Nguyên nhân chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng cao, theo đại diện Bộ Tài chính, xuất phát từ yếu tố thị trường, nhất là giá xăng dầu thế giới tiếp tục tăng cao hơn dự báo.
Đây là thông tin vừa được ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý Giá, Bộ Tài chính cho biết ngày 31-5.
Trước đó, CPI tháng 5 đã bất ngờ tăng 0,55% so với tháng 4 và là mức tăng cao nhất trong 6 năm trở lại đây. Nói về thống kê trên, ông Tuấn khẳng định, việc này xuất phát từ yếu tố thị trường, như giá một số nhiên liệu, nhất là giá xăng dầu thế giới tiếp tục tăng cao hơn dự báo. Thực tế ấy dẫn đến việc phải điều chỉnh tăng giá trong nước.
Ngoài ra, thời gian qua cũng chứng kiến giá lương thực tăng do nhu cầu xuất khẩu gạo tăng, giá thịt lợn có xu hướng hồi phục do tổng lượng đàn giảm. Hiện giá thịt lợn hơi đang ở mức gấp đôi giá cùng kỳ năm trước.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+) |
Trả lời cho câu hỏi, liệu Việt Nam có thể đảm bảo kiểm soát lạm phát dưới 4% như mục tiêu đã đề ra, ông Tuấn khẳng định: Không thể phủ nhận thị trường vẫn tiềm ẩn các nhân tố tác động gây bất lợi đến mục tiêu kiểm soát lạm phát xuất phát.
Việc này xuất phát từ áp lực tăng giá một số nguyên nhiên vật liệu trên thị trường thế giới tác động vào giá trong nước qua kênh nhập khẩu. Ngoài ra, hậu quả của thiên tai, dịch bệnh, theo ông Tuấn cũng có thể diễn biến phức tạp, khó lường.
Nói về giải pháp thời gian tới, đại diện Bộ Tài chính cho biết, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu trong nước hài hòa, sử dụng hợp lý quỹ bình ổn giá với liều lượng thích hợp. Hai bộ được yêu cầu chủ động có kịch bản ứng phó nếu giá xăng dầu tăng cao, tạo dư địa thuận lợi cho việc kiểm soát mặt bằng giá cả năm.
Ông Tuấn khẳng định, thực hiện chỉ đạo trên, Bộ Tài chính sẽ bám sát tình hình thực tiễn và phối hợp tốt với các bộ, ngành, địa phương trong điều hành giá một số mặt hàng quan trọng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.