyên bố từ chức để bày tỏ phản đối lệnh ngừng bắn mà nước này đạt được với các nhóm vũ trang tại Dải Gaza.
Bộ trưởng Quốc phòng Israel Liberman. Ảnh: Times of Israel |
Trong tuyên bố gửi báo giới, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Liberman cho rằng việc chấp nhận lệnh ngừng bắn tại Gaza là hành động “đầu hàng khủng bố”, nhấn mạnh điều đó chỉ mang lại bình yên trước mắt và sẽ gây thiệt hại lâu dài cho Israel.
Ông Liberman cũng kêu gọi Chính phủ Israel nên nhất trí thời điểm tổ chức các cuộc bầu cử "càng sớm càng tốt". Ông đồng thời tuyên bố đảng cánh hữu Yisrael Beitenu sẽ rời khỏi liên minh cầm quyền của Thủ tướng Benjamin Netanyahu. Các cuộc bầu cử Israel dự kiến được tổ chức sau tháng 11-2019, song nhiều khả năng sẽ diễn ra sớm hơn sau khi ông Lieberman từ chức.
Bình luận về quyết định từ chức của Bộ trưởng Quốc phòng Israel Lieberman, ngày 14-11, phong trào Hamas đã gọi đây là "một thắng lợi cho Dải Gaza". Cùng ngày, Thủ tướng Netanyahu đã bảo vệ quyết định chấp nhận lệnh ngừng bắn tại Gaza, cho rằng đây là tất yếu đối với an ninh quốc gia trong trường hợp khẩn cấp. Ngày 13-11, các nhóm vũ trang Palestine, trong đó có phong trào Hồi giáo Hamas, đã đưa ra tuyên bố chung, trong đó khẳng định họ sẽ tuân thủ lệnh ngừng bắn chừng nào phía Israel cũng làm như vậy.
Trước đó, Israel đã tiến hành các cuộc oanh kích ở Gaza nhằm đáp trả các vụ bắn rocket từ vùng lãnh thổ Palestine vào Israel. Phong trào Hồi giáo Hamas và các nhánh vũ trang khác đã phóng hàng trăm quả rocket hoặc nã súng cối khắp khu vực biên giới sau khi bất ngờ tiến hành vụ tấn công bằng tên lửa dẫn đường ngày 12-11 vào một xe buýt khiến 1 binh sĩ Israel bị thương.
Theo các nhà phân tích ở khu vực, có thể thấy Ai Cập một lần nữa thể hiện vai trò tích cực và chủ động trong tiến trình hòa bình Trung Đông, góp phần làm “hạ nhiệt” căng thẳng giữa Israel và Palestine. Trong thời gian qua, Ai Cập đã tập trung mọi nỗ lực để thực hiện vai trò trung gian trong việc xúc tiến một thoả thuận ngừng bắn giữa Israel với phong trào Hồi giáo Hamas. Mặc dù kết quả vẫn chưa được như mong đợi của các bên, nhưng Ai Cập vẫn thực hiện tốt được vai trò là cầu nối giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas, và thường xuất hiện kịp thời khi hai bên bùng phát căng thẳng hay xung đột.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.