(HNM) - Mặc dù đã có rất nhiều nỗ lực trong việc tuyên truyền và bổ sung vi chất dinh dưỡng cho trẻ nhưng tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng vẫn còn là một thách thức lớn với Việt Nam.
Trẻ em Việt đã bớt thấp còi
Theo báo cáo mới đây của Viện Dinh dưỡng quốc gia, hiện tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thấp còi đã giảm từ 30% vào năm 2010 xuống còn 26,7% vào năm 2012. Tính trung bình, cứ 4 trẻ em thì có 1 trẻ bị suy dinh dưỡng thấp còi, tỷ lệ này trước đây là 1/3. GS-TS Lê Thị Hợp, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng nói chung và ở thể thấp còi nói riêng được cải thiện là do trong vài năm qua, chương trình bổ sung vitamin A cho trẻ được triển khai trên diện rộng đến mọi xã, phường. Có tới trên 90% trẻ em từ 6 đến 36 tháng tuổi trên toàn quốc được bổ sung vitamin A liều cao hai lần trong một năm.
Nhân viên y tế phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông cho trẻ em uống vitamin A trong ngày 1-6. Ảnh: Linh Ngọc |
Năm nay, trong đợt cao điểm bổ sung và tuyên truyền về vi chất dinh dưỡng, nhiều hoạt động được triển khai gồm: Bổ sung vitamin A đợt 1 cho trẻ từ 6 đến 60 tháng tuổi tại 22 tỉnh có tỷ lệ thấp còi trên 30%, trẻ từ 6 đến 36 tháng tuổi tại 41 tỉnh còn lại, trẻ em dưới 5 tuổi mắc các bệnh nhiễm trùng và bà mẹ sau khi sinh con trong vòng 1 tháng; tẩy giun cho trẻ từ 24 đến 60 tháng tuổi tại 22 tỉnh có tỷ lệ thấp còi trên 30%; cân, đo chiều cao cho toàn bộ trẻ dưới 5 tuổi của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Dịp này, các chuyên gia dinh dưỡng, nhân viên y tế còn tuyên truyền để trẻ nhỏ và bà mẹ mang thai sử dụng phối hợp 15-20 loại thức ăn từ bốn nhóm thực phẩm trong bữa ăn hằng ngày; cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, ăn bổ sung hợp lý, ưu tiên sử dụng các thực phẩm sẵn có tại địa phương; không bắt trẻ ăn kiêng khi bị bệnh, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong quá trình lựa chọn, chế biến và bảo quản thức ăn cho trẻ. Phụ nữ mới kết hôn, bà mẹ trước và trong khi mang thai cần ăn, uống đầy đủ và bổ sung viên sắt/axit folic hoặc viên đa vi chất. Tại Hà Nội, Ngày Vi chất dinh dưỡng 2013 sẽ có trên 2.000 điểm tiêm và khoảng 400.000 trẻ uống vitamin A và cân đo cơ thể.
Vẫn sai lầm khi bổ sung vi chất
Mặc dù đã có rất nhiều nỗ lực trong việc tuyên truyền và bổ sung vi chất dinh dưỡng cho trẻ nhưng tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng vẫn còn là một thách thức lớn với Việt Nam. Theo PGS-TS Lê Danh Tuyên, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, tình trạng thiếu hụt về vi chất dinh dưỡng ở trẻ em, nhất là thiếu vitamin A, sắt, iốt vẫn cần được quan tâm giải quyết nhiều hơn nữa. "Việt Nam đã thực hiện việc cho bà mẹ sau sinh uống vitamin A liều cao, tuy nhiên mới chỉ có khoảng 52% bà mẹ đi uống - một con số thấp, trong khi tác dụng của việc này rất lớn. Chỉ cần một liều đó là đủ cho bà mẹ nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng" - ông Lê Danh Tuyên cho biết.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, để phòng ngừa thiếu vitamin A, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nên được bú sữa mẹ, đặc biệt là sữa non. Tuy nhiên hiện tượng thiếu vitamin A trong sữa mẹ đang xảy ra ở một số vùng. Cụ thể, tỷ lệ thiếu vi chất này trong sữa mẹ ở Lạng Sơn là hơn 52%, Kon Tum gần 40%, Quảng Bình là 34%, Đắc Nông là 33%... Thậm chí, kết quả xét nghiệm vitamin A trong huyết thanh cũng phát hiện có tới 14,2% trẻ em dưới 5 tuổi đang bị thiếu vi chất này, cao nhất ở khu vực bắc miền Trung và Tây Nguyên. Đây là một thực tế đáng lo ngại.
Bà Hoàng Kim Thanh, Giám đốc Trung tâm Truyền thông giáo dục dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng quốc gia) chỉ ra những sai lầm của nhiều phụ huynh dẫn đến tình trạng con trẻ bị thiếu vi chất dinh dưỡng ảnh hưởng đến sức khỏe, trí tuệ và tầm vóc trẻ. Bà Hoàng Kim Thanh chia sẻ: "Cha mẹ nào cũng mong con cao lớn nên thường xuyên cho con uống canxi mà không hiểu không phải cứ đưa canxi vào là cơ thể hấp thu được. Để hấp thu canxi, có vai trò rất quan trọng của vitamin D. Để có đủ vitamin D, cơ thể phải lấy từ ba nguồn là thức ăn hằng ngày, ánh nắng mặt trời và vitamin D uống trực tiếp. Trong đó, 80% vitamin D hấp thụ vào cơ thể trẻ từ việc trẻ được "tắm nắng" mỗi sáng hằng ngày. Quan niệm bổ sung canxi cho trẻ bằng nước xương hầm cũng là sai lầm vì lượng canxi có được từ xương ống rất ít trong khi chất béo trong tủy xương là chất béo no khiến các cháu ăn vào bị đầy bụng, khó hấp thụ các chất dinh dưỡng khác".
Vitamin A, D, kẽm, sắt… gọi là "vi chất dinh dưỡng" vì cơ thể mỗi người chỉ cần một lượng rất nhỏ, tuy nhiên chúng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình xây dựng tế bào các mô. Theo bác sĩ Lê Thị Hải, Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng quốc gia), nếu cơ thể thiếu kẽm sẽ ảnh hưởng xấu đến sự phát triển và chức năng của hầu hết các tế bào miễn dịch, dễ mắc bệnh nhiễm trùng, chậm phát triển chiều cao. Thiếu sắt dễ bị thiếu máu dẫn đến giảm phát triển về trí tuệ và khả năng lao động. Thiếu canxi dẫn đến còi xương; thiếu iốt khiến trẻ chậm phát triển trí tuệ… Thiếu các vi chất dinh dưỡng là nguyên nhân gây biếng ăn ở trẻ. Nhưng vi chất không tự sinh ra trong cơ thể mà cần phải cung cấp từ thức ăn. Cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, đa dạng thực phẩm trong bữa ăn hằng ngày là lời khuyên của các chuyên gia dành cho các bà mẹ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.