Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bộ trưởng Nội vụ giải thích việc tạm dừng bổ nhiệm người trúng tuyển Hiệu trưởng ĐH Luật Hà Nội

Hương Thủy| 16/11/2016 15:51

(HNMO) - Việc tổ chức thi tuyển Hiệu trưởng Đại học Luật Hà Nội gây lùm xùm dư luận suốt thời gian qua vì người dự thi trúng tuyển nhưng lại không được bổ nhiệm đã được ĐB Phùng Đức Tiến (Hà Nam) đặt ra tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ chiều 16/11.

Việc tổ chức thi tuyển Hiệu trưởng Đại học Luật Hà Nội gây lùm xùm dư luận suốt thời gian qua vì người dự thi trúng tuyển nhưng lại không được bổ nhiệm đã được ĐB Phùng Đức Tiến (Hà Nam) đặt ra tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ chiều 16/11.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân


Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho hay, Bộ Tư pháp đã tổ chức thi tuyển chức danh Hiệu trưởng trường ĐH Luật Hà Nội theo đề án thí điểm về thi tuyển cán bộ lãnh đạo quản lý của Bộ Tư pháp. Tuy nhiên, thời điểm Bộ Tư pháp tổ chức thi tuyển, có thông báo kết luận của Bộ Chính trị chỉ đạo tạm dừng việc thi tuyển cán bộ lãnh đạo quản lý ở các địa phương và các bộ, ngành, để chờ thông qua đề án đổi mới phương pháp tuyển chọn cán bộ lãnh đạo quản lý, vì hiện nay việc thi tuyển ở địa phương và các bộ, ngành chưa có sự thống nhất với nhau.

Do đối tượng đăng ký dự thi tuyển Hiệu trưởng trường ĐH Luật Hà Nội theo đề án của Bộ tư pháp khác với yêu cầu trong thông báo kết luận của Bộ chính trị là người đó phải là công chức, viên chức, nên sau khi có ý kiến của cơ quan thẩm quyền, Bộ Tư pháp đã quyết định không bổ nhiệm ông Lê Đình Vinh, người đã trúng tuyển, làm Hiệu trưởng trường ĐH Luật Hà Nội.

Trước ý kiến của một ĐB về việc nhiều tỉnh, TP khi tuyển dụng quy định người dự tuyển phải có hộ khẩu thường trú tại địa phương làm ảnh hưởng đến tuyển dụng người dự tuyển có năng lực, trình độ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ khẳng định, Luật công chức hoàn toàn không quy định điều này. Bộ trưởng yêu cầu địa phương nào làm sai cần nhanh chóng khắc phục.

Không thể viện lý do biên chế chưa đủ mà không giảm

Liên quan đến vấn đề tuyển dụng không minh bạch, chỉ mang tính hình thức, chủ yếu tuyển dụng người nhà mà ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) đặt ra, Bộ trưởng cho hay, ông đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn nghiên cứu vì sao thời gian qua thi tuyển đầu vào viên chức, công chức chỉ đạt hơn 10%, trong khi xét tuyển là 90%. Thời gian tới, việc tuyển dụng sẽ được thực hiện theo hướng mở rộng hình thức thi tuyển để khuyến khích nhiều người thi nhằm bảo đảm công khai, minh bạch, tuyển dụng được người tài, phấn đầu đưa thi tuyển đạt 90%, xét tuyển chỉ còn 10%.

Chưa hài lòng với trả lời của Bộ trưởng, ĐB Nguyễn Sỹ Cương tranh luận, Bộ trưởng nói thi tuyển có thể minh bạch nhưng thực tế không hoàn toàn như vậy. Mặc dù Bộ trưởng đã chỉ đạo thanh tra nhưng việc này chưa mang lại kết quả như mong muốn, những sai phạm trong thi tuyển được phát hiện qua thanh tra còn ít.



Trước ý kiến về việc nên sáp nhập đơn vị hành chính có quy mô nhỏ, đơn vị hành chính trùng lắp nhằm tăng cường hiệu quả tinh giản biên chế mà ĐB Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) nêu, Bộ trưởng cho biết, ông hoàn toàn ủng hộ. Bộ khuyến khích sáp nhập đơn vị hành chính xã nhỏ hơn. Cùng với đó, việc sắp xếp, sáp nhập những cơ quan hoạt động chồng chéo nhau cũng là điều tốt. Địa phương nào lập dự án về vấn đề này Bộ sẽ sẵn sàng phê duyệt.

Về vấn đề tinh giản biên chế, Bộ trưởng cho biết, đây là chủ trương lớn, thể hiện quyết tâm cao làm tinh gọn bộ máy. Thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương chú trọng tinh giản biên chế nhưng ít quan tâm cơ cấu lại công chức, viên chức, cơ cấu lại tổ chức các đơn vị trong đơn vị hành chính của mình. Nếu không kết hợp cơ cấu tổ chức với cơ cấu công chức, viên chức thì không thể thực hiện được tinh giản biên chế. Đây là nhiệm vụ liên quan với nhau.

Bộ Nội vụ đã giao các bộ, ngành, địa phương, trong năm 2017, HĐND các cấp có đủ điều kiện giao kinh phí và biên chế cho các đơn vị. Trước đây, biên chế thường được giao sau khi họp HĐND nhưng năm nay giao trước giúp các bộ, ngành có cơ sở để mỗi năm giảm 1,5% biên chế được giao. Đến thời điểm này, sau 2 năm thực hiện, việc giảm biên chế tương đối chậm. Ngoài biên chế được giao, hợp đồng làm nhiệm vụ chuyên môn đối với các địa phương và các bộ, ngành Trung ương  còn tồn tại hơn 4.000 người; đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, con số này là hơn 60.000 người.

Bộ trưởng khẳng định, việc tinh giản biên chế đang được làm rất cương quyết. Thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại cán bộ, công chức, viên chức không có nghĩa là chưa đủ biên chế thì không giảm mà vẫn phải giảm những người không hoàn thành nhiệm vụ, làm việc không hiệu quả, thay bằng người có trình độ cao hơn, không thể viện lý do biên chế chưa đủ mà không giảm.

Đại biểu QH đề xuất đưa du lịch về ngành Công thương quản lý


Cũng tại phiên chất vấn, ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) đặt câu hỏi: Lĩnh vực du lịch để cho ngành Văn hóa quản lý có xứng đáng với ngành mũi nhọn không? Nếu có thể, ngành du lịch phải được về ngành Công thương quản lý, như vậy mới phát triển được thành ngành mũi nhọn. Bộ trưởng Bộ Nội vụ nên xem xét đề xuất với Chính phủ sắp xếp bộ máy nhà nước một cách khoa học để phát triển ngành du lịch là mũi nhọn.

Trước đề xuất trên, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho rằng, những địa phương có lợi thế về du lịch có thể tách Sở du lịch riêng ra để phát huy tiềm năng từng vùng, từng địa phương nhưng phải bảo đảm không tăng biên chế.

Chưa hài lòng với trả lời của Bộ trưởng, tranh luận thêm về đề xuất trên, ĐB Trần Thị Quốc Khánh cho biết, ý của ĐB là đưa du lịch về ngành kinh tế quản lý để điều tiết quản lý bằng quy luật kinh tế, phù hợp với mục tiêu phát triển ngành kinh tế mũi nhọn. Việc đưa ngành du lịch về cho Bộ Công thương quản lý là phù hợp hơn vì Bộ công thương có Cục xúc tiến thương mại.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bộ trưởng Nội vụ giải thích việc tạm dừng bổ nhiệm người trúng tuyển Hiệu trưởng ĐH Luật Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.