(HNMO) - Ngày 28-12, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, năm 2022, được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương, sự đồng hành của doanh nghiệp và người dân, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo đã có nhiều kết quả đáng khích lệ, đóng góp vào thành công chung của cả nước.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định thông tin, năm 2022, hành lang pháp lý về khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo tiếp tục được hoàn thiện. Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với các bộ liên quan chủ trì việc soạn thảo Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi) và đã được Quốc hội thông qua vào kỳ họp tháng 6-2022.
Cùng với đó, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030. Việc tái cơ cấu các chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 được triển khai tập trung vào các hướng nghiên cứu cơ bản, công nghệ ưu tiên, xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm trọng điểm, chủ lực trong các ngành, lĩnh vực.
Bên cạnh những kết quả tích cực đó, Thứ trưởng Lê Xuân Định thẳng thắn nhìn nhận, phát triển ngành Khoa học và Công nghệ năm 2022 vẫn còn một số tồn tại, như: Cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo còn nhiều vướng mắc, bất cập, chưa đầy đủ, đồng bộ. Việc xử lý tài sản hình thành từ nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, thương mại hóa kết quả nghiên cứu còn nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Sự gắn kết giữa các viện nghiên cứu, trường đại học và các doanh nghiệp với mục tiêu đưa nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vào thực tiễn sản xuất kinh doanh còn hạn chế. Cơ chế, chính sách về tổ chức bộ máy, nhân lực khoa học và công nghệ ở địa phương liên tục thay đổi và ngày càng giảm, gây khó khăn cho hoạt động quản lý khoa học và công nghệ ở địa phương.
Năm 2023, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm, như: Tiếp tục hoàn thiện và đổi mới cơ chế, chính sách liên quan đến khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo; tổ chức triển khai đồng bộ, hiệu quả Chiến lược phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030; triển khai hiệu quả, đồng bộ các chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia đến năm 2030 theo hướng phát triển các hướng nghiên cứu cơ bản, các hướng công nghệ ưu tiên, các sản phẩm trọng điểm, chủ lực của đất nước...
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận nỗ lực của ngành Khoa học và Công nghệ trong bối cảnh rất khó khăn của năm 2022, vẫn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ.
Phó Thủ tướng nêu 5 nhiệm vụ cơ bản mà Bộ Khoa học và Công nghệ cần tiếp tục đẩy mạnh, nỗ lực hơn nữa trong năm 2023 và những năm tiếp theo để khoa học - công nghệ thực sự trở thành động lực phát triển. Một trong những nhiệm vụ rất quan trọng là nghiên cứu để hình thành hệ thống văn bản pháp lý thực sự hiệu lực để các nhà khoa học không phải lo hóa đơn, chứng từ quá nhiều. Hệ thống thông tin, quản lý khoa học - công nghệ tiếp tục hướng tới công khai, minh bạch trong mọi khâu từ giao đề tài, phản biện, nghiệm thu…, đặc biệt là khâu phản biện.
Bộ Khoa học và Công nghệ cần chú trọng hơn nữa đến lĩnh vực khoa học xã hội, chính trị, quản lý, nhất là một số đề án lớn: Bộ Lịch sử Việt Nam, Địa chí quốc gia Việt Nam, Bách khoa Toàn thư…
“Bộ Khoa học và Công nghệ đã "thắp lên ngọn đuốc" khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Start-up), lan tỏa ra các bộ, ngành, địa phương và phải tiếp tục là nòng cốt cho phong trào này", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.