Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bộ phim lịch sử "Khát vọng Thăng Long" sẵn sàng bấm máy

Lệ Quyên| 05/02/2010 13:13

(HNMO) - Sau nhiều thời gian trì hoãn do thay đổi nhà sản xuất, và êkip làm phim, cuối cùng bộ phim lịch sử về vị vua đầu triều Lý có công dời đô về kinh thành Thăng Long - Lý Công Uẩn cũng đã hoàn tất khâu chuẩn bị và sẵn sàng bấm máy cảnh đầu tiên tại Hà Nội vào ngày 15/3 tới.

(HNMO) - Sau nhiều thời gian trì hoãn do thay đổi nhà sản xuất, và êkip làm phim, cuối cùng bộ phim lịch sử về vị vua đầu triều Lý có công dời đô về kinh thành Thăng Long - Lý Công Uẩn cũng đã hoàn tất khâu chuẩn bị và sẵn sàng bấm máy cảnh đầu tiên tại Hà Nội vào ngày 15/3 tới.

Phim "Khát vọng Thăng Long" được phát triển từ kịch bản gốc là “Chiếu dời đô” của Triệu Tuấn. Trước đây, “Chiếu dời đô” thuộc quyền quản lý của Hãng phim Hội điện ảnh, song sau một năm khảo sát địa điểm quay, tuyển diễn viên, dự án này đã bị dừng lại do gặp một số khó khăn về kinh phí. Sau đó, dự án làm phim kỷ niệm 1000 năm Thăng Long “Chiếu dời đô” đã được tiếp quản bởi Hội truyền thông Hà Nội và được đổi tên thành “Khát vọng Thăng Long”.


Bộ phim lịch sử 'Khát vọng Thăng Long" sẽ bấm máy vào ngày 15/3 này

Trong buổi họp báo giới thiệu bộ phim diễn ra sáng nay (5/3), Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội - Ngô Thị Thanh Hằng cũng có mặt và hoan nghênh sự làm việc nhiệt tình của đoàn làm phim. Phó Chủ tịch Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, UBND TP rất ủng hộ và đánh giá cao sự tham gia đầu tư theo phương thức xã hội hóa của đoàn làm phim. UBND TP Hà nội cũng đã chỉ đạo Sở Thông tin truyền thông, Sở Văn hóa, thể thao và du lịch Hà Nội, Văn phòng Ban chỉ đạo Quốc gia 1000 năm Thăng Long hướng dẫn đoàn làm phim thực hiện bộ phim đạt chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ.

Cho đến thời điểm này, bộ phim nhựa lịch sử "Khát vọng Thăng Long" đã hoàn tất các công đoạn chuẩn bị, từ khâu tuyển diễn viên, phục trang, đạo cụ, kỹ thuật... và sẵn sàng bấm máy. Tuy chưa tiết lộ gương mặt diễn viên nào sẽ đảm nhiệm những vai chính như sư Vạn Hạnh, vua Lý Công Uẩn... nhưng đạo diễn Lưu Trọng Ninh cho biết, ngày nào đoàn làm phim cũng làm phim với các diễn viên, hướng dẫn cách diễn xuất và sẽ giới thiệu rộng rãi tới công chúng trong thời gian tới.

Đạo diễn cũng cho biết, trong phim chắc chắn sẽ có cảnh đánh trận, huy động nhiều diễn viên quần chúng, ngựa xe và sẽ đươc quay tại Tây Nguyên. Dù vậy, điểm nhấn chính của bộ phim vẫn là thể hiện cuộc đời dung dị của vị vua khởi đầu triều Lý, mà ở đó những cảnh quay sẽ tập trung vào văn hóa sinh hoạt của người Việt Nam cách đây 1000 năm như giếng nước, ao làng...

Đạo diễn Lưu Trọng Ninh phân trần: "Cái khó của đoàn làm phim là làm thế nào để làm một bộ phim lịch sử đúng chất của người Việt Nam, thể hiện hồn cốt, tinh thần, văn hóa của người Việt... Nhiều người xem phim hay so sánh giữa cách làm phim lịch sử của Việt Nam với nước khác mà đơn cử là Trung Quốc, đất nước rất giỏi làm phim lịch sử. Dù có những điểm tương đồng về văn hóa nhưng cách làm phim của Trung Quốc và của ta rất khác nhau, bởi lịch sử, tinh thần của hai quốc gia khác nhau.

Nếu như người Trung Quốc chuộng màu vàng và đỏ thì người Việt lại là màu nâu. Nếu như người Trung Quốc thích làm những đại cảnh hoành tráng thì Việt Nam lại mạnh về những tiểu tiết, những sinh hoạt dân dã đời thường. Vì lẽ đó, chúng tôi rất tránh việc chịu ảnh hưởng cách làm phim của những nhà làm phim Trung Quốc cho dù họ rất mạnh về làm phim cổ trang, lịch sử". Đây cũng là lý do mà đoàn làm phim quyết định 100% cảnh quay được thực hiện trong nước.

Khi được hỏi về những tư liệu lịch sử mà đoàn làm phim tham khảo để dựng phim, đại diện công ty cổ phần Kỷ Nguyên Sáng (nhà sản xuất) cho biết, đoàn làm phim dựa trên nguồn tư liệu lịch sử chính thống, tài liệu dã sử, các cố vấn sử học, những cổ vật đào được từ thời nhà Lý... để thực hiện việc cảnh quay, phục dựng trường quay... Cho dù gặp khá nhiều khó khăn vì nguồn tài liệu về lịch sử Việt Nam cách đây 1000 năm khá ít ỏi, nhưng đạo diễn Lưu Trọng Ninh tỏ ra khá tự tin vào việc thực hiện bộ phim này.

Dự kiến ngày 15/3 tới bô phim "Khát vọng Thăng Long" sẽ bấm máy cảnh đầu tiên tại Hà Nội, sau đó đoàn sẽ quay lần lượt tại Ninh Bình, Huế, Tây Nguyên... Kể từ lúc bấm máy cho đến khi ra mắt, đoàn phim chỉ còn 7 tháng quay, 1 tháng làm hậu kỳ và sẽ kịp ra mắt công chúng vào đúng dịp kỷ niệm Đại lễ1000 năm Thăng Long - Hà Nội vào tháng 10 này.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bộ phim lịch sử "Khát vọng Thăng Long" sẵn sàng bấm máy

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.