Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bỏ trường điểm, cô giáo tự nguyện về dạy học sinh khuyết tật

Theo Việt Nam plus| 09/02/2016 21:00

Một lần đến thăm người quen là giáo viên dạy học sinh khuyết tật tại Trung tâm Bảo trợ trẻ em mồ côi, tàn tật Việt Trì, cô Nguyễn Thị Kim Thanh đã không thể cầm lòng trước những em nhỏ chịu nhiều thiệt thòi nơi đây.

Năm 2015, cô Thanh vinh dự được Bộ Giáo dục và Đào tạo vinh danh là một trong giáo viên xuất sắc nhất cả nước trong giáo dục học sinh khuyết tật. (Ảnh: PM/Vietnam+)


Trở về nhà, cô đưa ra quyết định khiến tất cả mọi người bàng hoàng: Chuyển từ trường điểm về Trung tâm bảo trợ.

“Đang là giáo viên dạy giỏi của trường lại về dạy học sinh khuyết tật, ai cũng bảo thần kinh tôi chắc… có vấn đề,” cô Nguyễn Thị Kim Thanh chia sẻ.

Bật khóc vì cô nói, trò không hiểu

Nghĩ về những ngày đầu chuyển tới Trung tâm Bảo trợ trẻ em mồ côi, tàn tật Việt Trì năm 2003, cô Thanh vẫn nhớ cảm giác hụt hẫng và chới với khi mọi thứ tưởng dễ mà quá khó.

Đang là một giáo viên dạy các học sinh bình thường, chuyển qua một lớp rất đặc biệt với toàn học sinh khiếm thính. Cô nói, trò nhìn nhau ngơ ngác. Trò nói, cô đứng ngây không hiểu. “Tình nguyện về đây dạy nhưng lại không thể giảng bài cho các em.

Giây phút đó, tôi thực sự cảm thấy mình bất lực, nước mắt cứ thế ứa ra,” cô Thanh xúc động nói.

Không thể để các em thất vọng, cô quyết tâm học ngôn ngữ ký hiệu bằng đủ mọi phương thức có thể. Cô tìm mua các sách dạy ngôn ngữ cử chỉ, học hỏi kinh nghiệm và tài liệu từ đồng nghiệp. Mỗi buổi lên lớp dạy học trò cũng chính là giờ cô giáo Thanh thực hành các bài học về ngôn ngữ ký hiệu.

Bên cạnh những quy tắc trong sách vở, còn có các ngôn ngữ tự phát của học sinh. Vì thế, mỗi học trò trong lớp lại chính là giáo viên dạy thứ ngôn ngữ đặc biệt của các em cho cô giáo mình.

Học ban ngày chưa đủ, mỗi tối, cô chăm chỉ đến khu ký túc để giao lưu với các em, vừa để hiểu hơn được đời sống, tâm tư tình cảm của học trò, để có thể đồng cảm nhiều hơn với các em, vừa để rèn luyện thứ ngôn ngữ vốn khá xa lạ với cô.

Với những nỗ lực ấy, chỉ sau hai tháng về trường, cô Thanh đã có thể giao tiếp được cơ bản bằng ngôn ngữ ký hiệu. Những bài giảng dần dễ hiểu và sinh động hơn, tình cảm cô trò cũng ngày càng gắn bó.

Sau hai năm, cô Thanh đã trở thành giáo viên dạy giỏi cho học sinh khuyết tật.

Mong các em có cuộc sống tốt hơn

Với những nỗ lực hết mình vì học trò, cô Thanh đã được đồng nghiệp tín nhiệm giữ chức vụ Phó Giám đốc Trung tâm Bảo trợ trẻ em mồ côi và khuyết tật Việt Trì.

Lên làm quản lý, hiểu hơn về điều kiện hoạt động nơi đây và có cái nhìn bao quát hơn, cô lại càng thấy thương hơn những học trò, thương cả những đồng nghiệp của mình.

Không chỉ có học sinh khuyết tật, ở Trung tâm bảo trợ còn có các học sinh khiếm thị và giáo viên muốn dạy các em phải học chữ nổi. Để dạy học sinh thiểu năng trí tuệ, giáo viên càng phải đa năng, vừa dạy tri thức, vừa rèn cho các em từng kỹ năng nhỏ nhặt trong cuộc sống.

Do bị khuyết tật nên các em cũng khá tự ti và dễ bị tổn thương, dễ bị kích động, đòi hỏi giáo viên phải thật kiên nhẫn, lúc nào cũng nhẹ nhàng và kiềm chế bản thân hết sức có thể.

“Tôi càng hiểu rằng nếu không yêu nghề, không có tình thương yêu các em, họ sẽ không thể trụ lại nơi này. Nhưng thương đồng nghiệp một, tôi lại thương trò gấp nhiều lần,” cô Thanh trầm ngâm nói.

Trung tâm có cơ sở vật chất eo hẹp trong khi đây là điểm đến của các em học sinh khuyết tật, mồ côi trên toàn tỉnh Vĩnh Phúc, thậm chí cả ở các tỉnh bạn như Lào Cai, Yên Bái.

Dạy viết chữ cho các trẻ em khuyết tật. (Ảnh: An Hiếu/TTXVN)


Mỗi năm, Trung tâm vẫn tiếp nhận thêm rất nhiều những trẻ em khuyết tật, mồ côi, có cả những em bé bị bố mẹ bỏ rơi từ lúc lọt lòng.

“Nhưng dễ đến 15-20 năm nay, chúng tôi không xây dựng được gì thêm. Các em ở nội trú nhưng chưa có phòng khép kín, phải đi vệ sinh bên ngoài nên rất bất tiện, nhất là khi trời mưa gió,” cô Thanh buồn rầu nói.

Nghẹn ngào, cô bảo, những học trò của mình đa số có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều khi, để có tiền ăn và mua đồ dùng cho các em, những giáo viên trong trường phải gom góp đồng lương vốn khá eo hẹp của mình.

“Ở đây, chúng tôi không chỉ là giáo viên, học sinh ở nội trú nên chúng tôi còn chính là cha, là mẹ của các em, nên không ai cầm lòng được khi nhìn học sinh mình chịu đói,” cô Thanh tâm sự.

Hiện ở Trung tâm có hai học sinh bại não bị cha mẹ bỏ rơi, chỉ nằm một chỗ. Các cán bộ, giáo viên của Trung tâm phải phục vụ từ ăn, ngủ, giặt giũ, thay nhau trực 24/24, thậm chí giao thừa cũng không được về nhà.

Sau 12 năm gắn bó với những học trò đặc biệt, cô Thanh bảo cô chưa bao giờ ân hận vì quyết định của mình mà coi đó như duyên của cuộc đời mình. “Tôi chỉ mong Trung tâm được cải thiện về cơ sở vật chất để điều kiện học văn hoá, học nghề và nơi ở của các em sẽ được tốt hơn, tương lai của các em vì thế cũng sẽ được đảm bảo hơn,” cô Thanh nói.

Với những đóng góp lớn của mình, năm 2015, cô Nguyễn Thị Kim Thanh đã trở thành một trong gần 200 nhà giáo tiêu biểu trên cả nước có thành tích xuất sắc trong giáo dục học sinh khuyết tật được Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức vinh danh tại Hà Nội./. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bỏ trường điểm, cô giáo tự nguyện về dạy học sinh khuyết tật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.