(HNMO) - Chiều 27-10, trong phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã giải đáp các băn khoăn của đại biểu Quốc hội liên quan vấn đề công chức, viên chức nghỉ việc.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, tình trạng công chức, viên chức nghỉ việc trong 2 năm diễn ra đại dịch là thách thức chung của nhiều quốc gia trên thế giới.
Làm rõ thực trạng nói trên tại Việt Nam, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà dẫn số liệu tổng hợp của UBND 63 tỉnh, thành phố và các bộ, ngành: Từ 1-1-2020 đến 30-6-2022, số công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc là 39.552 người, bằng 1,94% tổng biên chế công chức, viên chức. Trong đó, số công chức là 4.029 người, chiếm 10% và số viên chức là 35.532 người, chiếm 90% tổng số công chức, viên chức thôi việc.
Xét về biên chế bộ máy, ở cấp Trung ương, số thôi việc chiếm 18% và ở cấp địa phương là 82%. Nếu phân chia theo vùng, Đông Nam Bộ chiếm hơn 37,36% tổng số công chức, viên chức thôi việc - cao nhất cả nước. Trong đó, số công chức, viên chức thôi việc tập trung nhiều nhất ở thành phố Hồ Chí Minh (hơn 6.177 người), Đồng Nai và Hà Nội mỗi nơi hơn 2.000 người. Tính theo lĩnh vực, ngành Giáo dục có 16.424 người nghỉ việc (chiếm 41,53%), y tế có 12.198 người (chiếm 30,84%).
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, hai năm rưỡi qua, tổng số công chức, viên chức được tuyển dụng mới là hơn 143.961 người, gồm hơn 18.867 công chức, 125.104 viên chức. Riêng viên chức giáo dục được tuyển dụng mới là 74.495 người, y tế là 38.147 người.
“Số liệu trên cho thấy số lượng công chức, viên chức nghỉ việc so với tổng biên chế là không lớn (1,94%), nhưng tập trung ở lĩnh vực trọng điểm giáo dục và y tế nên đây là thách thức cho sự nghiệp công, trực tiếp chăm lo cho nhân tố con người”, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nói.
Hơn nữa, Bộ trưởng cũng chỉ ra thực tế số cán bộ nghỉ việc đa số ở độ tuổi trẻ (từ 40 tuổi trở xuống và trên 50% có trình độ đại học); số nghỉ việc cũng tập trung ở nhiều tỉnh, thành phố lớn, có tốc độ phát triển kinh tế nhanh, có nhiều khu công nghiệp, dịch vụ y tế, giáo dục phát triển. Số lượng công chức, viên chức trẻ được tuyển dụng mới tăng cao nhất trong những năm trở lại đây.
Về nguyên nhân, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, Việt Nam đang tập trung phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại, đầy đủ, hội nhập nhằm đạt tới một thị trường lao động vận hành theo quy luật khách quan của kinh tế thị trường, nhất là quy luật cung cầu. Đồng thời, thị trường lao động đòi hỏi khả năng kết nối, vận hành đồng bộ, tương tác thông suốt giữa các khu vực, các vùng trong cả nước, giữa nông thôn với thành thị, giữa khu vực công với khu vực tư, với các nước trong khu vực và quốc tế.
Do vậy, người lao động có cơ hội bình đẳng trên thị trường lao động, được tự do lựa chọn việc làm, tự do dịch chuyển trên thị trường lao động. Việc công chức, viên chức dịch chuyển từ khu vực công sang khu vực tư là yếu tố khách quan trên cơ sở điều tiết của thị trường lao động theo quy luật tất yếu của kinh tế thị trường, góp phần thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế của nước ta. Đồng thời, tạo động lực để thúc đẩy nhanh hơn sự cạnh tranh lành mạnh, công bằng giữa thị trường lao động ở khu vực công và khu vực tư…
Về giải pháp chủ yếu cho vấn đề này, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà xác định cần tập trung cải cách đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả chính sách tiền lương trong thời gian tới. Đồng thời, tiếp tục đổi mới thể chế để nâng cao hiệu quả bộ máy, tinh giản biên chế, đổi mới công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, đặc biệt là có chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài. Cùng với đó là xây dựng môi trường làm việc văn hóa, đoàn kết, đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho công chức, viên chức làm việc…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.