Ông Bùi Mạnh Nhị, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ GD&ĐT giải đáp một số thắc mắc về đối tượng cũng như thời gian được tính để hưởng chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo, theo Nghị định 54/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011 của Chính phủ.
Không trực tiếp giảng dạy có được hưởng phụ cấp?
Bà Ngô Thị Thu Huyền (thcsvanninhqn@...): Tôi được biết chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo được thực hiện từ 1/5/2011. Những cán bộ thư viện công tác trong các trường học thì có được hưởng chế độ phụ cấp này không?
Bà Thu Thảo (thuthaospkt@....): Tôi là giáo viên giảng dạy tại trường tiểu học được 22 năm (tính đến năm 2000). Sau đó tôi được chuyển lên Trường THCS làm văn thư , tính đến nay được 11 năm. Vậy tôi có được hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo không?
Ông Bùi Mạnh Nhị, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ Giáo dục và Đào tạo. |
Ông Bùi Mạnh Nhị: Theo quy định tại Điều 1 Nghị định số 54/2011/NĐ-CP thì phụ cấp thâm niên áp dụng đối với nhà giáo đang giảng dạy, giáo dục ở các cơ sở giáo dục công lập. Như vậy, các trường hợp không trực tiếp giảng dạy, giáo dục thì không áp dụng hưởng chế độ phụ cấp thâm niên quy định tại Nghị định Chính phủ.
Ông Nguyễn Văn Thành (thanh.pgd.tamnong@...): Tôi đã trực tiếp đứng lớp giảng dạy 13 năm. Năm 2009, tôi được cấp trên điều động về làm việc tại Phòng Giáo dục và Đào tạo. Vậy tôi có được hưởng phụ cấp thâm niên theo số năm tôi trực tiếp đứng lớp giảng dạy không?
Ông Bùi Mạnh Nhị: Như đã nói ở trên, chế độ phụ cấp thâm niên chỉ áp dụng đối với nhà giáo đang giảng dạy, giáo dục ở các cơ sở giáo dục công lập. Các trường hợp không trực tiếp giảng dạy, giáo dục thì không áp dụng hưởng chế độ phụ cấp thâm niên.
Tuy nhiên, ngày 7/7/2011 Chính phủ ban hành Nghị định số 57/2011/NĐ-CP về chế độ phụ cấp công vụ, theo đó, những người là công chức thuộc đối tượng quy định tại Điều 2 Nghị định số 57/2011/NĐ-CP (trong đó có công chức công tác ở Phòng Giáo dục và Đào tạo) được hưởng chế độ phụ cấp công vụ theo quy định tại Nghị định này.
Đồng thời, ngày 5/8/2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 42/2011/QĐ-TTg về bảo lưu chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo được điều động làm công tác quản lý giáo dục. Cụ thể, nhà giáo được cấp có thẩm quyền điều động làm công tác quản lý giáo dục có hiệu lực trong thời gian từ ngày 1/9/2010 đến ngày 31/5/2015 được hưởng chính sách bảo lưu phụ cấp ưu đãi.
Thời gian tập sự, đi học có được tính hưởng phụ cấp?
Bà Nguyễn Thị Bích Liên (nguyenthibichlienvr@...): Tôi ra trường bắt đầu giảng dạy từ năm 1984 đến nay được 27 năm, thì tôi được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên như thế nào? Giáo viên giảng dạy 5 năm trở lên thì được tính cụ thể như thế nào và 5 năm giảng dạy đứng lớp có tính thời gian tập sự không? Thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên có gồm thời gian nghỉ hậu sản hay thời gian nghỉ không lương không? Thời gian nghỉ bệnh lâu dài trong khi chờ đủ tuổi về nghỉ hưu có được tính vào thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên không?
Ông Bùi Mạnh Nhị: Theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị định số 54/2011/NĐ-CP, thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên bao gồm: Thời gian giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục; Thời gian hưởng phụ cấp thâm niên ở các ngành nghề khác được cộng dồn với thời gian giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục để tính hưởng phụ cấp thâm niên.
Đồng thời, khoản 3 Điều 2 Nghị định 54/2011/NĐ-CP quy định về thời gian không tính hưởng phụ cấp thâm niên bao gồm: Thời gian tập sự, thử việc hoặc thời gian hợp đồng làm việc lần đầu; Thời gian nghỉ việc riêng không hưởng lương liên tục từ 1 tháng trở lên; Thời gian nghỉ ốm đau, thai sản vượt quá thời hạn theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội; Thời gian bị tạm đình chỉ công tác hoặc bị tạm giữ, tạm giam để phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử.
Mức phụ cấp thâm niên được quy định tại Điều 3 Nghị định 54/2011/NĐ-CP. Theo đó, nhà giáo đủ 5 năm (60 tháng) giảng dạy, giáo dục được tính hưởng mức phụ cấp thâm niên bằng 5% của mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có); từ các năm sau trở đi, phụ cấp thâm niên mỗi năm được tính thêm 1%.
Bà Phạm Thị Ái Vân (phamthiaivan1981@...): Tôi được tuyển dụng vào ngạch công chức ngành giáo dục (giáo viên THPT) từ 1/1/2003 và đến 1/1/2004, tôi hết thời gian tập sự. Sau đó, tôi được Sở Giáo dục và Đào tạo và Nhà trường cho phép đi học cao học từ 10/2008 đến 10/2010, được hưởng lương liên tục, và về công tác ở trường đến nay. Vậy thời gian đi học của tôi có được tính để hưởng phụ cấp thâm niên không?
Ông Bùi Mạnh Nhị: Căn cứ khoản 3 Điều 2 Nghị định số 54/2011/NĐ-CP nói đến ở trên, nhà giáo đang giảng dạy, giáo dục mà được cấp có thẩm quyền cử hoặc cho phép đi đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ và sau khi hoàn thành khóa học trở về tiếp tục giảng dạy, giáo dục thì thời gian đi đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ vẫn được tính hưởng phụ cấp thâm niên.
Dự kiến, tháng 12 ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn
Bà Trần Thị Kim Dung (tranthikimdung123@...): Tháng 10/1989, tôi được Sở Giáo dục và Đào tạo Thuận Hải (nay là Ninh Thuận) điều động về dạy tại một trường THPT. Tháng 9/1992, tôi được công nhận hết tập sự và công tác tại tại đây đến tháng 8/2008 thì xin thôi việc theo gia đình vào TP. Hồ Chí Minh. Tôi đã được hưởng trợ cấp thôi việc, giữ nguyên chế độ bảo hiểm xã hội và dạy hợp đồng tiếp tại trường THPT tự chủ tài chính. Tháng 9/2009, tôi được vào biên chế của trường này, thử việc 1 năm. Sau khi hết thời gian thử việc vào năm 2010, tôi là giáo viên biên chế chính thức của trường THPT thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh. Vậy tôi có được hưởng phụ cấp thâm niên không? Nếu có thì được bao nhiêu %?
Ông Bùi Mạnh Nhị: Nội dung câu hỏi trên thuộc khoản 2 và 3 Điều 2 Nghị định số 54/2011/NĐ-CP quy định về thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên và thời gian không tính hưởng phụ cấp thâm niên.
Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang chủ trì phối hợp với các Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính để soạn thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện Nghị định số 54/2011/NĐ-CP của Chính phủ, dự kiến ban hành vào tháng 12 năm 2011. Khi Thông tư liên tịch được ban hành, nội dung câu hỏi sẽ được trả lời. Nếu bà Dung thấy có điều gì chưa rõ, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ trả lời tiếp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.