Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bỏ khung giá đất để giải quyết tắc nghẽn trong đền bù, giải phóng mặt bằng

Đình Hiệp| 14/11/2022 17:13

(HNMO) - Chiều 14-11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tư, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Nhiều đại biểu cho rằng, việc bỏ khung giá đất là cần thiết để giải quyết tắc nghẽn trong quá trình đền bù, giải phóng mặt bằng thời gian qua.

Đại biểu Đoàn Thị Hảo (Đoàn Thái Nguyên) phát biểu.

Làm rõ cơ chế phát huy vai trò của tổ chức phát triển quỹ đất

Thảo luận về phát triển quỹ đất, đại biểu Đoàn Thị Hảo (Đoàn Thái Nguyên) nêu, dự thảo Luật có nhiều điểm mới trong cơ chế phát triển quỹ đất, đáp ứng nhu cầu sử dụng đất của các dự án đầu tư đảm bảo đồng bộ, giải quyết được nhiều bất cập trong thực tiễn. Tuy nhiên, dự thảo Luật chưa làm rõ cơ chế để phát huy được nguồn lực của tổ chức phát triển quỹ đất thực tiễn. Vì thế, đại biểu đề nghị cần tạo hành lang pháp lý đủ mạnh, có cơ chế huy động hỗ trợ nguồn vốn cũng như trình tự thủ tục về tài chính thuận lợi để các trung tâm phát triển quỹ đất hoạt động hiệu quả.

Cùng với đó cần quy định cơ chế hoạt động độc lập của hội đồng thẩm định giá đất và các thành viên của hội đồng thẩm định; tăng tỷ lệ thành viên hội đồng thẩm định giá đất là các chuyên gia tư vấn độc lập; đồng thời bổ sung quy định tăng cường trách nhiệm của các cơ quan trung ương trong định giá đất.

Ngoài ra, đại biểu đề nghị làm rõ trong trường hợp tập trung đất nông nghiệp để thực hiện dự án tổ chức kinh tế hộ gia đình, cá nhân tập trung đất đai có phải thực hiện trình tự, thủ tục theo quy định pháp luật về đầu tư không và quy trình thực hiện như thế nào?

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa (Đoàn Hải Dương) phát biểu.

Cho ý kiến về chế độ quản lý, sử dụng đối với đất đa mục đích, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa (Đoàn Hải Dương) cho rằng, việc dự thảo Luật bổ sung chế định mới quy định về đất sử dụng đa mục đích là cần thiết, vừa thể chế hóa Nghị quyết số 18-NQ/TƯ, vừa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Theo đại biểu, thực tiễn quản lý, sử dụng đất thời gian qua có nhiều vấn đề vướng mắc cần được tháo gỡ; đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu để quy định cụ thể hơn.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng cho rằng, một trong những vấn đề khó xác định trong chế độ quản lý, sử dụng đất đa mục đích là xác định nghĩa vụ tài chính đất đai của người sử dụng đất, nhất là trường hợp sử dụng đất hỗn hợp. Do đó, đề nghị nghiên cứu để bổ sung nguyên tắc, khuyến khích người sử dụng đất đa mục đích bằng cách ưu đãi về nghĩa vụ tài chính đất đai đối với mục đích sử dụng thứ hai, thứ ba của thửa đất để tăng hiệu quả sử dụng đất.

Đại biểu Trần Đình Văn (Đoàn Lâm Đồng) cho ý kiến về định giá đất theo nguyên tắc thị trường. Tuy nhiên, việc xác định giá đất còn chưa rõ ràng nên cần có cơ chế xác định giá đất cần minh bạch; có sự thẩm tra, giám sát kỹ lưỡng của HĐND địa phương. Theo đại biểu, trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi) cần có quy định rõ về giá đất trên thị trường giữa người mua và người bán về vị trí đất; phương pháp định giá đất theo giá thị trường; đưa ra các chế tài ràng buộc trách nhiệm giữa các bên.

Về nguyên tắc, phương pháp định giá đất, đại biểu Trần Đình Văn đề nghị dự án Luật sửa đổi cần có định nghĩa giải thích về khái niệm giá trị thị trường có quyền sử dụng đất làm căn cứ xây dựng, thực hiện các chính sách quản lý liên quan đến nội dung này. Theo đó, giá thị trường có quyền sử dụng đất là giá mua bán, trao đổi với người mua, người bán thỏa thuận với nhau khi mua bán, trao đổi quyền sử dụng đất trên thị trường. Giá trị thị trường về quyền sử dụng đất là mức giá được xác định dựa trên các yếu tố thị trường, khả năng sinh lời, vị trí, kích thước, mục đích sử dụng đất, quan hệ cung cầu và giá cả giao dịch phổ biến về loại đất đó trên thị trường trong điều kiện bình thường.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) phát biểu.

