Rất nhiều tuyến phố đáng lý ra sẽ rất đẹp, nếu chúng không được “trang trí” bằng hàng tá biển hiệu, với ngôn từ ngữ gây phản cảm, mất mỹ quan...
Loạn biển hiệu
Bước chân ra đường ở Hà Nội, nếu không có thần kinh khá vững vàng, có thể bị choáng bởi vô vàn những biển hiệu cồng kềnh, lòe loẹt với những từ ngữ gây phản cảm và khó chịu, biển hiệu nào cũng ganh đua về màu sắc, kích cỡ.
Từ nhà tới ngõ, từ ngõ ra phố, từ phố tới những khu thương mại, siêu thị, chung cư... “hằng hà sa số” những biển hiệu chen nhau, làm cho không gian thêm chật chội, ngột ngạt hơn. Nhiều biển hiệu sử dụng từ ngữ phản cảm hoặc khó hiểu.
Chẳng như trên phố Tôn Đức Thắng có biển hiệu tên là Hoa chuối, nhưng mặt hàng kinh doanh lại là thời trang. Hay biển hiệu Vịt xinh; Giầy xịn dành cho phái đẹp (ở đường Kim Liên mới); Ti tũn thời trang, Béo tuổi trung niên (ở Trần Huy Liệu)... có biển hiệu chỉ có mỗi 1 từ làm cho người đi đường cũng khó hiểu như biển Ngông (ở đường Kim Liên mới); Chảnh (ở Tôn Đức Thắng); hay chỉ có mỗi hình 1 quả dâu tây như ở phố Tây Sơn.
Quảng cáo kiểu gây sốc
Và không ít từ ngữ gây sốc, gây tò mò đã xuất hiện trên biển hiệu như Đặc sản vịt cỏ: Vịt nướng đi em; Tỉ mẩn và lọ mọ (Đội Cấn)... Còn trên đường Giải Phóng là hàng loạt biển hiệu được làm công phu và hoàng tráng đập ngay vào mắt người đi đường những dòng chữ Nạo thai, Hút thai...
Tình trạng biển hiệu lẫn lộn chữ Tây, chữ ta và viết tắt còn nhiều, như Up (Bà Triệu), Zem (Tây Sơn), Hy, Eu... Hay lại có những biển hiệu nửa Tây nửa ta như Ốc’Show, Miss Chi... Còn những biển hiệu về đặc điểm con người thì nhan nhản như Ông già tóc bạc, Bia hơi Hiếu béo, Hải xồm, bánh mỳ Bùi... Không chỉ gây sốc về nội dung, nhiều biển hiệu còn sai chính tả, văn phạm như: xửa xe, sôi chả ruốc... Việc viết sai lỗi chính tả không chỉ ảnh hưởng tới mỹ quan đô thị mà còn dễ gây nhầm lẫn, phản cảm và làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt.
Ngoài nội dung, thì màu sắc, hình dáng, kích thước của các loại biển cũng là điều đáng bàn. Các biển hiệu được thiết kế công phu; biển to, hình bắt mắt, rồi bảng hộp, đèn nhấp nháy đủ loại, đủ màu sắc, bất chấp những quy định thực hành tiết kiệm điện, nhất là trong mùa hè nắng nóng. Địa điểm đặt biển hiệu cũng loạn có thể là vỉa hè, lòng đường, cột điện, cành cây, tường nhà, thậm chí là thùng rác công cộng...
Và những lỗ hổng về quản lý
Năm 2009, UBND thành phố Hà Nội đã có Quyết định 94 về hoạt động quảng cáo. Trước đó, Hà Nội cũng có không ít văn bản liên quan đến lĩnh vực này. Tuy nhiên, những công cụ ấy không phát huy được hiệu quả là bao nhiêu trên thực tế. Biển quảng cáo ở thủ đô vẫn lộn xộn, mạnh ai nấy làm. Chỗ nào trống và bắt mắt là có biển quảng cáo, hình dáng, kích cỡ thì không theo một quy chuẩn nào.
