Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bỏ sổ hộ khẩu giấy: Lợi cả đôi đường!

Nhóm phóng viên| 16/09/2020 06:25

(HNM) - Mới đây Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí với phương án đề xuất tại dự thảo Luật Cư trú sửa đổi là luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2021. Theo đó, dự thảo quy định sẽ thay thế việc quản lý cư trú từ phương thức thủ công bằng sổ hộ khẩu giấy sang sử dụng mã số định danh cá nhân. Quy định này đã nhận được sự đồng tình của đông đảo dư luận khi cho rằng, việc bỏ sổ hộ khẩu giấy sẽ lợi đôi đường - cho cả cơ quan quản lý nhà nước và người dân.

Trung tá Nguyễn Đình Đức, Đội trưởng Đội Quản lý hành chính và trật tự xã hội (Công an quận Tây Hồ): 
Góp phần phục vụ công tác quản lý nhà nước hiệu quả, chính xác

Hiện nay, 15 thông tin cơ bản về công dân đang được cơ quan công an tổ chức thu thập, cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư… Sử dụng mã số định danh cá nhân vào quản lý dân cư sẽ là nền tảng để phát triển và sử dụng thẻ công dân điện tử (hoặc phương tiện điện tử), mở rộng các ứng dụng để tích hợp thông tin của nhiều ngành trên một tấm thẻ (hoặc phương tiện điện tử). Thông tin cá nhân trong cơ sở dữ liệu chuyên ngành được cập nhật từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ làm tăng khả năng khai thác, cập nhật thông tin về dân cư, hạn chế tối đa tình trạng trùng lặp thông tin, giảm chi phí đầu tư ngân sách nhà nước. Đồng thời, góp phần phục vụ công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự một cách kịp thời, chính xác, hiệu quả, thông suốt từ trung ương tới địa phương.

Luật sư Trần Minh Hải, Công ty Luật Basico (phường Bùi Thị Xuân, quận Hai Bà Trưng): 
Sửa đổi các văn bản liên quan để bảo đảm có hiệu lực đồng thời với luật

Lợi ích lớn của việc bỏ sổ hộ khẩu giấy, chuyển sang quản lý dân cư bằng mã số định danh cá nhân là điều ai cũng thấy rõ. Việc bỏ sổ hộ khẩu giấy sẽ góp phần công khai, minh bạch, đơn giản hóa, tiến tới loại bỏ các thủ tục hành chính rườm rà; hạn chế tình trạng gây nhũng nhiễu, phiền hà của một số cán bộ cho người dân; tiết kiệm thời gian, chi phí cho xã hội… Được biết, qua rà soát sơ bộ, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhận thấy có tới 27 thủ tục hành chính đang được quy định trong các văn bản dưới luật yêu cầu phải có sổ hộ khẩu, sổ tạm trú. Còn theo Bộ Công an, hiện có tới 22 nghị định và 54 thông tư có những quy định liên quan tới sổ hộ khẩu, sổ tạm trú. Như vậy, để chuyển sang phương thức quản lý mới, các cơ quan quản lý cần nghiên cứu, rà soát và kịp thời sửa đổi các văn bản liên quan để bảo đảm có hiệu lực đồng thời với Luật Cư trú sửa đổi khi được Quốc hội thông qua.

Ông Lê Đức Hoàn, thị trấn Thường Tín, huyện Thường Tín: 
Người dân sẽ được hưởng nhiều lợi ích

Hiện nay, công dân khi đi giao dịch, thực hiện thủ tục hành chính phải mang theo rất nhiều loại giấy tờ như chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, giấy chứng nhận kết hôn. Được biết, khi Cơ sở dữ liệu quốc gia về cư dân được hoàn thành, người dân không cần mang theo các loại giấy tờ nêu trên, không phải công chứng, chứng thực các loại giấy tờ này, mà chỉ mang theo thẻ căn cước công dân hoặc cung cấp mã số định danh cá nhân cho cơ quan quản lý để thực hiện thủ tục hành chính bảo đảm nhanh chóng, chính xác, hiệu quả. Như vậy, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý dân cư sẽ không chỉ nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, tăng cường tính công khai, minh bạch thông tin, mà còn giảm phiền hà, tiết kiệm chi phí, cung cấp dịch vụ công tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.

Ông Lê Trọng Phong, đảng viên Chi bộ Khối dịch vụ may Đức Giang, quận Long Biên: 
Xây dựng nền tảng công nghệ tiên tiến để vận hành phương thức quản lý cư trú mới 

Cách thức quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu đã được thực hiện suốt hàng chục năm qua, gây tốn kém, lãng phí không nhỏ cho ngân sách nhà nước cũng như mang đến nhiều khó khăn, rườm rà cho công dân khi thực hiện các thủ tục hành chính. Việc thay đổi hình thức quản lý dân cư từ sổ hộ khẩu giấy sang mã số định danh cá nhân đã chứng tỏ quyết tâm rất lớn của Chính phủ, Bộ Công an và các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, điều dư luận mong muốn là chúng ta sẽ xây dựng được nền tảng công nghệ tiên tiến để vận hành có hiệu quả phương thức quản lý cư trú mới và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu quốc gia về cư trú, nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tính hiệu quả trong quản lý của cơ quan nhà nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bỏ sổ hộ khẩu giấy: Lợi cả đôi đường!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.