Cân nhắc áp dụng thời hạn sử dụng đất nông nghiệp

Góp ý về vấn đề bỏ khung giá đất, bỏ khung giá quyền sử dụng đất, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) nêu rõ, đây là việc rất nên làm theo Nghị quyết số 18-NQ/TƯ để giải quyết những bất hợp lý, tồn tại lâu nay, làm tắc nghẽn quá trình đền bù giải tỏa. Để thực hiện các dự án, đại biểu đề nghị cần có quy định cụ thể về thủ tục, quy trình thực hiện và phương pháp xác định giá quyền sử dụng đất để bỏ khung giá quyền sử dụng đất nhưng vẫn đảm bảo chặt chẽ, tiện lợi và hiệu quả.

Đồng thời cần quy định rõ chức năng, vai trò và nhiệm vụ của Hội đồng thẩm định giá quyền sử dụng đất. Bên cạnh đó, theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, Điều 86 đề cập thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng, đề nghị Luật sửa đổi phải sửa cho hợp lý nhất việc dự án tự thỏa thuận, vì đây là điểm nghẽn, tắc nghẽn lớn trong thực tiễn khi triển khai các dự án hiện nay, đặc biệt là các dự án vừa và nhỏ mang tính an sinh xã hội. Đại biểu cho rằng, tốt nhất đề nghị chính quyền địa phương phải triển khai đền bù giải tỏa theo quy định của pháp luật để giao đất sạch cho chủ đầu tư thực hiện các dự án.

Các đại biểu dự phiên thảo luận Luật Đất đai (sửa đổi) chiều 14-11.

Góp ý về hạn mức thời hạn sử dụng đất, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) đề nghị cân nhắc có nên áp dụng thời hạn sử dụng đất nông nghiệp hay không. Đại biểu cho rằng, nên giao cho người sử dụng lâu dài, nếu cần thiết Nhà nước thu hồi có đền bù. Nếu quy định thì ban soạn thảo cần giải thích vì sao phải có quy định thời hạn sử dụng đất nông nghiệp.

Đại biểu Phạm Văn Hòa cũng đề nghị không nên tiếp tục đặt vấn đề về tranh chấp địa giới hành chính vào luật, mà nên đặt ra giữa các chủ thể có quyền sử dụng đất, nếu còn có tranh chấp địa giới hành chính giữa các địa phương sẽ do cấp thẩm quyền quản lý nhà nước quyết định theo phân cấp. Việc giao đất, cho thuê đất không qua đấu giá cho nhiều đối tượng, trong đó có công chức, viên chức, sĩ quan quân đội được cấp thẩm quyền chuyển công tác sang tỉnh khác, đại biểu đề nghị giải trình rõ hơn về quy định này để tránh so bì, tránh bị lạm dụng gây thất thoát ngân sách nhà nước.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu; nhấn mạnh 1/3 số ý kiến của đại biểu tại hội trường là về vấn đề tài chính và định giá đất.

Bộ trưởng nêu rõ, tài chính đất đai cùng với quy hoạch là công cụ mà Nhà nước thực hiện quyền quản lý nhà nước và quyền đại diện cho chủ sở hữu toàn dân về đất đai. Trong đó, việc phân bổ lại nguồn lực đất đai, phát huy giá trị đất đai và đưa nguồn lực này vào để phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết hài hòa các mối quan hệ.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, trên cơ sở thu thập đầy đủ cơ sở dữ liệu về giá đất, dùng phương pháp toán học, phương pháp thống kê tính toán, cùng với phương pháp để xác định vùng đất chuẩn, thửa đất chuẩn, số lượng thửa đất... thì có thể xác định được giá đất. Điều này sẽ giải quyết được những bất cập hiện nay.

Quang cảnh phiên thảo luận chiều 14-11.

Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, phiên thảo luận có 38 đại biểu phát biểu, 7 đại biểu tranh luận, còn 55 đại biểu chưa phát biểu do hết thời gian. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, qua thảo luận, đa số ý kiến nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật Đất đai để thể chế hóa chủ trương của Đảng, hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn lực đất đai, tạo không gian, động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, khắc phục những bất cập, hạn chế của luật hiện hành.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiên cứu các ý kiến phát biểu tại hội trường và các ý kiến thảo luận tại tổ để tiếp thu; tổ chức các cuộc hội thảo, hội nghị đại biểu chuyên trách để tiếp tục hoàn chỉnh dự án Luật trình Quốc hội tiếp tục xem xét, thảo luận tại kỳ họp thứ năm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bỏ khung giá đất để giải quyết tắc nghẽn trong đền bù, giải phóng mặt bằng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.