Nhan nhản biển hiệu sai phạm về nội dung, choán hết mặt trước cửa nhà, không chỉ gây mất mỹ quan mà còn nguy hiểm tới tính mạng, tài sản của người dân. Tất cả đã làm nên một bức tranh đủ các màu sắc, vô cùng nhiễu loạn và và bất hợp lí giữa lòng Hà Nội. Công tác quản lý khó khăn, số vụ vi phạm, tái phạm gia tăng trong khi số vụ xử lí, cưỡng chế chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Quảng cáo "nhảm" làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt
Đầu tháng 6 vừa qua, mưa kèm gió lớn đã làm sập tấm biển quảng cáo của một cửa hàng kinh doanh vàng Ngọc Toàn, tại số 30 Quang Trung, quận Hà Đông, đè bị thương nặng 3 người đi đường đang trú mưa phía dưới. Tấm biển quảng cáo cao 5m, rộng 10m vỡ vụn, 2 trụ bê tông cùng gạch đá rơi xuống choán hết vỉa hè và đè lên nhiều xe máy... Điều đáng nói là tiệm vàng này đã bị lập biên bản nhiều lần vì vi phạm Quyết định số 94 năm 2009 của thành phố về hoạt động quảng cáo. Đây có thể nói là ví dụ điển hình của sự bất lực trong quản lý, có nguyên nhân từ sự né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.
Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận là trong lĩnh vực này còn lỗ hổng về pháp luật, có sự chồng chéo, thiếu thống nhất. Ví dụ như cuối năm 2009, Chính phủ ban hành Nghị định 103 sửa đổi Quy chế hoạt động văn hoá kinh doanh dịch vụ văn hoá công cộng, nhưng trong đó không quy định về biển hiệu (không cấp phép biển hiệu nên không có quy định cụ thể về kích thước, chiều cao, nội dung và mức xử phạt). Chính vì vậy, sau đó thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 94, trong đó quy định cụ thể để quản lý biển hiệu.
Theo bà Vũ Thùy Anh, Trưởng phòng quản lý văn hóa, Sở VHTT & DL Hà Nội, sự thiếu thống nhất này chính là lý do khiến người dân, doanh nghiệp không sợ luật. Theo Nghị định 103 thì biển hiệu không phải cấp phép, không quy định kích cỡ, không có chế tài xử phạt, vì vậy họ tự ý làm theo ý của họ. Những trường hợp vi phạm khó xử phạt và quản lý. Bên cạnh đó, công tác xử lý sai phạm và cưỡng chế cũng gặp nhiều khó khăn do lực lượng mỏng, chính quyền cơ sở chưa thực sự kiên quyết. Tình trạng vi phạm ngày càng gia tăng.
Một điều nữa là các doanh nghiệp trong lĩnh vực quảng cáo vì chạy theo lợi nhuận, chạy theo nhu cầu của khách hàng cũng không muốn tư vấn cho khách hàng biết quy định về kích thước, nội dung biển quảng cáo theo đúng Quy định. Nhưng thường cả 2 bên đều làm theo ý muốn chủ quan của mình, và doanh nghiệp quảng cáo nhiều khi biết luật nhưng vì chạy theo lợi nhuận vẫn làm theo ý muốn của khách hàng.
Đã đến lúc cần quy định rõ một cơ quan làm đầu mối chỉ đạo phối hợp quản lý biển quảng cáo. Cùng với đó, Hà Nội sớm xây dựng quy chế phối hợp và phân công trách nhiệm giữa các bên liên quan trong kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm thuộc lĩnh vực này.
Đây là việc không nên chần chừ thêm nữa, vì nhiều năm nay những chế tài, công cụ có liên quan đã không được sử dụng hoặc sử dụng kém hiệu lực trên thực tế. Và một điều cũng quan trọng không kém là cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật; ý thức bảo vệ cảnh quan, môi trường của các cá nhân, đơn vị kinh doanh có sử dụng mặt đường mặt ngõ, cũng như các doanh nghiệp trong lĩnh vực quảng cáo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.